Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, đáng lẽ là thời điểm để nghỉ ngơi và an dưỡng, thì nhiều người vẫn lặng lẽ mưu sinh trên phố. Dù mệt mỏi hay đau ốm, họ vẫn cố gắng gượng bán cho hết hàng để kiếm thêm đôi ba đồng. Với họ, đó là niềm hạnh phúc khi không phải phụ thuộc vào con cháu…
Không quản nắng mưa, hằng ngày bà Cả vẫn đều đặn ngồi lặng lẽ ở góc đường mưu sinh. Ảnh: Đ.H.L |
“Không làm thì lấy gì ăn?”
Giữa dòng xe cộ qua lại tấp nập, tôi gặp bà Chín, 71 tuổi, khi bà đang nghỉ chân ở vỉa hè đường Hoàng Diệu. Cái nắng đầu năm làm bà cảm thấy ngột ngạt. Vừa thở dốc bà Chín vừa cho biết, nhà bà ở đường Lê Đình Lý. Từ 7 giờ sáng bà đã đẩy chiếc xe với đủ thứ lỉnh kỉnh hàng gia dụng đi khắp nơi bán đến tận trưa mới về. “Hồi còn khỏe thì bà đi xa hơn nhưng bây giờ già rồi, đầu gối nhức mỏi, bà không đi nổi nữa!”, bà Chín chia sẻ.
Nói thì nói vậy, nhưng bà vẫn bước thấp bước cao đẩy chiếc xe đầy hàng giữa phố đông người. Công việc này đã gắn bó với bà hơn 15 năm qua. “Không làm thì lấy gì ăn cháu? Con cái nó làm nó ăn, nuôi con nó học hành không đủ thì lấy gì nuôi mình”, bà cười hóm hỉnh trả lời khi tôi hỏi “sao tuổi cao rồi mà bà không nghỉ cho khỏe”.
Bà Chín có ba người con. Trước khi đến với công việc bán hàng dạo trên phố bằng xe đẩy, bà từng làm công nhân cho một công ty xây lắp dân dụng. Cuộc sống của công nhân khá vất vả, lương thấp nên sau khi nghỉ việc bà phải dãi dầu sương gió để kiếm sống.
“Mỗi ngày bà kiếm được vài chục nghìn đồng đủ ăn qua ngày thôi cháu”, giọng bà lọt thỏm giữa dòng xe cộ tấp nập qua lại trên phố. Tôi nhìn theo dáng hình lom khom của bà chợt nhớ đến bà ngoại mình mà dâng đầy cảm xúc. Liệu đôi chân đau nhức ấy lại tiếp tục phải đi bao nhiêu quãng đường, bao nhiêu cây số nữa trong những ngày tới khi tuổi càng cao sức càng yếu vì miếng cơm manh áo?
Không phải rong ruổi trên phố, nhưng bà Quỳnh bán hàng rau củ quả ở vỉa hè chợ Tam Giác cũ (ngã ba Ông Ích Khiêm-Đống Đa-Hải Phòng) có gương mặt và dáng người khắc khổ bởi thâm niên buôn bán vỉa hè gấp 3-4 lần bà Chín.
Bà Quỳnh năm nay đã ngoài 84 tuổi, hằng ngày bà vẫn ngồi bán hàng cho đến tận 9-10 giờ tối mới về tới nhà. Quê bà ở xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam và có nhà ở gần nơi bán. “Nhà bà ở Đà Nẵng có xí xi, con cái 4 đứa nhưng đều nghèo khó. Bà bán từ khi chưa có chồng đến giờ nên cũng quen rồi!”, bà Quỳnh chia sẻ. “Có con, có cháu nhưng khó khăn mới ra đó ngồi. Ngày mưa gió, bão lụt gì bà cũng không nghỉ”, một chị bán bún tươi bên cạnh bà cho tôi biết.
Chỉ với những mớ rau cải ngọt, cải cay, rau ngót, bầu, cà tím, mướp ngọt, bắp su, rau má…, bà Quỳnh vẫn ngồi lặng lẽ bên vỉa hè trong mưa gió lạnh lẽo hay những ngày nắng bụi rát mặt. Cái vệ đường cạnh đường tàu cũ càng thêm cô quạnh hơn khi bà vẫn ngồi đó một mình trong chiếc áo mưa tiện lợi dưới ánh điện lờ mờ và thấm cái vị lạnh của cơn mưa đêm nặng hạt hắt thẳng vào mặt.
“Nhờ trời thương”
“Nhờ trời thương”, bà Cả, 80 tuổi, vừa nhai trầu vừa cười móm mém phúc hậu trả lời khi tôi hỏi “năm nay bà bao nhiêu tuổi?”. Nhà bà ở gần chợ Mới. Thường ngày bà vẫn ra ngồi ở góc đường sát mép hành lang phải chợ Mới giao với đường Hoàng Diệu.
“Bà chỉ có một đứa con. Mình không làm thì lấy gì ăn cháu?”, bà cụ hồn nhiên giải thích. Nhưng trong ánh mắt hồn hậu ấy, tôi biết bà cũng như bao người già khác, dù ở cái tuổi gần đất xa trời vẫn không muốn làm phiền con cái. Ngày nào còn sức thì ngày đó còn chịu khó vất vả mưu sinh. Gánh hàng của bà thật giản dị với những thứ nông sản ở quê nhưng cũng chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng nuôi sống qua ngày.
Bà Cả là người gốc Huế vô Đà Nẵng sinh sống đã lâu. Bà chủ yếu bán các loại nông sản của Quảng Nam. “Đu đủ này bà lấy từ Tam Kỳ. Trái to, chín đều. Một ký chỉ 20.000 đồng thôi. Ngon lắm cháu!”, bà mời tôi mua hàng. Bà không nói thách cũng không vồn vã như những người bán hàng trẻ tuổi. Nụ cười hiền từ như thể tôi là con cháu trong nhà. Tôi mua thêm 10.000 đồng củ nghệ, bà cho tôi lấy bao nhiêu thì tùy.
Và tôi biết bà cũng chẳng lời bao nhiêu ngoài niềm vui được giao tiếp với khách hàng mỗi ngày.
Ngồi đối diện với bà Cả phía bên kia mép đường là hai vợ chồng bà Lan. Nhà bà ở tận xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang. Thỉnh thoảng hai vợ chồng vẫn đổi phiên cho nhau đứng bán. Từ sáng sớm tinh mơ khi tôi đi tập thể dục về ngang qua đường đã thấy bà dọn các loại trái cây ra bán.
Bà Lan cho biết: “Tất cả trái cây ở đây đều do bà con Hòa Phú trồng tự nhiên nên an toàn, không sợ thuốc”. Bà Lan chỉ bán vào buổi sáng cho đến trưa. Hôm nào còn thì gửi lại trong nhà người thuê chỗ bán.
Hầu hết những người già tôi gặp đều có cuộc sống khá vất vả nhưng vẫn giữ được nụ cười đôn hậu, chất phác. Có lẽ, họ đã quen với công việc buôn thúng bán bưng từ lúc trẻ và trải nghiệm cuộc đời nên chẳng cần màu mè. Họ mưu sinh một phần vì cuộc sống, một phần vì không muốn mình trở thành gánh nặng của con cháu. Tôi cầu mong cho họ có nhiều sức khỏe để ngày ngày vẫn thấy nụ cười vui vẻ nơi góc đường thân thuộc với sự hàm ơn cuộc đời thật mộc mạc như lời bà Cả 80 tuổi giải bày “nhờ trời thương”.
Đoàn Hạo Lương