Cái tờ phiếu khám bệnh ấy cứ ngọ nguậy trong cặp, giống như chính chủ nó, thằng nhỏ cũng đang ngọ nguậy tựa như ngồi trên tổ kiến.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Cho tới khi lớp trưởng qua phòng Hội đồng chạy về thông báo, thầy giáo Toán cảm đột ngột, lớp được nghỉ sớm, bao giờ thầy khỏi, sẽ học bù sau, thì như một quả pháo đùng nổ giữa thời khắc giao thừa, cả lớp reo hò, thằng nhỏ cũng hò reo, tiếp theo là tiếng vỗ tay, gõ bàn ầm ĩ. Bàn trên, thằng Hăng còn cố gào lên lời nhạc chế, chưa có bao giờ đẹp như hôm nay, thầy giáo ốm rồi làm ta vui thay. Không khí lớp vui hơn cả ngày hội, như một bầy chim sổ lồng, có những đứa nhanh chân đã đeo cặp vút ra khỏi phòng.
Thằng nhỏ cũng vội vã thu dọn sách vở, chợt nó động lòng trắc ẩn, chẳng biết thầy ốm ra sao, có nặng lắm không? Đang mùa xuân mà thầy bị ốm là sao? Mọi lần, thầy khỏe lắm, giọng nói vang khắp phòng, chân thầy nhanh nhẹn xuống từng bàn học sinh. Thầy hay kiểm tra vở của nó, nếu nó không làm thì thầy mắng, thầy bắt ngồi làm khi các bạn được ra chơi.
Nhưng khi nhìn thấy cái tờ phiếu khám bệnh đã ngóc đầu lên giữa trang vở Toán, nháy mắt mỉm cười với nó, thằng nhỏ đã hớn hở trở lại, nghĩ may mà thầy ốm để mình được về sớm. Nó phóng ra khỏi lớp nhanh như một ngọn gió xuân, trên tay đang cầm rất chắc tờ phiếu khám bệnh màu phấn hồng dịu dàng ấy, tờ phiếu cứ phần phật theo bước chạy, quạt mát vào mặt nó.
Gian nhà nhỏ lợp rơm gối đầu bên cánh đồng lúa quanh năm rì rào gió hát, có hai cái cửa sổ xinh như hai cuốn sách, mỗi sáng sớm bà lại lấy que gác lên mở cánh cửa để mặc cho gió nắng ùa vào, bà ngoại đang chờ bước chân của nó. Còn nó cũng đang nhớ bà nhiều lắm, nhớ nhất là cái dáng còng còng lưng tôm của bà ngồi lụi cụi nấu cơm, nhác thấy cháu với bộ dạng thất thểu về là bà vội thổi phù phù những tàn tro trên vung nồi, quơ cái rế, bắc nồi cơm lên nhà, dọn mâm phục vụ nó như một thượng đế.
Với bàn tay quạt mát của bà, nó nhanh chóng lấp đầy nỗi nhớ bà bằng ba bát cơm chan canh rau lang, có bữa thịnh soạn hơn nữa thì có tép rang, đậu rán, rau muống xào tỏi, xa xỉ hơn còn có cả thịt kho. Cái bụng phưỡn lên như cái trống con, nó lăn ra nền đất mà ngủ, con mèo mướp cũng chui vào nách cậu chủ đánh một giấc, lúc ấy bà mới chậm rãi ăn nốt những thìa cơm cuối cùng còn sót lại trong nồi.
Một lần, thằng nhỏ tỉnh giấc khi có mấy con ruồi tới phá đám, cứ đậu lên mép nó bởi có hạt cơm lấy phần trên đó, thấy bà ngồi móm mém ăn cơm với nước cáy, còn bát thịt kho bà đã đem cất vào chạn, nó hồn nhiên hỏi:
- Sao bà không ăn thịt kho cùng con mà lại ăn nước cáy?
- Cái bụng của bà ấy mà, ngày trước ở cữ không được kiêng khem, nên giờ ăn thịt cứ sôi như đun nước, không ổn một chút nào.
- Thế bà ăn cơm với rau và nước cáy thì ổn sao?
- Ừ, nước cáy là lành nhất trần đời.
- Thế thì con cũng muốn ăn nước cáy.
Bà cười hiền từ, bàn tay nhăn nheo vuốt tóc nó, giục:
- Cháu bà ngoan lắm, giờ thì ngủ trưa đi. Chiều còn dậy sớm ra đồng tát nước với bà.
- Vâng, con thích ra đồng tát nước.
Đồng rộng mênh mông như biển. Nó lõn cõn đi trước, bà chậm rãi vác gầu đi sau. Thằng nhỏ đã được ra biển một lần, lần ấy mẹ bắt ô-tô để hai mẹ con ra biển chơi, rồi sau đó một tháng, mẹ lại lên ô-tô đi lấy chồng tận miền ngược. Lúc mắt nó nhìn thấy biển, nó reo lên, biển rộng như cánh đồng làng mình kìa, nó vẫy vùng trên sóng biển như vẫy vùng trên cánh đồng, chạy nhảy, nô giỡn, cưỡi sóng, bắt ốc… Vui cả một ngày, vui đến tận đêm về còn ngủ mơ nói, sóng kìa, sóng nhấp nhô như lúa.
Bà đập khẽ tay nó lay, tỉnh dậy nào, trời sáng bảnh rồi, không đến trường sao? Mẹ con đâu rồi? Mẹ con ấy à, sắp sửa phải đi đến nhà chồng rồi, người ấy sẽ là bố dượng của con đấy. Ô cửa nhỏ như cuốn sách đang nhấp nháy ánh ban mai, nó dụi mắt vì chói. Thảo nào mẹ cũng đi lấy chồng, mày cũng sẽ có bố như tụi tao thôi, cái thằng Hăng đã cảnh báo trước với nó. Mẹ đi lấy chồng thật. Mẹ tạm biệt nó bằng bữa tiệc tắm biển này. Chồng của mẹ, bố dượng nó, nó còn chưa kịp gọi tiếng nào.
Mẹ đi, đã hai năm chưa về thăm nó, nó nhớ mẹ lắm nhưng chẳng nói ra, kẻo mẹ lại nóng ruột. Nhớ mẹ nó càng quấn lấy bà, ngoài lúc đi học, chẳng mấy khi nó rời bà nửa bước. Sáu tuổi nó đã biết làm cây cọc cùng bà tát nước, còn bây giờ, trên cánh đồng, hai bà cháu nhấp nhô giữa làn lúa xanh, vẩy từng gầu nước vào ruộng lúa đang đến thì con gái, tay nó mềm như quay nửa vòng tơ, người nó nhún nhảy đung đưa theo nhịp dây gầu, nước vào ruộng đến đâu, lúa như trỗi dậy xanh ngần ngật đến đấy.
Đang cắm đầu cắm cổ chạy cho nhanh về với bà thì thằng Hăng kít xe trước mặt, thằng nhỏ reo lên:
- Cho tớ đi nhờ về với.
- Về sớm thế Thao? Đi chơi game không, có trò mới ra hay lắm!
Là lần thứ ba thằng Hăng rủ, và không như hai lần trước còn lưỡng lự, lần này nó lắc đầu quầy quậy.
- Không được, bà tớ ốm, tớ phải về ngay.
- Bà cậu già rồi, lúc nào chẳng ốm, thầy giáo mình khỏe thế còn ốm nữa là…
- Nhưng tớ cũng không đi chơi game đâu, bà dặn tan học là về nhà ngay.
- Đồ tậm tịt. Không đi thì thôi, thế thì chịu khó cuốc bộ, đừng bao giờ bảo tớ cho nhờ về nhà nữa nhé.
Thằng Hăng đạp xe ưỡn ẹo như chao võng trước mắt đám bạn, câu được thằng So, hai thằng phi thẳng tới quán game chơi, ném lại một ánh mắt khiêu khích vào mặt nó. Nhưng nó không hề để ý bởi vì trong đầu nó chỉ nghĩ tới việc bà sẽ vui thế nào khi nhìn thấy tờ phiếu khám bệnh này. Vì thế nên con đường xa ba cây số bỗng gần lại trong gang tấc. Vừa về đến nhà, nó đã lao vào buồng nơi có chiếc giường tre bà vẫn nằm ngủ trên đó, ô cửa nhỏ hắt đủ ánh sáng mặt trời để cho nó nhìn rõ, bà không có trên giường. Sáng nay đi học, bà ho sù sụ, còn sốt nữa, người thì đau ê ẩm, bà vẫn nằm trên giường, thế mà giờ không thấy đâu. Nó chạy vội ra sân, gọi to:
- Bà ơi, bà đâu rồi?
Tiếng cửa bếp kẽo kẹt. Bà lúi húi bước ra khỏi bậu cửa, mặt bà đỏ bừng như mặt trời, tay đang run rẩy bê nồi cơm lên. Thằng nhỏ chạy vội tới bê đỡ cho bà, rồi nó buông giọng rên rẩm đầy vẻ xót xa:
- Ối giời ơi, bà đang ốm sao lại xuống bếp đun nấu cơ chứ!
- Bà khỏe rồi, bà xuống nấu cho cún bà bát gạo, không trưa đi học về thì đói lả ra à? Đã nhịn ăn từ sáng rồi.
- Sáng nay con ăn cơm nguội ấy chứ. Bà không nhớ là tối qua bà bỏ ăn nên cơm vẫn còn lưng bát à, rưới nước cáy lên ăn ngon tuyệt cú mèo.
Thằng nhỏ kéo bà ngồi xuống phản:
- Mà bà ơi, bà đừng lo nữa, con có cái này cho bà nhé.
- Cái gì chứ, có phải hôm nay cún con lại được điểm tốt rồi không?
- Còn hơn thế nữa cơ.
Nó chìa cho bà tờ phiếu khám bệnh, toe toét cười:
- Bà nhìn thấy chưa, phiếu khám bệnh đó. Hôm nay con đi qua hội trường xã, thấy loa đài thông báo có đoàn khám bệnh từ thiện tận trên thành phố về khám chữa bệnh miễn phí cho người già, trẻ em, phụ nữ ở xã ta đấy. Con xin được một phiếu khám bệnh miễn phí cho bà rồi này. Bây giờ, con đưa bà lên đó khám bệnh nhé, rồi bác sĩ cho thuốc, kiểu gì bà cũng hết đau ốm ngay thôi mà.
Nét mặt bà dãn ra, đôi mắt vốn đã mờ mờ bỗng hấp háy, bà cầm lấy tờ phiếu khám bệnh, vuốt ve khắp bốn phía. Bà chẳng bao giờ đi khám bệnh ở đâu cả, từ trước tới nay, có ốm thì uống mấy viên thuốc mua ngoài chợ, mãi rồi phải khỏi. Bà ngại đến bệnh viện vì sợ tốn tiền, còn phải nuôi thằng nhỏ ăn học nữa, vợ chồng con gái có điện về hỏi, thì bà luôn bảo, tao khỏe có ốm đau gì đâu, họa hoằn mới hắt hơi sổ mũi, lo gì.
Ấy là bà giấu giếm vậy chứ bà biết tuổi già đến lâu đã khiến bà bại sức lắm rồi. Bà vẫn ao ước được khám bệnh chuyên khoa một chuyến, xem sự thể sức khỏe thế nào, còn biết đường biết nẻo. Nay thằng nhỏ được đoàn khám bệnh ưu tiên cho phiếu khám chữa bệnh miễn phí thì còn gì bằng. Nhưng đường thì xa, trời thì nắng, bà còn đang yếu, chân lại đau, sao có thế đi bộ được. Dù nhà chưa có tiền mua xe đạp, nhưng thằng nhỏ đã biết đi xe đạp giỏi, nhờ bọn thằng Hăng cho mượn xe tập, rồi mỗi khi đi hay về học chúng đều bắt nó đèo về cho đỡ mỏi chân, nên thế mà lại hay, nó đèo xe đạp giỏi là đằng khác.
Thằng nhỏ nghĩ ngay ra anh Bản có cái xe đạp lắp, nó chạy vù sang nhà anh ấy mượn xe, định đèo bà đi. Nhưng mượn được xe, bơm căng hơi, đạp về đến nhà thì đã mười một giờ, hết giờ làm việc của đoàn khám bệnh, bà bảo ăn cơm đã, chiều mới có sức lai bà đi khám bệnh chứ. Nhìn mâm cơm có rau lang chấm nước cáy với một quả trứng gà luộc, nó gắp ngay cho bà quả trứng gà, giục:
- Bà ăn đi, người ốm phải ăn trứng mới mau khỏe.
Bà gắp lại quả trứng đặt vào bát nó:
- Cún con của bà ăn đi, chiều còn chở bà đi khám bệnh. Bà không ăn được trứng đâu, cứ ăn trứng là bà lại bị đau vai, đau lưng lắm.
Nó nhất quyết động viên bà ăn, nhưng bà thì bảo phải kiêng, cuối cùng nó lấy đũa chia đôi quả trứng ra, bắt bà ăn một nửa, còn nó một nửa, kiểu gì thì chiều nay đã có bác sĩ trị bệnh giúp bà rồi, bà không ăn thì nó cũng không ăn trứng nữa, nó nằng nặc vậy bà mới chịu. Ăn xong, nó đi rửa bát, giặt thau quần áo, rồi chuẩn bị chở bà đi sớm, vì đi sớm sẽ được thăm khám sớm, không phải chen chúc chờ đợi.
Quả nhiên là bà được tiếp đón chu đáo, các bác sĩ mặc áo trắng cứ như các thiên thần hết đưa bà vào bàn ghi tên, ghi giấy, lại đến bàn bác sĩ, đến các ô phòng khám chuyên biệt đã được dựng dã chiến, nào siêu âm, còn cả khí dung, cuối cùng được vào nằm một cái máy biết xoa bóp toàn thân cho bà đỡ đau mới tài. Làm xong tất cả các công đoạn, bà ra ghế ngồi đợi kết quả. Nhìn thấy thằng nhỏ đang ngấp ghé mắt qua lỗ cửa nhìn trộm bác sĩ đo cho bệnh nhân huyết áp, bà khẽ bảo:
- Dễ thở lắm rồi, đỡ ho hẳn cún con ạ. Bác sĩ còn tiếc rằng, bà không nghe loa thông báo mà đi khám từ sáng còn xét nghiệm được máu nữa cơ.
- Đấy, con biết ngay mà, rồi có thuốc chẳng mấy bà lại khỏe ngay bà nhỉ?
- Ừ, khỏe được ra bà cháu ta còn ra đồng tát nước.
- Sắp có mùa châu chấu, con thích bắt châu chấu về rim nước mắm, ngon tuyệt cú mèo, bà nhỉ?
- Ừ. Vụ này mà bội thu, nhất định bà phải mua cho cún con một cái áo trắng mới, mặc cho ra dáng, chứ cái áo kia ngắn ngủn rồi còn đâu.
Nghe bà nói, thằng nhỏ chợt nhớ ra, kêu to:
- Thầy Toán bảo sẽ tặng con một cái áo trắng nếu cuối năm con được học sinh giỏi bà ạ. Bà không phải mua áo cho con nữa, dành tiền mua thuốc cho bà, để bà khỏi đau, khỏi ho cơ.
- Thầy con tốt bụng quá.
- Nhưng sáng nay thầy cũng bị ốm đấy, nên con mới được về sớm vậy.
Một cô mặc blouse trắng tiến lại, bảo bà vào lấy kết quả. Thằng nhỏ dắt bà đi vào. Bác sĩ thông báo bà bị viêm phế quản và bị thoái hóa xương khớp, thấy hai bà cháu thừ ra thì bác cười động viên, không sao, bệnh tuổi già mà, cháu kê đơn thuốc cho bà uống là khỏi viêm phế quản ngay. Xong, cô mặc áo blouse trắng lúc nãy lại dắt hai bà cháu ra cửa, tới trước quầy thuốc để lấy thuốc uống theo đơn, sau đó cô lại dẫn hai bà cháu ra trước ô cửa có hai cô đang ngồi ghi ghi chép chép.
Xem xong các loại giấy tờ, một cô gõ máy tính rồi thông báo:
- Của bà tất cả hết năm trăm chín mươi lăm nghìn đồng.
Bà nhìn thằng nhỏ. Thằng nhỏ lại nhìn bà. Hoảng hốt. Cả hai bà cháu nhìn cô kia. Rồi lắp bắp, bà hỏi:
- Mất năm trăm chín mươi lăm nghìn đồng sao cô? Tôi tưởng là đoàn về khám chữa bệnh miễn phí cơ mà?
Cô kia cười duyên dáng, chỉ vào tờ phiếu khám bệnh:
- Bà lão ơi, bà nhìn lại đi, phiếu khám bệnh miễn phí ghi rõ ràng đấy nhé.
Thế là sao, tôi không hiểu?
- Cơ sở chúng cháu thông báo là khám bệnh miễn phí, đó là việc khám bệnh, kết luận, kê đơn của bác sĩ. Còn các công đoạn khác như siêu âm, rồi mua thuốc men bà phải trả tiền chứ. Có điều đó thôi mà bà không biết à?
Má thằng nhỏ đã bịn rịn mồ hôi, nó nhìn thấy bà mặt mày tái mét, chân tay thì lẩy bẩy, nó vội ôm lấy bà tựa vào người mình cho khỏi ngã. Bà lần thắt lưng rút ra một cái túi vải, đếm đi đếm lại có hai trăm mười ngàn, đây là số tiền để chi tiêu trong hai tháng tới của hai bà cháu. Ngước đôi mắt đầy đau khổ nhìn hai cô đang tỏ vẻ khó chịu chờ thanh toán, bà rụt rè:
- Tôi không có tiền, tôi không lấy thuốc nữa, được không cô?
- Ôi cái bà lão này lẩn thẩn hết chỗ nói. Nếu không lấy thuốc bà ra nói lại với chị bán thuốc để trừ tiền, nhưng tiền các dịch vụ khác còn lại cũng là hai trăm ba đấy. Nhanh lên để chúng cháu còn làm việc với bệnh nhân khác.
Nghe nói thế người bà co rúm lại, cơn ho lại nổi lên rũ rượi. Thằng nhỏ đã chảy nước mắt, nó nhìn bà mà lòng đầy ân hận, tại nó mà bà ở trong tình cảnh khó xử này, chắc bà đang khổ tâm lắm, lại còn bị người ta chê bai già lẩn thẩn nữa chứ. Nó cúi xuống đất sụt sịt khóc. Chợt có tiếng nói:
- Cô đừng nặng lời với bà lão thế, tôi sẽ thanh toán cho cụ. Bà không phải trả thuốc lại đâu, để cháu, gọi là mừng tuổi cụ chút xíu mong lấy phúc sau này.
Giọng nói khàn khàn quen quen, thằng nhỏ ngước mắt nhìn, thì ra là thầy giáo Toán của nó. Thầy lụ xụ khăn áo, vừa từ phòng khám đi ra, nghe được câu chuyện, thầy dứt khoát bảo bà cất tiền vào túi, rồi trả hết tiền cho bà, trước sự ngỡ ngàng của các cô áo trắng và hai bà cháu, xong xuôi đâu đấy, thầy mới xoa đầu nó mà nói với bà:
- Cái cậu bé Thao này, vừa ngoan vừa sáng dạ lắm đấy bà ạ!
Giọng thầy khàn đục mà ấm áp như ngọn gió xuân vừa thổi tới.
Nguyễn Thu Hằng