Giải Đua thuyền truyền thống quận Liên Chiểu mở rộng 2020 phải dừng tổ chức ở phút cuối do ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra. Dẫu vậy, bỏ qua những nuối tiếc, người dân nơi đây ai ai cũng giữ niềm háo hức, mong chờ đến giải đua thuyền năm sau. Lễ hội đua thuyền vẫn mãi là nét đẹp độc đáo, đặc trưng riêng của người dân Liên Chiểu, tạo nên một phần bản sắc văn hóa mà mỗi người con đi xa ai cũng nhớ về.
Người dân tham gia cổ vũ Giải Đua thuyền truyền thống quận Liên Chiểu mở rộng 2019. Ảnh: XUÂN SƠN |
Từ xa xưa, kể cả những năm tháng chiến tranh ác liệt cho đến thời bình, lễ hội đua thuyền trên dòng sông Cu Đê đã trở thành một hoạt động không thể thiếu với người dân phường Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam trong những ngày đầu năm.
1. Là một người con của quê hương Hòa Hiệp Nam, hơn ai hết, ông Trần Phước Nhì (sinh năm 1953) am hiểu sâu rộng về lịch sử của truyền thống đua thuyền trên dòng sông Cu Đê hiền hòa chảy qua quê hương mình. “Dòng sông ni có nguồn gốc bao đời thì tôi không biết, nhưng 7, 8 tuổi tôi đã thấy người dân bơi đua”, ông Nhì mở đầu câu chuyện.
Trước Ngày giải phóng 30-4-1975, đua thuyền được tổ chức vào mồng 2 tháng Giêng. Sau giải phóng, bà con nơi đây chọn mồng 4 tháng Giêng tổ chức hoạt động này. Ngày ấy, đua thuyền chỉ đơn thuần là một hoạt động mang tính tự phát của dân làng ở xã Hòa Hiệp (nay là 2 phường Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc). Trước lễ hội khoảng một tuần, bà con trong làng tụ họp bàn việc chuẩn bị rồi thăm hỏi, động viên con cháu tập luyện. Mỗi làng đều hình thành một đội đua toàn trai tráng từ 18 đến 25 tuổi.
Kinh phí lập đội thuyền do dân làng quyên góp. Trong những thời khắc này, cả xã Hòa Hiệp dường như “mất ngủ”, điểm sinh hoạt ở thôn nào cũng sáng đèn. Mọi người tụ hội về đây cổ vũ, bàn tán chiến thuật, đánh giá thuyền của các làng khác.
Trước ngày đua khoảng 2-3 ngày, các đội đua làm lễ cúng Miếu Bà nằm ở giữa dòng sông Cu Đê (cách cầu Nam Ô khoảng 700m về hướng thượng nguồn của dòng sông) để cầu cho năm mới, người dân đi lại trên sông nước được an toàn. Tiếp đó, đội đua sẽ vòng ra cửa biển, bơi vài vòng rồi cầu cho bà con làm nghề biển được thuận lợi.
Sáng tinh mơ của ngày hội, khi các bô lão trong thôn cùng trai làng khỏe mạnh nhất ra bờ sông đứng bên mũi thuyền thắp hương cầu nguyện một mùa mưa thuận gió hòa, thì hai bên bờ sông đã huyên náo tiếng người.
Người dân từ các thôn Xuân Thiều, Xuân Dương, Thủy Tú, Kim Liên, Nam Ô… cũng thức dậy từ rất sớm để kiếm cho mình chỗ đứng xem thuận lợi nhất. Khi lệnh xuất phát vừa đưa ra, các thuyền lập tức lao lên, hai bên bờ sông Cu Đê như vỡ òa trong tiếng hò reo và âm thanh của trống, mõ. Hàng ngàn con mắt “dán” chặt xuống mặt sông.
Lúc đó, dòng Cu Đê hiền hòa bỗng sôi sục bởi hàng chục con thuyền được trang hoàng như một rừng hoa sặc sỡ cưỡi trên dòng nước vùn vụt lao về phía trước. Kết thúc cuộc thi, đội chiến thắng hân hoan ca hát, đội thua xuýt xoa tiếc nuối và quyết tâm sẽ chiến thắng vào lễ hội năm sau.
2. Mãi đến khi quận Liên Chiểu được thành lập, đua thuyền trên sông Cu Đê dần được nâng cấp trở thành giải Đua thuyền truyền thống quận Liên Chiểu mở rộng, được tổ chức vào mồng 9 tháng Giêng hằng năm. Đồng thời, ngoài đội đua thuyền của các phường trên địa bàn quận, ban tổ chức giải còn mời những đội đua thuyền ở các địa phương khác cùng tham gia tranh tài như: huyện Hòa Vang, quận Ngũ Hành Sơn, quận Cẩm Lệ, thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế)…, góp phần làm cho lễ hội ngày càng hào hứng, sôi nổi.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Lê Văn Nghĩa, giải Đua thuyền truyền thống quận Liên Chiểu mở rộng đã trở thành món ăn tinh thần của người dân địa phương, mang lại ý nghĩa cầu “quốc thái dân an”, “mưa thuận gió hòa”, mùa màng tươi tốt; đồng thời duy trì và nâng cao sức khỏe nhân dân để lao động sản xuất và bảo vệ vững chắc quê hương, đất nước.
Bên cạnh đó, hoạt động đua thuyền mang ý nghĩa thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, đào tạo lực lượng vận động viên nòng cốt để tổ chức và tham gia các giải đua thuyền các cấp hằng năm. Đây cũng là lực lượng cực kỳ quan trọng sẵn sàng ứng cứu khi có lệnh điều động tham gia phòng, chống lụt bão, cứu nạn, cứu hộ khi có thiên tai.
Ông Nhì còn cho hay: “Ngày trước, đời sống còn khó khăn thì sau mỗi đợt đua, dù thắng hay không, bà con ở các thôn nhà nào còn đồ ăn sau Tết đều đem đến chung vui với đội đua thuyền của thôn đó. Nhà thì đem bánh tét, nhà mang thịt, bánh, mứt. Còn những năm gần đây, kinh tế khá giả hơn nên sau khi đua về, bà con mổ bò ăn mừng. Mọi người gần xa, không ai bảo ai, tập trung về xem như gặp mặt đầu năm mới”.
Cũng là một người con, người cháu của quê hương Hòa Hiệp Bắc, bà Trần Thị Giỏi (sinh năm 1950) chia sẻ: “Ngay từ sáng sớm trước giờ đua là các mẹ, các chị, mỗi người một tay lo cơm nước cho các vận động viên ăn chắc bụng. Vui lắm!”. Bà Giỏi còn bảo: “Không nói gì người trẻ, mấy người già ở đây ham xem đua thuyền lắm. Nón hư cũng vì cổ vũ. Cả năm chỉ trông mỗi đến ngày đua thuyền”.
3. Năm 2006, xuất phát từ Câu lạc bộ (CLB) đua thuyền quận Liên Chiểu được thành lập từ trước đó, sau khi xã Hòa Hiệp được tách thành phường Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc, CLB đua thuyền phường Hòa Hiệp Bắc được thành lập. Không chỉ đại diện cho phường Hòa Hiệp Bắc tham gia tranh tài trong các giải đua thuyền cấp quận, giao lưu với các địa phương khác, CLB còn đại diện cho quận tham gia các giải đua thuyền do thành phố tổ chức.
Ông Huỳnh Sang, Chủ nhiệm CLB đua thuyền phường Hòa Hiệp Bắc cho hay: “Hiện CLB có 45 thành viên, gồm 29 nam và 16 nữ. Các thành viên có độ tuổi khoảng 18 tuổi đến 55. Trong đó, những thành viên là vận động viên trực tiếp tham gia tranh tài tại các giải đua ở độ tuổi 18-25. Những thành viên lớn tuổi làm công tác tham mưu, huấn luyện vận động viên trẻ”.
Các đội đua đến từ phường Hòa Hiệp Bắc, phường Hòa Hiệp Nam (cùng thuộc quận Liên Chiểu), xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang), quận Ngũ Hành Sơn, quận Cẩm Lệ tham gia tranh tài tại Giải đua thuyền truyền thống quận Liên Chiểu mở rộng 2019. Ảnh: XUÂN SƠN |
Mỗi người một việc, ai cũng bận rộn nên với những giải đua lớn như đua thuyền trên sông Hàn nhân các dịp lễ Quốc khánh 2-9, Ngày giải phóng Đà Nẵng 29-3…, các vận động viên thường luyện tập 15 ngày trước khi thi đấu. Với những giải đua nhỏ và vừa như đua thuyền trên sông Cu Đê, đua thuyền trên sông Cổ Cò nhân dịp lễ hội Quán Thế Âm, đội chỉ tập luyện trong khoảng 1 tuần. Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, các giải đua thuyền được tổ chức trên sông Hàn không còn diễn ra nữa.
Ông Sang chia sẻ: “Ngày trước, không phải nhà ai cũng có điều kiện sắm ghe nên mỗi khi diễn ra đua thuyền, bà con đi cổ vũ chủ yếu đứng trên cầu và hai bên bờ sông, chỉ có vài nhà được đứng trên ghe cổ vũ rồi chèo ghe theo sát các đội đua.
Bây giờ, gần như nhà nào cũng có ghe nên mỗi lần đến ngày đua thuyền, bên cạnh những chiếc thuyền đua có rất nhiều ghe theo sát cổ vũ, đông vui hơn ngày xưa nhiều. Trên tay có gì… phất cái nấy. Người vẫy nón, người vẫy mũ, có người còn dùng cả áo để vẫy. Ai nấy cùng hô to “Cố lên!… cố lên!” khiến anh em đang đua dưới sông có thêm hào hứng, quyết tâm giành giải nhất”.
Năm nay, giải Đua thuyền truyền thống quận Liên Chiểu mở rộng 2020 phải dừng tổ chức ở phút cuối do ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra. Song, bà con ai cũng giữ niềm háo hức, mong chờ đến giải đua thuyền năm sau, bởi đây là một phần bản sắc văn hóa Việt mà mỗi người con đi xa ai cũng nhớ về.
MAI HIỀN