“Gọi đò chẳng thấy đò sang/ Phải chăng bến cũ phũ phàng khách xưa” (ca dao). Câu ca có từ bao đời nay khiến bất cứ ai cũng phảng phất nỗi buồn mỗi khi về lại bến sông quê. Không giấu được niềm vui khi có cây cầu mới, dù vậy, bao khách đường xa vẫn nặng lòng, da diết với những con đò một thời gắn bó, thủy chung.
Chuyến đò ngang qua sông Thu Bồn ở bến Giao Thủy. Ảnh: T.M |
Lần nào về quê, tôi cũng dừng xe trước đầu cầu Giao Thủy để ngắm nhìn một lúc vị trí bến đò quê ngày cũ mà lòng bồi hồi bao cảm xúc. Vui bởi cây cầu Giao Thủy sừng sững vắt ngang dòng sông Thu Bồn nối nhịp đôi bờ hai huyện Đại Lộc với Duy Xuyên mà bao đời bà con khao khát, đợi chờ. Lẫn lộn trong niềm vui ấy cũng man mát nỗi buồn vời vợi khó nói thành lời khi không còn nhìn thấy những chuyến đò gần gũi, thân quen, một nét đẹp của sông nước miền quê cực nhọc. Tuổi ấu thơ của tôi cũng dạt dào với bến bờ này biết bao kỷ niệm.
Khi còn là đứa trẻ chăn trâu, cắt cỏ, cởi trần đánh trận giả, làng quê đắm chìm trong khói lửa của chiến tranh tàn khốc, tôi đã thấy ở Giao Thủy có một cây cầu rồi. Hồi đó, trụ cầu là những cây gỗ thông được nhúng nhựa đường đen nhánh để chống chọi sự tàn phá của thời gian. Mặt cầu cũng được thảm nhựa nhưng rất mỏng manh.
Tháng 3-1975, đoàn xe tăng của quân giải phóng tiến vào đánh chiếm các căn cứ của chế độ Sài Gòn tại Đặc khu Quảng Đà băng qua cầu Giao Thủy. Khi chiếc xe tăng cuối cùng chồm lên thì cầu bị sập một nhịp. Để có đường qua lại, bà con quanh vùng đã lấy những tấm ri sắt bắc tạm rồi mùa lũ lụt ập về, dòng nước đỏ ngầu cuộn xoáy, cái nhịp được nối tạm cũng bị cuốn theo. Đến khi mùa nước rút, họ lại gác những thanh tre, tấm ván lắt lẻo, chông chênh. Có lần tôi dắt chiếc Honda 67 cọc cạch sè sẹ qua mấy tấm gỗ tạm thì bị trượt bánh, cũng may có người trợ giúp kịp thời, nếu không, cả người lẫn xe đã ùm xuống dòng sông.
Có lẽ không ai còn nhớ cái vòng tròn cứ lặp đi lặp lại để nối nhịp cầu kiểu này bao nhiêu lần, chỉ biết sau đó, cây cầu Giao Thủy bị hư hỏng trầm trọng, giao thông quá nguy hiểm nên chính quyền cho tháo dỡ toàn bộ cây cầu. Thế là chiếc cầu Giao Thủy của ngày xưa chỉ còn trong ký ức, người dân quanh vùng qua lại, giao thương ngày đêm bằng những chuyến đò ngang bồng bềnh trên sóng nước.
Mùa nắng, sông cạn, lô nhô bãi cát vàng mịn, dòng nước trong vắt lờ lững chầm chậm trôi xuôi, đôi bờ như xích lại gần hơn. Nhưng đến mùa mưa lụt, nước từ thượng nguồn ầm ầm tuôn xuống, dòng sông lại trở mặt, sủi bọt đỏ ngầu phù sa gào thét, giận dữ, muốn nhấn chìm những chuyến đò nhỏ nhoi như chiếc lá lập lờ trên dòng nước xoáy. Đứng trên những chuyến đò vào lúc đó dù trời có lạnh đến mấy cũng phải toát mồ hôi. Khách qua đò đã khổ, người lái đò càng vất vả hơn, quanh năm, suốt tháng họ cứ lềnh bềnh trên mặt sông để kiếm cái ăn, cái mặc, lo cho con cái học hành từ những đồng tiền lẻ của khách sang sông. Âu đó cũng là chuyện thường tình trong vô vàn công việc chân chính của cuộc tìm kiếm mưu sinh.
Mỗi lần qua lại bến đò Giao Thủy-Kiểm Lâm, tôi thầm cảm ơn những người lái đò ở nơi đây một cách thật tình, bởi nếu không có họ thì con đường đi - về sẽ kéo dài cấp số nhân vì phải đi đường vòng xa lơ, xa lắc. Từ tờ mờ sáng cho tới 22 giờ đêm hằng ngày, tại bến đò này tíu tít người lên, kẻ xuống. Khoảng thời gian ngồi đợi cho đò cập bến là những câu chuyện đồng quê, cuộc sống được không ít người coi như món quà gửi gắm cho nhau. Có người gồng gánh lên bờ rồi mà những câu chuyện vẫn còn lê thê, dang dở. Họ hẹn sẽ gặp lại những chuyến đò sau để tiếp tục bao bi hài chưa được dốc hết.
Mặt trời gần khuất sau đỉnh núi Bàn Cờ, những giọt nắng cuối ngày vàng như mật nhảy nhót, rắc xuống mặt sông lấp lóa. Đứng bên ni Kiểm Lâm đưa tầm mắt về phía bên tê Giao Thủy, một màu xanh mướt mát của những bãi dưa hấu, luống cà, xen lẫn những giàn ổ qua đang độ ra hoa, kết trái, lòng càng thêm yêu tha thiết xứ sở, quê hương. Mặc dù tiếng động cơ xe cộ vẫn chạy rần rần trên mặt cầu hơn hai năm rồi, dưới lòng sông không có con đò nào cả nhưng trước mắt tôi cứ chập chờn hình ảnh ông lái đò cầm cây sào hì hục chống đẩy con thuyền rời bến bởi ông gắn bó với bến đò mấy chục năm trời.
Gió vẫn thổi thông thốc từ hướng hạ lưu về làm hai hàng cờ phướn trên thành cầu tung bay phần phật kéo theo cái âm thanh vi vút như sáo diều ở trên cao nhưng bên tai tôi cứ văng vẳng tiếng í ới gọi đò của ai đó. Tôi còn nhớ, buổi sáng khánh thành cầu Giao Thủy, ông lái đò ngồi trầm ngâm trong túp lều dưới bến sông, bỗng nghe có tiếng: “Đò ơi!”.
Ông vội vàng bước ra cầm sào, ánh mắt rưng rưng, ánh lên sự nuối tiếc vì đó là chuyến đò cuối cùng của ông trước khi lùi vào dĩ vãng. Có cầu, những con đò ngang ở đây coi như đã kết thúc cuộc hành trình đầy gian nan hơn 40 năm của mình nhưng hình ảnh bến sông quê và những chuyến đò lặng lẽ, côi cút ngày nào sẽ khó phai nhòa đối với ai đã có một thời ra đi rồi lại trở về ngay tại bến sông quen thuộc này.
Thái Mỹ