Tượng Bà Chúa Ngọc làng Phước Hưng

.

Có một ngôi miếu nhỏ nằm ở giữa đồng Xa Loan, xứ Bàu Rô, sát bên khe Cầu Láng ở làng Phước Hưng xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Miếu được dựng trên dưới 200 năm nay, khởi đầu từ câu chuyện ly kỳ của một tượng sa thạch được phát hiện cách đó khoảng vài trăm mét.

Miếu Bà Chúa Ngọc làng Phước Hưng (ảnh trái) và tượng Bà Chúa Ngọc bên trong miếu. Ảnh: V.P.Q
Miếu Bà Chúa Ngọc làng Phước Hưng (ảnh trái) và tượng Bà Chúa Ngọc bên trong miếu. Ảnh: V.P.Q

Những bậc cao niên làng Phước Hưng như các ông Xã Điềm, Hương Ngự, Xã Lệ... còn truyền lại con cháu câu chuyện đượm màu huyền bí về bức tượng đá lạ lùng đó.

Thăng trầm tượng Bà

Năm nọ, khi làng Phước Hưng còn mang tên Phước Lộc, trời làm hạn hán dài ngày, đồng trên ruộng dưới khô cháy, mùa màng thất bát. Trước cái đói cận kề, dân làng bèn hè cứu hạn. Tất cả trai tráng, lực điền xung phong đi đầu, ở đâu có mương là tả xung hữu đột nạo vét. Trong lúc vét mương ở cuối Bàu Quán, một người hô hoán lên rằng có cái chi như pho tượng nằm dưới lớp bùn. Mọi người xúm lại đào lên, đúng là một tượng đá màu xanh có vóc dáng một phụ nữ ngồi trên bệ, hai tay bưng một cái chén. Thấy dưới đáy chén có khuyết một lỗ tròn như nơi đặt viên ngọc nên các cụ cao niên bấy giờ đồ rằng đây là tượng Bà Chúa Ngọc của người Chàm như thường thấy ở nhiều nơi.

Hay tin tìm được tượng Bà, dân các xóm gần đó tranh nhau đưa tượng Bà về xóm mình. Xóm Bạch Thạch (Đá Trắng) tới đông người nhưng khiêng cách chi cũng không được, đành thả tay. Đến phiên xóm Bàu Rô, tuy ít người hơn nhưng khiêng tượng đi rất nhẹ nhàng. Sau khi băng qua một khe nhỏ (về sau có tên là khe Cầu Láng), mọi người đặt tượng Bà xuống bên bờ khe nghỉ chân một lát. Nghe tin người mình đưa được tượng Bà, trai tráng trong xóm Bàu Rô chạy tới tiếp sức đông hơn, định đưa tượng về đình làng cách đó tầm 300 mét, nhưng xoay xở mãi vẫn không được. Các cụ cho rằng ý Bà không muốn về đình làng nên bàn nhau để tượng Bà lại và lập miếu thờ ngay tại đó.

Miếu ban đầu hình vuông, mỗi cạnh 3m với 4 trụ gỗ, mái lợp tranh, bốn bề trống trơn. Về sau dân làng trùng tu miếu, xây tường chung quanh, trổ cửa, trên mái có gắn hình tượng hai con rồng tranh quả châu.
Tượng Bà quay mặt về hướng Đông, dân làng bốn mùa hương khói. Tương truyền, từ đó mỗi khi xảy ra hạn hán, dân làng đến lập đàn tràng cầu khẩn là trời mưa ngay. Bà linh thiêng lắm, bất kể nam nữ, hễ ai mặc đồ trắng qua lại trên con đường trước miếu là bị Bà quở trách. Từ đó, dân làng một mực cung kính, không dám làm điều chi xúc phạm đến Bà. Về sau, nhân một đêm nước lụt ngập đến bàn thờ, một số lực điền hè nhau xoay tượng Bà về hướng Tây – nơi không có đường sá để mọi người không lo sợ xúc phạm đến Bà. Từ đó, đời sống dân làng ngày một hưng thịnh.

30 năm trước, năm 1989, phong trào cầu cơ xin số đánh đề rộ lên khắp nơi. Những tay có máu đánh đề nghe ở đâu có tượng cổ là ồ ạt kéo đến hương khói cúng cầu, làm mất đi vẻ tôn nghiêm nơi thờ phượng. Tượng Bà Chúa Ngọc làng Phước Hưng cũng không tránh khỏi tình trạng đó. Mặc dù chính quyền nghiêm cấm hành vi mê tín dị đoan này nhưng ngày ngày vẫn có người các nơi ùn ùn kéo về. Rốt cuộc, để giữ yên trật tự, an toàn xã hội, cơ quan chức năng buộc phải dời tượng đi nơi khác.

Mãi đến năm 1997, Ban Nhân dân thôn và Ban Xã hội làng Phước Hưng làm đơn xin nhận tượng Bà về an vị trong miếu để tiếp tục thờ phượng. Thế rồi, 2 năm sau, kẻ gian đã đột nhập miếu lấy đi pho tượng. Dân làng và chính quyền địa phương cất công truy tìm nhưng vẫn bặt vô âm tín!

Dấu ấn văn hóa tâm linh

Khoảng năm 1985, khi ông Nhựt phụ trách văn hóa – thông tin ở Hợp tác xã Nông nghiệp Hòa Nhơn, có 3 sinh viên (1 nam, 2 nữ) Trường Đại học Sư phạm Huế đi điền dã được phân công ở lại nhà ông để sưu tầm, nghiên cứu văn hóa địa phương. Ông đã đưa họ đi khảo sát nhiều nơi, trong đó có miếu Bà Chúa Ngọc. Nhóm sinh viên xác nhận tượng trong miếu là Bà Thiên Y A Na hay Bà Thánh Mẫu Chúa Ngọc, Bà Mẹ Xứ Sở của người Chăm. Thông tin này làm cho dân làng thêm sùng kính tượng Bà. Nên khi mất tượng, dân làng ai nấy sợ xanh mặt, bàn nhau phục dựng tượng. Việc này được giao cho ông Mười Nhựt, con ông Hương Ngự.

Ông Hương Ngự (dân gian gọi là thầy Hương Ngự) một thời nổi tiếng khắp vùng không chỉ về tài coi ngày giờ, cho liễn đối mà còn khéo tay vẽ tranh thờ. Mười Nhựt tên khai sinh là Nguyễn Thanh Nhựt, kế thừa truyền thống gia đình, làm nghề thợ kép - chữ dùng của dân gian chỉ nghề đắp phù điêu, vẽ tranh, cẩn các loại miểng chai, miểng chén, miểng sành ở các công trình xây dựng, trùng tu kiến trúc cổ Á Đông. Ông Nhựt có tài vẽ hai tay một lúc, vẽ ký họa chân dung rất nhanh. Khi tượng Bà còn trong miếu, ông năm nào cũng trực tiếp tô vẽ tượng Bà nên “thuộc lòng” từng đường nét bức tượng.

Khi được làng nhờ đến mình, ông Nhựt đúc tượng Bà bằng xi-măng có chiều cao 85cm, ngang 45cm với hình khối y như tượng gốc rồi tô vẽ khuôn mặt Bà như xưa. Năm 2001, công trình hoàn thành, dân làng đưa cờ xí, chiêng trống đến nhà ông rước tượng Bà về miếu tiếp tục thờ tự.

Gần 20 năm qua, Phước Hưng ngày một phát triển, đến nay đã có trên 730 hộ dân. Chư phái tộc bàn nhau trùng tu miếu Bà, trước để lưu giữ di tích xưa, sau làm chỗ sinh hoạt văn hóa tâm linh cho cả làng. Miếu rộng 50m2, tường xây gạch thẻ dày 45cm không tô, dẫn vào miếu có con đường bê-tông dài gần 300m, rộng 3,5m. Công trình hoàn thành vào ngày 24-11 vừa rồi, sau 3 tháng thi công với tổng kinh phí 900 triệu đồng.

Ngoài nhà tài trợ chính là hộ anh Nguyễn Tấn Tài, một con dân của làng, còn có một số hộ hiến đất, hoa màu mở đường vào miếu, một số hộ ủng hộ tiền đúc trụ điện, kéo dây điện vào miếu. Chi hội Phụ nữ thôn Phước Hưng kêu gọi hội viên làm một giếng khoan, đặt một bộ lư đồng cúng Bà, chia nhau thường xuyên lui tới chăm sóc cảnh quan trong và ngoài miếu. Các chị bảo nhau Bà là hiện thân của Mẹ Xứ Sở nên phụ nữ trong làng ai nấy phải có trách nhiệm chung lo cho văn hóa tâm linh làng. Vì thế, ngôi miếu nhỏ giữa đồng nhưng dân làng ai cũng gọi là “dinh” với sự sùng bái, nể trọng...

VIÊN PHÚC QUÂN

;
;
.
.
.
.
.