Sống trong lòng phố

.

Tôi chạm vào thành phố nghìn năm tuổi này đã hơn hai mươi năm. Và mỗi một ngày qua tôi chợt nhận ra những điều mới mẻ ở trong nó. Những điều mới mẻ ấy thực ra vẫn tồn tại, chỉ là người ta mải miết lao đi nên không cảm thấy nó mà thôi.

Cất lên những giai điệu đẹp đẽ về cuộc đời, Nam đang sống với trái tim của người nghệ sĩ. Ảnh: Đ.B.T
Cất lên những giai điệu đẹp đẽ về cuộc đời, Nam đang sống với trái tim của người nghệ sĩ. Ảnh: Đ.B.T

Tôi có một cậu bạn, cùng tuổi mèo. Tôi muốn gọi cậu là nghệ sĩ xăm mình hơn là thợ xăm mình. Văn học Nhật Bản có một truyện ngắn rất hay - “Xăm mình” của một nhà văn được coi là thiên tài - Tanizaki Junichiro. Và tôi từng bị ám ảnh. Cho đến khi tôi gặp Nam - tên cậu bạn tôi - tôi nhìn thấy ở Nam có cái gì đó rất giống với Seikichi, người thợ xăm mình vô cùng tài hoa trong truyện ngắn ấy.

Nam sống một mình trên một căn gác, trong một cái ngõ nhỏ tí xíu ở phố Hàng Bông. Một căn gác như hàng triệu căn gác ở thành phố này. Nhỏ, yên tĩnh, giữa trung tâm nhưng biệt lập. Trên căn gác ấy cậu nuôi vài con mèo và trồng những cậu cây nhỏ. Một ngày, sáng hoặc chiều, những tia mặt trời vẫn cố len qua những mái nhà cổ để chiếu xuống cái khoảnh chờ ngay trước cửa căn phòng của cậu.

Tại sao tôi bận tâm đến Nam?

Giữa cái ồn ào bất tận từ mờ sáng tới nửa đêm mỗi ngày của thành phố này, cảm giác như Nam vừa đứng bên lề, vừa chung sống ở giữa nó, thản nhiên trước những biến động ghê gớm của nó, lại cũng đi cùng với chính những biến động ấy với tư cách là người trong cuộc. Cậu ở đấy, lặng nhìn cuộc đời trôi qua ngay trước mặt, yên tĩnh sống.

Nam mê xăm mình. Cậu vốn tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật công nghiêp Hà Nội, khoa Thiết kế nội thất. Nhưng Nam chỉ đi làm đúng nghề có vài năm rồi bỏ, bỏ một nghề học đến nơi đến chốn để làm một nghề khác - xăm mình. Nam mê những bức vẽ trên cơ thể đến nỗi tất cả những chỗ nào hai tay cậu với tới thì cậu đều xăm kín.

Nam nói: “Đối với tớ, chưa bàn đến xăm mình là một tác phẩm nghệ thuật hay là một loại hình nghệ thuật, nhưng sự vĩnh viễn của nó làm tớ thích thú”. Dường như sợ tôi không hiểu hết ý, cậu nói thêm: “Giả sử cậu muốn xăm gì đó lên cơ thể, chắc chắn hình xăm đó sẽ có ý nghĩa đặc biệt với cá nhân cậu. Và khi đã xăm rồi, nó sẽ vĩnh viễn ở đó, cho đến khi cậu… qua đời. Cho dù là vì lý do nào đấy cậu muốn quên đi, xóa đi thì vẫn còn vết sẹo. Và mỗi khi chạm tới, nhìn thấy vết sẹo, cậu sẽ nhớ lại những gì liên quan đến nó. Cơ bản là những gì ta có hôm nay có thể ngày mai sẽ mất đi, nhưng hình xăm thì không”. Nam nói một cách chắc chắn và mỉm cười hiền lành.

Khách tìm đến Nam chủ yếu qua bạn bè truyền tai. Biệt tài của Nam là xăm chi tiết. Xăm chi tiết rất khó, hình vẽ càng mảnh càng khó, vì bút chỉ được đi một lần, không sửa. Sửa là hỏng. Và bởi Nam là một nghệ sĩ, thế nên cho dù là cùng vẽ một con mèo, thì một trăm con mèo sẽ không con nào giống con nào.
Tôi ngồi ngắm con mèo của Nam khi nó đang nằm ườn trên chiếc ghế da mà cậu dành cho khách nằm khi xăm. Nó hé mắt nhìn ra bên ngoài ô cửa sổ, nơi Nam đặt mấy chậu cây nhỏ. Thỉnh thoảng nó sẽ phá phách mấy chậu cây ấy khiến Nam phát cáu và thỉnh thoảng nó biến đi đâu mất một hai ngày. Trên bức tường của căn nhà phía trước ô cửa, rêu mọc xanh rì và một hai cánh bướm tí xíu chập chờn trong những tia nắng ấm. Tôi đoan chắc con mèo đang nhăm nhăm lao ra để đớp mấy cánh bướm ấy…

Ngoài xăm mình, Nam còn một đam mê nữa, chơi nhạc. Nam chơi guitar rất quyến rũ. Quyến rũ theo cái kiểu phóng khoáng, bản năng, đôi khi phá phách, bất chấp quy luật. Thỉnh thoảng tôi nghe Nam chơi những nốt dường như chưa bao giờ có trong bản nhạc. Tất nhiên tôi cũng không sành sỏi gì, nên có thể là tôi cảm giác sai. Nam tham gia một ban nhạc rock. Một ban nhạc ngẫu hứng, chỉ gồm những anh em mê rock và thân thiết với nhau. Chơi vì thích, không có mục đích lợi nhuận, vì thế mà nó sẽ tồn tại mãi mãi cho đến khi các thành viên… chán thì thôi. Mà một nghệ sĩ thì có bao giờ chán niềm đam mê của mình. Thi thoảng ban nhạc chơi trong một chương trình nào đó kết hợp với hội họa và nguồn thu được từ bán đấu giá các bức tranh được dành cho các dự án thiện nguyện.

Tôi từng nói với Nam, rồi sẽ đến lúc tớ mượn cậu cho một nhân vật tiểu thuyết. Và tớ tin rằng khi cuốn sách ấy ra mắt, bạn đọc sẽ nói rằng tác giả hư cấu quá sinh động. Cách sống của Nam giữa đô thị này hoàn toàn đủ cho tôi hư cấu một nhân vật điển hình. Nam cười khẽ: “Tùy cậu”.

Đôi khi tôi muốn hỏi Nam, sống như hiện tại có bao giờ buồn không? Nhưng tôi kịp nhận ra đấy là câu hỏi ngớ ngẩn nhất mà tôi có thể nghĩ tới. Một trái tim nghệ sĩ sẽ luôn rung lên những nhịp mạnh mẽ trước tất cả những gì anh ta chạm tới trong suốt một cuộc đời. Nó quá nhạy cảm, quá tinh tế và quá dễ tổn thương. Nhưng tôi thích nhìn thấy cậu nhất khi cậu đang chăm chú đưa từng nét vẽ đầy cảm hứng, cũng như khi cậu như lạc vào một thế giới hoàn toàn khác, đơn độc, tự do với những nốt nhạc.

Nam là một người Hà Nội sống một cuộc sống biệt lập, độc lập, như một viên sỏi dưới đáy của một dòng nước. Nước cứ trôi trên bề mặt, viên sỏi vẫn nằm đấy đón nhận những tia sáng tinh khôi của mặt trời mỗi buổi sáng. Sống một cuộc sống như Nam tôi thấy là đủ, có thể cậu thì chưa.

Từng có lần tôi và một cô bạn ngồi trong phố và nghe Nam đàn. Cá biệt hôm ấy cậu chơi một bản nhạc về Hà Nội để tặng cô bạn như một món quà vì cô ấy sống ở phương Nam. Đấy là lúc rõ rệt nhất tôi thấy Nam là viên sỏi, mặc kệ những náo nhiệt chật chội bức bối ngoài kia, cậu lặng yên ở chỗ của cậu, và cất lên những giai điệu đẹp đẽ về cuộc đời. Cậu khiến người khác muốn chạm tới những lấp lánh của phố xá nghìn năm đang bị nhịp sống sôi sùng sục phủ lên.

Đỗ Bích Thúy

;
;
.
.
.
.
.