Hiện thực hóa giấc mơ "công dân toàn cầu"

.

Say mê nghiên cứu thế giới tự nhiên từ bé, đồng thời có sự định hướng của gia đình trong việc trở thành một “công dân toàn cầu”, cô gái Đà Nẵng Kiều Trịnh Lê Vi đang đặt những bước chân của mình vào hành trình tri thức trên đất Pháp.

Kiều Trịnh Lê Vi. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Kiều Trịnh Lê Vi. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Năm nay 25 tuổi, cũng là năm thứ 4 Vi học tại Cộng hòa Pháp. Trước khi làm nghiên cứu sinh năm thứ 3 ngành Khoa học cơ bản (chuyên về ung thư và miễn dịch học) như hiện tại, Vi có quãng thời gian học thạc sĩ 2 ở Đại học Tổng hợp Grenoble trong giai đoạn 2016-2017.

Lê Vi sở hữu bảng thành tích đáng nể, có thể kể đến giải khuyến khích cấp quốc gia cuộc thi Viết thư quốc tế UPU năm 2009, học bổng trao đổi thực tập cử nhân 3 tháng tại Trường Đại học Mahidol - Bangkok (Thái Lan) năm 2015, học bổng thực tập 3 tháng tại Viện Nghiên cứu Địa cực Hàn Quốc (KOPRI) theo Quỹ Tài năng nghiên cứu khoa học trẻ châu Á năm 2016, 2 học bổng toàn phần bậc thạc sĩ II (1 của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và 1 của Đại học Tổng hợp Grenoble), á khoa kỳ thi tuyển nghiên cứu sinh tiến sĩ của Đại học Tổng hợp Bourgogne, chuyên ngành Khoa học sức khỏe và đời sống với kinh phí được cấp bởi Bộ Giáo dục - Đào tạo Pháp vào năm 2017.

Trong những năm tháng du học, Vi đã để lại dấu ấn về nghiên cứu khoa học với 2 bài thuyết trình đề tài khoa học tại Lyon và Grenoble năm 2016. Đến năm 2019, cô gái Đà Nẵng là đồng tác giả bài báo trên tạp chí thuộc Nature Publishing Group và tác giả một poster nghiên cứu khoa học tại Dijon. “Từ bé, tôi rất say mê nghiên cứu thế giới tự nhiên, vì má là giáo viên dạy môn Sinh học. Mặt khác, ba má cũng thường xuyên khuyên dạy và định hướng, mong muốn con trở thành một “công dân toàn cầu trong thế giới hội nhập”. Do đó, sau khi học xong đại học và thạc sĩ tại Hà Nội, tôi quyết định du học để mở mang kiến thức, tiếp cận các công trình nghiên cứu chuyên ngành khoa học, tiếp xúc với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực y sinh”, Vi chia sẻ.

Đến với nước Pháp, với Vi, đó là dịp để cô tìm hiểu thêm nhiều điều thú vị từ văn hóa phương Tây, cũng như rèn luyện ý chí độc lập. Vi chia sẻ, khác với Đà Nẵng, thành phố Dijon nơi Vi đang sống khá cổ kính, quy mô vừa phải, không có núi hay biển, dân số không quá đông. Nơi đây, người dân sống hiền hòa, cũng là quê hương của kiến trúc sư Gustave Eiffel - người đã thiết kế nên tháp Eiffel huyền thoại.
Từ khi đến Pháp vào tháng 9-2016, Vi cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, tuy nhiên, nhờ khả năng ngoại ngữ tốt, Vi cũng khắc phục được những trở ngại trong hội nhập, sinh hoạt trên đất khách. “Thời gian ở đây giúp tôi dần học được cách sống tự lập, tự cân bằng cuộc sống. Kỹ năng giao tiếp và đối ngoại cũng cải thiện nhiều. Đặc biệt là tôi đã biết quan tâm tới môi trường và cộng đồng…”, Vi nói.

Vi dự định sau khi hoàn thành nghiên cứu sinh tiến sĩ sẽ bắt đầu công việc nghiên cứu yêu thích. Cô còn ấp ủ thành lập một mạng lưới hợp tác nghiên cứu khoa học với các trường đại học hoặc viện nghiên cứu trong nước, đặc biệt là Đại học Đà Nẵng nhằm tăng cường đào tạo và bổ sung các chuyên viên, nhà nghiên cứu cơ hữu, góp phần thúc đấy sự phát triển của khối ngành khoa học và công nghệ ở quê nhà.
“Hè vừa rồi, tôi về thăm gia đình ở Đà Nẵng và bất ngờ khi thấy thành phố mình phát triển rất nhanh. Các dịch vụ du lịch và cơ sở hạ tầng cũng được cải thiện nhiều. Tôi hy vọng thành phố sẽ lớn mạnh, văn minh hơn trong tương lai”, Vi chia sẻ.

Trên góc nhìn cá nhân, Vi cho rằng, vấn đề môi trường và quản lý đô thị của thành phố cần được lưu tâm, bởi bài học từ sự phát triển nhanh của đô thị ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn đó. Bên cạnh đó, Vi tìm hiểu và nhận thấy tiềm năng lớn của thành phố trong việc phát triển lĩnh vực công nghệ sinh học và mong muốn chính quyền sẽ quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực này. “Trong tương lai, tôi vẫn mong muốn được quay về đóng góp cho quê hương nếu có cơ hội, tùy thuộc vào thị trường việc làm trong nước ở thời điểm ấy”, Vi chia sẻ.

XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.