Người Dao ở trên núi

.

Không ở miền núi thì có lẽ chẳng mấy ai hiểu tại sao giữa đồng người ta lại cắm một tàu cọ. Là để che nắng đấy ạ. Tàu cọ dựng đứng với những cái mép lá nhọn, mảnh, chia ánh sáng ra thành từng tia một, làm tôi nhớ những năm tháng đã trôi xa thật là xa. Ký ức đôi khi tưởng như cũ kỹ, yên lặng, bị thời gian phủ mờ, lại có thể bỗng chốc thức dậy, sống động như việc cảm thấy những tia bỏng rát của mùa hè đang chạm trên vai…

 

Đứng từ vườn nhà tôi, khu vườn chia thành mấy nấc nương theo chiều xuôi dốc của quả đồi, nhìn xuyên qua những nếp nhà, qua sông Lô, sẽ thấy những mảnh nương nối nhau chạy dài, xếp tầng xếp lớp trên những vách núi đỏ ối. Đất bên ấy đỏ. Chỉ cách một con sông mà bên này đen bên kia đỏ, thật kỳ lạ. Trên những mảnh nương ấy, chiều mùa hè nắng dữ dội lắm. Ánh mặt trời chiếu rọi trực tiếp mà suốt cả mảnh nương chạy thun thút không có một bóng cây to nào. Từ hàng thập kỷ trước, người ta đã chặt hết cây cối, đốt sạch để lấy đất gieo trồng. Đấy là những mảnh nương của người Mán, tức người Dao.

Người Dao sống ở lưng chừng núi, canh tác chủ yếu trên nương, trồng ngô, lúa, các loại đậu. Vài cái chuồng trại chăn nuôi cũng nằm tút lút trên núi. Người Dao sống ở bên này sông. Để đi đến bản của họ phải xuyên qua ngôi làng Tày, trèo lên một ngọn núi, đi xuống, lại đi lên một ngọn núi nữa mới tới. Đi lại như thế mà ngày nào cũng như ngày nào, sáng họ xuống núi, xuyên qua làng Tày, chèo mảng qua sông làm nương.

Chiều lại từ bên kia sông về, lại đi qua làng Tày, lại lên núi để về nhà. Rất hiếm khi nhìn thấy người Dao đi làm hay đi về nhà, bởi họ đi rất sớm và về rất muộn. Trên lưng một vài người phụ nữ còn địu theo đứa con. Đứa bé sẽ được treo trong chính cái địu của mẹ, lửng lơ trên một cành cây ở dưới chân nương, gần bờ sông. Nó sẽ ngủ yên ở đấy trong lúc bố mẹ đang lúi húi làm cỏ, vun gốc, hay thu hái. Mỗi người mang theo một tàu cọ. Và dịch chuyển đến đâu thì họ nhấc tàu cọ cắm theo đến đấy. Suốt cả một vạt nương dài tít tắp có đến hàng chục tàu cọ cắm lưa thưa. Nắng làm cho những tàu cọ nhanh chóng chuyển từ màu xanh biếc lấp lánh sang màu trắng bạc. Nhìn xa trông như những cánh bướm đang đậu trên những vạt đất đỏ thẫm. Đến khi nào nắng làm cho chúng khô nỏ, quắt queo lại, không đủ che nữa thì người ta sẽ thay tàu mới.

Buổi trưa, những ông bố bà mẹ xuống chân nương giở cơm nắm ra ăn, và các bà mẹ thì vạch áo cho con bú. Cả nhà ngủ một giấc trưa trong tiếng rì rào của dòng sông và những ngọn gió thì lao xao trên vòm lá.

Tôi rất thích ngắm những bà Dao khi họ đi đâu đó ăn cưới và mặc những bộ váy áo sặc sỡ. Người Dao đỏ mặc trang phục tự dệt từ cây lanh, nhuộm màu xanh thẫm tới mức như đen, và trên đó họ thêu những họa tiết bắt mắt, chủ đạo là đỏ. Đỏ ở viền cổ áo, vạt áo, cổ tay áo, và đỏ rực trên đầu với một chiếc khăn vấn đầy những tua rua bằng chỉ màu. Trong một đám đông người ở vùng này, bao giờ nhận ra người Dao cũng dễ nhất. Người Tày luôn mặc màu đen, đen từ đầu đến chân, chỉ có cái thắt lưng màu xanh. Riêng người Dao, cứ phải đỏ rực rỡ. Các cô gái Dao khi bắt đầu dậy thì, mười hai, mười ba tuổi bắt đầu tỉa lông mày. Những cặp lông mày tỉa mảnh tí xíu và cong vút. Cong như mép của vầng trăng. Đôi khi có cảm giác họ đã tỉa gần như hết lông mày của mình, chỉ để lại một hai hàng. Những bà Dao sau khi lấy chồng, kinh tế khá giả một chút, dành dụm được thì xuống thị trấn bọc một hai chiếc răng vàng. Khi cười, những chiếc răng vàng chóe sáng lấp lánh trong miệng.

Nụ cười với những chiếc răng lấp lánh ấy khiến cho người đối diện cảm thấy thật yên tâm, thật thoải mái. Thấy cuộc đời bỗng chốc ngập tràn những mến thương thân ái.

Trước khi về nhà chồng, các cô gái đi đánh vòng bạc. Nhiều lắm. Vòng cổ hai ba chiếc, vòng tay năm sáu chiếc, nhẫn, hoa tai, xà tích. Tôi đã từng viết một truyện ngắn trong đó có nhân vật là một ông thợ bạc. Nhân vật ấy có nguyên mẫu. Là một ông thợ bạc trong một bản người Dao. Tôi đã ngồi suốt buổi chiều trong căn nhà tối om tối mịt vì hôm ấy trời mưa rét âm u. Tứ phía mù mịt những mưa và sương, bịt kín cả những ô cửa sổ nhỏ tí xíu.

Cạnh bếp lửa, ông thợ bạc tỉ mẩn đánh cho tôi một chiếc vòng bạc. Chi phí cho một chiếc vòng bạc cũng không rẻ, với vùng Dao chỉ trông vào làm nương và trồng một ít thảo quả dành bán vào các phiên chợ Tết. Chiếc vòng bạc về sau tôi ít đeo nên nó đen xỉn vì bị oxy hóa. Nhưng tôi đã luôn nhớ ngôi nhà ấy, căn bếp ấy, những gộc củi nổ lốp đốp, ấm nước đen thui thơm mùi lá thuốc sôi lục bục, và ông thợ bạc già gập người đầu gối quá tai, hì hụi đánh một chiếc vòng bạc với phần khuyên tròn hai đầu móc vào nhau rất tinh tế.

Lần đầu tiên trong đời tôi biết đến cảm giác say rượu là khi tôi được một bà Dao già mời uống rượu ủ men lá. Cơm nếp, ủ men, vài ngày sau thì chắt lấy nước để uống chứ không chưng cất lấy những giọt nước bốc hơi như rượu thông thường. Thế nên nó ngọt lắm và thơm lừng. Tôi nhấp thử thấy ngon, uống hết nửa chén, rồi cả chén. Bà Dao già móm mém, đầu vấn một chiếc khăn cũ đầy mùi khói bếp, những tàn tro lấm tấm trên vai áo, cảm giác như cả cuộc đời bà chỉ loanh quanh với bếp núc. Bà nhìn tôi cười cười, vất vả nói bằng thứ tiếng Kinh rất khó nghe: Uống đi, không say đâu. Tôi cũng nghĩ rằng chẳng có lý gì để có thể say với thứ rượu ngọt lịm ấy.

Thế mà, tôi đã gục xuống ngủ ngồi bên căn bếp đang đỏ lửa của bà. Không nhớ là tôi đã ngủ bao lâu, tỉnh dậy thì mặt trời đã lặn. Bà Dao vẫn đang ngồi bên bếp và thêu những bông cúc lên vạt chiếc áo mới. Bà nhìn tôi cười hà hà. Tôi loạng choạng đi ra khỏi cửa để về nhà mà cảm giác mỗi bước chân lại thụt xuống một cái hố. Ô hay, vẫn là con đường mòn mà tôi đã đi lại nhiều lần, lên lên xuống xuống chứ đâu phải lạ lẫm gì.

Giờ người Dao vẫn ở trên núi, và ngày ngày vẫn đi làm nương bên kia sông, vẫn cắm những tàu cọ để che nắng. Mặc cho vật đổi sao dời, mặc cho dưới làng Tày điện đã thắp sáng tưng bừng và bao nhiêu căn nhà sàn đã bị dỡ bỏ, thay thế bằng những ngôi nhà bê-tông mái bằng vuông chằn chặn. Người Dao vẫn sống cuộc sống của họ, như hàng trăm năm qua. Không bận tâm đến những gì diễn ra bên ngoài cuộc sống ấy. Mỗi khi quay về, trong khi hụt hẫng vì bao nhiêu thứ đã mất đi, thì bù lại tôi luôn cảm thấy ấm áp khi nhìn sang bên kia sông. Những bà Dao, có lẽ là em bé nằm trong địu treo trên cành cây khi xưa, đang cặm cụi làm nương gieo hạt. Thật là thân thương biết mấy.

Đỗ Bích Thúy

;
;
.
.
.
.
.