Sông kia rày đã lên đồng
Chỗ làm nhà cửa, chỗ giồng ngô khoai.
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.
(Tú Xương)
Trên con đường về quê giỗ ngoại, cô bạn tôi lẩm nhẩm đọc mấy câu thơ của Tú Xương trong lúc chỉ cánh đồng trước ngôi nhà ngoại cô ấy xưa kia là con sông, dấu tích của con sông không còn gì cả. Tôi lắng nghe và lầm thầm nghĩ cũng đâu có gì không hợp lý. Thời cụ Tú, sông đã nên đồng, nên nhà nên cửa, đến thời nay chỉ thể càng thay đổi dữ dội hơn thôi.
Ngôi nhà thân thương của ngoại. Ảnh: L.B |
Con đường về quê ngoại của bạn nhiều đổi thay chứ ngôi nhà xưa vẫn vậy. Ngôi nhà đã thành nhà thờ cho một dòng tộc. Con cháu đi xa lập nghiệp, thành danh, vọng cố hương chỉ muốn giữ lại ngôi nhà, họ chu cấp tiền bạc cho người ở lại nhận nhiệm vụ chăm sóc, hương lửa tối ngày. Ông cậu khoe với cô cháu gái việc vừa dựng cái mái tôn che mưa nắng trước hiên nhà chống mưa tạt vào cánh cửa chính. Cô cháu gái thì than thở cái mái hiên bằng tôn đã làm che mất phần đẹp nhất chính diện ngôi nhà. Câu nói cho tôi nhớ bức ảnh chụp cô cũng đận này năm ngoái. Bức ảnh chụp cô đến từ sau lưng, đang lụi bụi bước từ con ngõ chói nắng vào nhà thờ, căn nhà ba gian mấy chái cổ với mái ngói ánh màu rêu thời gian miền quê ngoại.
Cũng là Điện Bàn nhưng vùng Thanh Chiêm gần phố Hội, gần cả địa lý và ảnh hưởng cả cách nấu nướng cũng mang chút tân kỳ, lai phố. Người nhà còn giữ nguyên nếp cũ trong việc nấu nướng, cúng giỗ, nghĩa là tự nấu và không phải đặt món như các đám bây giờ thường hay làm.
Giỗ có những món ram, xào củ đậu, canh khoai môn mịn nấu với thịt vịt, mì quảng trộn tôm, thịt,... chân chất đúng miền thôn dã bên cạnh những món bánh tự làm cần phải khéo tay mang hơi hướng phố xá như bánh bao, bánh vạc hay còn gọi bằng cái tên mỹ miều như người phố Hội là bánh bông hồng trắng.
Lớp trẻ thì nấu nướng, lớp già hơn mang đến đám giỗ những khay xôi ngọt, bánh ít đã làm từ hôm trước. Xôi ngọt cũng cách tân hơn, nếm trong vị khay xôi ngọt tôi còn nghe vị vỏ quýt thay vì vị gừng như quê tôi thường làm. Đi đám giỗ ở đây tôi nhìn thấy sự đảm đang của người phụ nữ chân quê mà thanh thoát, bỏ qua được cái cách nấu nướng “chặt to kho mặn” mà các bà, các chị Quảng Nam đã được gắn lâu nay.
Có một món nướng mà tôi như được ăn lần đầu và với cô ấy là món gây thương nhớ, nó gồm thịt heo xắt mỏng tẩm ướp gia vị được cuộn từng cuốn nhỏ gói trong lá nghệ non và sau đó xếp hàng chục cuốn trong miếng lá chuối to, kẹp vĩ nướng trên than hoa cho đến cháy sém miếng lá chuối là chín.
Lúc ăn gỡ miếng lá chuối, gắp từng viên chả, ăn nguyên cả cuốn lá nghệ non đã thấm gia vị từ bên ngoài. Cách nướng như vậy sẽ không làm khô miếng thịt, gia vị và nước ngọt của thịt sẽ làm chín chiếc lá cuốn và hòa quyện với nhau.
Chỉ thể được ăn mới cảm được mùi lá nghệ thấm gia vị, mùi thơm của lá quyện với vị ngọt của món nướng. Tôi dò tìm mãi trên cụ “Gô-gồ” không có món nướng nào kèm lá nghệ, chỉ mỗi với lá lốt là nhiều. Vậy ra, món ăn có thể là sáng kiến độc đáo của một bà, một chị nào thuở trước đã làm nên. Đúng thật món ngon gây thương nhớ.
Những cái đám giỗ ở quê còn sót lại, những cái đám giỗ mà các cô cháu dâu giỏi giang thích nấu nướng, thích tự tay đơm bới mâm cỗ cúng kiếng tổ tiên. Một phần của nghi lễ dòng tộc đã được các bà, các cô tiếp nối cho con cháu, mặc dịch vụ ngoài kia đang từng giờ từng phút cám dỗ. Nếp quê nhà được gìn giữ qua những ngày giỗ chạp là đây.
Ngày của tháng mười một, tháng Chạp là những ngày cận kề của năm, mang tâm lý sắp hết năm rồi, cố gắng cũng đã nhiều rồi, sắp sửa đón năm mới, người ta chợt hối hả nao nhớ, nhớ nhà, nhớ quê. Nôn nao khi ngọn gió trở chiều hây hây thổi, khép đôi tà áo lạnh chợt nghe nhớ mẹ, nhớ nhà. Vậy chứ mẹ đó chớ đâu, nhà đây đó, vẫn thảng thốt kiếm tìm, ra ngoại ô, bỏ phố xá lại sau lưng, về đây bên nếp nhà cũ, ngắm dấu thời gian trên từng viên ngói rêu phong, chậm chậm bên thềm chờ chiều xuống chỉ để lắng lại những nôn nao.
LƯU BÌNH