Ngày trước, từ đường thiên lý bắc nam, tới chợ Mộc Bài (xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, Quảng Nam - nơi ngày trước có trạm đổi ngựa Nam Ngọc), ngược xuống theo đường công hương ngoằn ngoèo, một bên là đồng ruộng, một bên là mênh mông những mộ là mộ của khu Mả Lạng là đến làng.
Trà Đình (xã Quế Phú, huyện Quế Sơn), tên gợi đến chốn chơi thôi, không phải làm, lại nghĩ tới “tửu điếm”. Tưởng vậy mà không phải vậy. Ruộng của làng thuộc hạng thượng đẳng điền cùng với Mông Lãnh (xã Xuân Phú), ngang hạng với xứ “Đồng Nai con” tận trên Tây Viên, Trung Lộc bên tê đèo Le! Qua hết Mả Lạng là đến trường học và cơ quan xã.
Cổng chùa Trà Đình cũ. Ảnh: L.T |
Chùa Trà Đình sát bên trường học. Chùa không có sư trụ trì nên đến ngày rằm, mồng một hay các ngày vía, các đạo hữu lại rủ nhau lên chùa lo tất thảy mọi nghi lễ. Đó là một ngôi cổ tự ra đời khá lâu. Trải qua mấy đợt trùng tu chùa mới ra dáng vẻ một ngôi chùa bề thế của làng quê trong nhiều năm. Ba tôi từng tham gia “vẽ mẫu” cho cổng tam quan và mái chùa với hai gác chuông khá duyên dáng ở một vùng nông thôn hẻo lánh.
Chùa có một pho tượng gỗ khá lâu đời, nhưng đã bị mối mọt ăn lẹm khá nhiều. Chính tại ngôi cổ tự này, nhà văn Thái Bá Lợi đã lưu lại trong mấy tháng để viết tiểu thuyết. Tôi có đôi lần được “ngồi” cùng nhà văn đối ẩm. Pho tượng cổ tạc từ gỗ mít được nhà văn nhiều lần nhắc tới như một thứ “định danh” giá trị của ngôi chùa xưa. Hình như “Khê ma ma” đã được viết ra ở đây thì phải.
Học xong lớp vỡ lòng ở trường Trà - Đình - dưới với thầy giáo Hương, tôi được lên lớp Năm và học một năm rưỡi ở ngôi trường này (hồi ấy gọi là Trà - Đình - trên). Trường có các lớp từ lớp Năm tới lớp Nhứt. Thầy hiệu trưởng kiêm dạy lớp Nhứt và chưa vợ. Một lần “người yêu” của thầy tới thăm khiến cả trường xôn xao như làng có đoàn hát về. Mấy chàng lớn tuổi lỡ dại chạy lên cửa sổ nhòm ngó cô đều bị phạt hết, hay thật!
Tôi không nhớ nhiều về ngôi trường ấy ngoài một đợt học trò cả trường ra sông Ly Ly gánh cát về cho thợ xây giếng trường và mấy bữa ở lại trường ăn cơm đùm cùng mấy bạn nhà ở xa tận Mông Lãnh, Hương Yên không về trưa được. Và nhớ cây đa trước trường bóng đổ ùm xòa cùng cây bồ đề cổ thụ trước cổng chùa. Cả hai làm nên dấu ấn cho một ngôi làng có từ khá lâu, có lẽ cũng gần gần với năm làng thuộc Ngũ Hương (sách Phủ biên tạp lục do Lê Quý Đôn soạn năm 1776, nhắc đến các địa danh thuộc Ngũ Hương: Hương Hợp, Hương Phúc, Hương Lộc, Hương An, Hương Sơn, thuộc huyện Duy Xuyên, phủ Thăng Hoa - BT) ở phía trên cách 2-3 cây số vốn nổi tiếng cả nước.
Vòng theo hướng chùa là “phía sau” của làng. Phía đó, nước từ bờ đập ngoài sông Ly Ly, theo mương Bộng đổ về Vũng Tố, chảy ngang cầu Vũng Tố trước khi theo mương chảy xuống Tàu Đuồi ra cống Bà Hàn rồi đổ ra biền. Nước nhập vào sông Bà Rén, hòa cùng sông Ly Ly, vòng vèo miết rồi cùng chảy ra sông Thu Bồn. Vũng Tố khá rộng, ghe có thể bơi từ đầu đến cuối vũng, tụi nhỏ bọn tôi bơi mỏi cả tay chưa tới. Và thật nhiều cá, đặc biệt là sìa - thứ đặc sản vốn ưa đất bùn pha cát của Vũng Tố.
Con đường vòng quanh xóm qua Vũng Tố, gặp lại đường công hương ở cuối xóm rồi chạy xuống Trà Đình dưới sau khi bỏ qua một đoạn đồng xanh mượt của lúa. Rồi đến con đường rợp mát bóng lộc vừng. Từ đây, rẽ phải, qua sông là đến xóm Trại. Đi về hướng đông bắc qua bến đò Xóm Tra là đến An Lạc, còn đi theo đường công hương sẽ đến cầu Xóm Gò. Nhà hồi ấy bao bọc toàn tre, hoặc các đám lúa. Nhà nào ra nhà nấy, trồng nhiều cau và cây trái. Ổi nhiều như nhà ông Giáo Bốn hoặc nhà bà Lon…
Trà Đình trên có mấy xóm: Xóm Đồng, xóm Sông… Gần xóm Sông lại có mấy nhà gần nhau lại thuộc… 3 xã khác nhau. Cái kiểu liên cư liên địa nhưng địa chỉ hành chính vô cùng khác nhau. Làng thuần nông, có lẽ, nên cứ trầm trầm, chừng chừng, người làng đi xa vài ba năm trở về thì làng vẫn vậy, có chăng người này người nọ vừa mới qua đời hoặc nhà kia mới có con dâu hoặc sinh thêm con thêm cháu… Gò Mã Lạng vừa thêm vài ngôi mộ mới…
Đặc biệt làng chẳng có hàng quán gì, lò rèn cũng không. Có phải vì quá gần chợ Mộc Bài hay Hương An? Hay người làng không thích/ biết buôn bán? Và có phải vì vậy mà làng cứ trầm trầm mãi qua bao nhiêu tháng năm? Thế nên có bạn về thăm nhà có lần đùa, lạ hỉ, quê mi đích thị Trà Đình rồi nhưng mà chẳng thấy “tửu điếm” đâu? Chắc là ám chỉ làng chẳng có hàng quán gì!
Sự kiện hợp tác hóa nông nghiệp năm 1978 đã làm cho làng hầu như thay đổi hoàn toàn. Các xóm Sông, xóm Đồng được cải tạo thành ruộng. Gò Mả Lạng cũng được xóa bỏ thay vào đó là khu tái định cư của những người xóm Đồng, xóm Sông và những người mới tách hộ. Đường làng cũng đã quy hoạch lại.
Con đường từ Mộc Bài xuống đã được nắn thẳng đi một mạch từ chợ xuống phía hông trường học. Nhiều ngôi nhà thoi loi giữa đồng cũng được quy hoạch về hai bên đường chính. Các rặng tre bị xóa dần dần. Nước từ Phú Ninh về làm xóa hẳn bờ đập Trà Đình. Mương Bộng gần như bị xóa sổ.
Vũng Tố bị thu hẹp chỉ còn một vũng nước nhỏ, không cần phải bắc cầu mới đi qua được như trước. Con đường đi vòng ngã sau làng đi men theo Vũng Tố bị bỏ quên. Ngay cả con đường chính vòng vèo đâm xuyên qua làng theo ngõ cầu Vũng Tố cũng bị bỏ quên nốt!
Ruộng đồng được mở rộng hơn đồng thời với việc thu hẹp vườn tược mỗi nhà, mấy cái hàng rào tre cũng bị xóa dần sau này thay bằng các hàng rào bê-tông “kiểu thành phố”. Phong trào xây dựng nông thôn mới tiếp tục làm thay đổi bộ mặt xóm làng. Thêm một vài quán tạp hóa, vài quầy rau, vài quầy cá, thịt làm cho không khí của làng thêm chút nhộn nhịp. Riêng những tán bồ đề là vẫn tỏa bóng mát xuống ngôi chùa chứa đậm nét thời gian. Như chưa từng thay đổi.
Xuân này, là mấy trăm năm kể từ đợt di dân sau cuộc hành binh năm 1471, hay trước đó chút nữa, để có một làng Trà Đình xưa như làng Đồng Tràm, Hương Quế gần bên. Trà Đình vẫn vậy, vẫn chưa có một tiệm/ quán ăn, nói chi đến một thứ “tửu điếm” theo kiểu gọi ngày trước.
Lê Trâm