Thành phố thông minh

Người trẻ chung tay

.

Góp phần xây dựng thành phố thông minh (TPTM), rất nhiều ứng dụng tiện ích đã được ra đời. Và điều đặc biệt là chủ nhân của đa số những ứng dụng này đều là người trẻ.

Mô hình xe đạp của dự án “Chia sẻ xe đạp công cộng - UdBike Share” do nhóm kỹ sư của Trung tâm Phát triển phần mềm, Đại học Đà Nẵng thực hiện. Ảnh: MAI HIỀN
Mô hình xe đạp của dự án “Chia sẻ xe đạp công cộng - UdBike Share” do nhóm kỹ sư của Trung tâm Phát triển phần mềm, Đại học Đà Nẵng thực hiện. Ảnh: MAI HIỀN

Từ xe đạp chia sẻ

Dự án “Chia sẻ xe đạp công cộng - UdBike Share” chính thức khởi động vào cuối tháng 11-2018. Trước đó, nhóm kỹ sư của Phòng Nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ, Trung tâm Phát triển phần mềm (Đại học Đà Nẵng) mất khoảng 4 tháng để hoàn thiện ý tưởng; trong đó có phần hoàn thiện phần cứng (thiết kế mao mạch cho khóa thông minh, thiết lập giao tiếp giữa xe đạp với người dùng thông qua ứng dụng) và phần mềm (phát triển ứng dụng, trang web…).

Kỹ sư Phan Minh Tâm, phụ trách dự án chia sẻ: “Hệ thống chia sẻ xe đạp có thể nói là một giải pháp ưu việt và tiết kiệm nhằm giảm phương tiện giao thông đô thị. Qua đó, dự án góp phần tạo ra một lối sống linh động, giảm tắc nghẽn và giúp cải thiện quy hoạch đô thị xanh hơn, thông minh hơn”.

Người dùng sau khi tải ứng dụng sẽ sử dụng quét QR code mở khóa xe đạp để sử dụng. Cước phí thanh toán tương ứng với thời gian sử dụng (tính theo giờ, ngày hoặc tháng). Việc thanh toán đa dạng, tiện dụng, có thể lựa chọn hình thức thanh toán trực tuyến trên ứng dụng thông qua ví điện tử dùng cổng thanh toán hay ứng dụng thông qua QR code.

Người dùng cũng có thể thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt tại các trạm hỗ trợ dịch vụ đặt tại các nhà hàng, khách sạn, quán cà-phê… Người dùng sau khi sử dụng có thể trả xe tại trạm hoặc bất cứ nơi nào được phép để xe đạp. Trong trường hợp không trả ở trạm, hệ thống sẽ thu thêm khoản phí thu gom xe đạp ngoài trạm.

Là đơn vị triển khai thí điểm dự án, sau khi khảo sát mô hình xe đạp từ các nước phát triển và tham vấn nhiều đơn vị về thực trạng của thành phố, Sở Giao thông vận tải chọn 3 quận Hải Châu, Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà để áp dụng thí điểm hệ thống xe đạp công cộng.

Dự kiến giai đoạn đầu có khoảng 30-40 điểm đặt xe đạp được đầu tư, mỗi điểm 5-10 xe tùy thuộc nhu cầu sử dụng; ưu tiên các tuyến đường trọng điểm, gần trạm chờ xe buýt để kết nối về với hệ thống và các điểm du lịch cũng như các khu đông dân cư. Các trục đường ưu tiên làm điểm đặt xe đạp và xây dựng hạ tầng, làn đường dành riêng cho xe đạp gồm: Bạch Đằng, Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Linh, Hùng Vương, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Thoại.

Kỹ sư Tâm cho hay: “Ý tưởng về hệ thống chia sẻ xe đạp công cộng không quá mới trên thế giới nhưng khá mới ở Việt Nam. Chính vì vậy, chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng hệ thống mà chủ yếu là về chuyên môn”.

Đến thùng rác thông minh

Nếu các kỹ sư trẻ của Trung tâm Phát triển phần mềm (Đại học Đà Nẵng) chung tay xây dựng TPTM với hệ thống chia sẻ xe đạp công cộng thì các sinh viên đến từ Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật và Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) lại chọn một giải pháp hoàn toàn khác, đó là triển khai dự án “Thùng rác thông minh bảo vệ môi trường (Smart Trash Can – STC)”

Nguyễn Thanh Hải, sinh viên khoa Điện – Điện tử, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật, nhóm trưởng chia sẻ: “Ô nhiễm môi trường đang trở thành một vấn nạn vô cùng cấp thiết. Điều đáng buồn là hiện tượng vứt rác, xả rác ra đường, những nơi công cộng rất phổ biến. Bên cạnh đó, công nghệ 4.0 đang là xu hướng hiện thời trong việc tự động hóa và trao đổi dữ liệu, bao gồm các hệ thống không gian thực ảo Internet vạn vật (IoT). Việc sử dụng máy móc được áp dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực đời sống và sản xuất nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất lao động và thay đổi cuộc sống con người tốt hơn. Từ những nguyên nhân trên, ý tưởng sản phẩm “Thùng rác thông minh – STC” được nâng cấp và sáng tạo khi sử dụng công nghệ với mục đích nhằm nâng cao ý thức con người về vấn đề bảo vệ môi trường; đồng thời giúp thành phố ngày càng đẹp hơn”.

Dự án được khởi động vào cuối năm 2018. Theo đó, thùng rác thông minh có những đặc điểm nổi trội như: cảm biến, di chuyển, truyền dữ liệu về máy chủ và giao tiếp. Sản phẩm được nâng cấp để đáp ứng thêm nhiều chức năng cho đối tượng sử dụng. Người sử dụng không cần phải tiến lại gần thùng rác để vứt rác, mà thùng rác thông minh có thể cảm biến được xung quanh, sau khi được di chuyển đến gần đối tượng sử dụng, sẽ tự động mở nắp và giao tiếp với các câu chào hay nhắc nhở bỏ rác vào thùng. Sau khi thùng rác đầy, bộ phận tích hợp tại thùng rác có khả năng truyền thông tin về máy chủ báo rác đã đầy để người sử dụng biết và đi đổ rác.

Bên cạnh đó, khi thùng rác đầy sẽ tự động không mở nắp cho khách hàng gần đó. Không chỉ có tính sáng tạo trong công nghệ sản phẩm mà thùng rác thông minh còn nhằm tuyên truyền bảo vệ môi trường thông qua hệ thống âm thanh được lắp đặt và lập trình sẵn.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm mạnh, sản phẩm thùng rác thông minh vẫn có những điểm yếu và nhóm vẫn đang tìm cách khắc phục như: sản phẩm cần có người điều khiển để có thể di chuyển đến đối tượng sử dụng, cần wifi kết nối với điện thoại thông minh, giá thành sản phẩm cao (ước tính khoảng hơn 2 triệu đồng và có thể cao hơn tùy vào yêu cầu của khách hàng).

Thanh Hải cũng cho biết: “Trong quá trình thực hiện, nhóm gặp khó khăn về phần gia công cơ khí vì khá phức tạp; phần thu phát tín hiệu trên thùng rác có khoảng cách gần, âm thanh từ thùng rác phát ra ngoài trời khá nhỏ. Tuy vậy, nhóm có một thuận lợi rất lớn là nhà trường có xưởng cơ khí nên việc thực hiện dễ dàng hơn”.

Tính đến nay, thùng rác thông minh đã đem đến cho nhóm một số thành quả ban đầu như: giải triển vọng của doanh nghiệp tại cuộc thi Smartcampus, đại diện Đại học Đà Nẵng tham gia cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp do V2work tổ chức. Ngoài ra, sản phẩm còn được đưa vào thực nghiệm ở Bà Nà Hills và nhận được những phản hồi khá tốt từ du khách cũng như những góp ý để hoàn thiện trong tương lai.

MAI HIỀN

;
;
.
.
.
.
.