Sức mạnh từ tình người

Mấy tuần nay, các trang báo mạng và báo giấy tràn ngập hình ảnh y, bác sĩ với bộ quần áo bảo hộ kín mít, đẩy xe bệnh trong hành lang bệnh viện cùng những con số lạnh lùng về số người nhiễm bệnh, số ca tử vong hằng ngày tại Trung Quốc và các quốc gia khác trên thế giới. Corona - có lẽ là từ khóa được tìm kiếm và nhìn thấy nhiều nhất ở mọi nơi. Mọi người đã bắt đầu nghiêm túc nhận ra, nhân loại đang phải đối diện với một dịch bệnh nguy hiểm và có tốc độ lây lan nhanh.

Đây không phải là lần đầu tiên một dịch bệnh nghiêm trọng xảy ra trên phạm vi toàn cầu. Chắc hẳn chúng ta vẫn còn nhớ dịch SARS năm 2003 ảnh hưởng đến 32 quốc gia và vùng lãnh thổ; dịch cúm H1N1 năm 2009 với phạm vi ảnh hưởng lên tới 214 quốc gia; dịch MERS năm 2012 xuất hiện tại 25 quốc gia hay đại dịch Ebola - nỗi khiếp sợ của toàn nhân loại trong năm 2014 ảnh hưởng đến các quốc gia Tây Phi. Chúng ta đã từng tự hào vì các đại dịch đã lần lượt bị đẩy lùi, thì lần này, đến lượt Corona - chẳng có cớ gì chúng ta lại tỏ ra sợ hãi và bi quan.

Đương nhiên, đã là con người, sẽ có những nỗi sợ rất “người”, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng. Tuy nhiên, sợ để chủ động đề phòng, cẩn trọng hết sức theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế chứ không phải sợ để hoang mang, bi quan và hoảng loạn. Sự mất bình tĩnh không giúp đẩy lùi được bệnh tật; ngược lại, một tinh thần lạc quan có thể giúp tăng khả năng đề kháng cho cơ thể. Bên cạnh đó, cần có một niềm tin - tin vào cộng đồng, tin vào ngành y học. Thay vì phán đoán và để lạc hướng trong muôn vàn thông tin nhiễu loạn, đúng sai trên các trang mạng xã hội, tại sao không tìm đến những nguồn tin chính thống từ chính quyền và nghe theo những người có chuyên môn y học. Trước khi dao động, hoài nghi, các bạn hãy nhớ, hơn 10 năm trước, Việt Nam là nước đầu tiên khống chế thành công dịch bệnh nguy hiểm SARS trên thế giới.

Tất nhiên, việc phòng, chống bệnh dịch không thể chỉ một nước, một bộ, ngành, địa phương, gia đình có thể thực hiện được mà cần phải có sự chung tay của cả cộng đồng quốc tế, sự phối hợp đa ngành, đa lĩnh vực. Ngoài ra, còn có một nguồn sức mạnh vô hình không thể thiếu ở bất cứ quốc gia nào - đó là Tình Người trong cơn hoạn nạn. Mới đây, Đài Truyền hình Việt Nam đã có một chuỗi phóng sự kể lại hành trình chống dịch SARS tại Việt Nam. Không ít người xem đã lặng người, rơi nước mắt trước sự đối diện và lăn xả đầy dũng cảm của các y bác sĩ. 5 y bác sĩ đã ra đi để đổi lại mạng sống cho hàng chục bệnh nhân và bảo vệ sức khỏe cho cả cộng đồng. Chấp nhận ở lại cứu chữa và giúp đỡ người bệnh giành giật sự sống dù khả năng lây nhiễm là rất cao - đó không chỉ là sự lựa chọn đến từ trách nhiệm của một ngành nghề, mà đó còn là những quyết định đến từ Tình Người.

Những ký ức sau 17 năm không hề phai trong lòng người bệnh và cả các y, bác sĩ: “Làm sao quên được những lúc, hầu như mỗi ngày, được tắm gội đầu ngay tại giường bệnh với một đống dây nhợ trên mình, từ mũi, từ ống truyền dịch, từ ống thở oxy... Chưa kể đến đêm khuya, vừa bị những cơn ho dữ dội tấn công thì đã thấy một bác sĩ ngay bên cạnh mình, nhiều lúc bác sĩ không kịp mang cả găng tay” (theo ông Nguyễn Hữu Hùng, một bệnh nhân SARS đã được cứu sống ngày đó).

Tương tự như vậy, những hình ảnh truyền đi khắp thế giới từ tâm dịch Vũ Hán, Trung Quốc hiện nay với cảnh các y, bác sĩ phải tự tay cạo đầu, cắt tóc cho nhau để thuận tiện trong công việc, cảnh một người mẹ làm bác sĩ phải gửi cho con gái một cái ôm từ xa với hàng nước mắt lăn dài, cảnh một em bé hơn 8 tháng tuổi giơ tay đòi bố bế từ trong tấm gương cách ly tưởng gần mà xa… đã lay động hàng triệu trái tim. Bỏ qua tất cả khoảng cách địa lý hay những khác biệt về nguồn gốc, dân tộc, họ cũng như chúng ta

- đều là con người, đều cần được sống bình an và được yêu thương. Hoạn nạn cũng là lúc thử thách lòng người, cũng là cơ hội để con người trong mỗi quốc gia xích lại gần nhau hơn, để cộng đồng cả thế giới sát cánh vượt qua và chiến thắng. Vì lúc này, Tình Người có thể trở thành một liều thuốc tinh thần mạnh mẽ, cổ vũ và động viên con người ở mọi nơi và trong mọi hoàn cảnh.

Tại Việt Nam, ngoài một chút thoáng buồn ban đầu vì một số tiểu thương tăng giá bán khẩu trang, có hành vi “găm hàng”, hiện nay, những tấm bảng, băng-rôn phát khẩu trang miễn phí ở mọi tỉnh, thành hay những tấm lòng kêu gọi chung tay giúp đỡ trang thiết bị y tế cho những nơi còn khó khăn… giúp chúng ta tin tưởng hơn vào kết quả khả quan của “cuộc chiến” này.

Trước thực trạng virus Corona chủng mới vẫn đang lan rộng tới nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, các cá nhân, doanh nghiệp, tập đoàn lớn tại Việt Nam đã chung tay thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ người dân phòng, chống và bảo vệ sức khỏe như Tập đoàn Viettel đã phối hợp lắp đặt 21 cầu truyền hình tại 21 bệnh viện lớn trên cả nước để bảo đảm công tác giao ban điều hành phòng, chống nCoV; nhà mạng VNPT miễn phí cước gọi tới đường dây nóng về phòng, chống dịch bệnh 19003228 hay nhiều doanh nghiệp dược phẩm chân chính đang tích cực chung tay cùng cộng đồng trong phòng chống dịch… Và biết đâu, chính nhờ sức mạnh từ Tình Người trong những lúc này, chúng ta - một đất nước nhỏ bé - sẽ một lần nữa lặp lại được kỳ tích như đại dịch SARS 17 năm về trước.

ĐỖ LAN HƯƠNG
 

;
;
.
.
.
.
.