Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra đã ảnh hưởng rất nhiều đến ngành du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Đà Nẵng nói riêng. Có thể nói, “sự cố” này như một phép thử đầy thách thức để ngành du lịch thành phố có sự bứt phá, tìm các giải pháp vượt qua giai đoạn khó khăn.
Ngành du lịch thành phố cần có các kế hoạch xúc tiến, cơ cấu lại nguồn khách, phục hồi khách du lịch sau Covid-19. TRONG ẢNH: Du khách tham quan tại Hải Vân quan. Ảnh: S.K |
Thiệt hại lớn chưa thể đánh giá bằng con số
Ngay từ những ngày đầu năm mới, khi Covid-19 xảy ra, các sân bay của Trung Quốc đóng cửa cũng là lúc các đơn vị lữ hành, kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố đứng ngồi không yên vì những cuộc điện thoại, email liên tục báo hủy tour.
Anh M., giám đốc một đơn vị lữ hành chuyên khai thác thị trường khách Trung Quốc chia sẻ, bình thường dịp Tết là mùa khách đi du lịch nhưng năm nay không còn một đoàn khách nào vì tất cả các tour đặt trước đã bị hủy, các chuyến bay từ Trung Quốc đến Đà Nẵng và ngược lại đều ngừng. Do lượng khách đến Đà Nẵng sụt giảm đáng kể nên doanh nghiệp đã tạm dừng kinh doanh một số nhà hàng, cửa hàng mua sắm đặc sản, hơn 100 lao động thời vụ làm việc tại những cơ sở này cũng bị mất việc làm trước mắt.
Đến thời điểm hiện tại, chưa thể tính toán được con số thiệt hại do ảnh hưởng từ Covid-19, song theo Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, thị trường khách du lịch giảm 10-50%. Các khách đoàn và khách lẻ từ Trung Quốc vào Đà Nẵng đều bị hủy 100%. Các thị trường ở châu Á ngoài Trung Quốc cũng liên tục hủy, thậm chí việc đặt chỗ (booking) của các đoàn từ những thị trường xa như châu Âu, châu Mỹ đều báo giảm.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng phân tích: Khách lẻ hủy đặt chỗ là thiệt hại nặng nhất do khách đi lẻ hầu hết có khả năng chi tiêu cao, tự trải nghiệm tour, tuyến theo kế hoạch nên đối tượng khách này dễ dàng thay đổi hoặc hủy bỏ chuyến đi. Không chỉ khách vào mà cả khách đi nước ngoài do các đơn vị lữ hành khai thác cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các đoàn có kế hoạch đi Trung Quốc thời gian đến đều đã hủy, một số đoàn đi các nước vùng Đông Bắc Á như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) cũng tương tự. Các công ty lữ hành đang cố gắng làm việc với hãng hàng không để giảm nhẹ thiệt hại nhất có thể.
Ngoài lữ hành, các khách sạn cũng bị giảm công suất phòng. Tính toán sơ bộ, các khách sạn bị giảm công suất khai thác từ 30-40% so với cùng kỳ. Với các khách sạn 5 sao do các tập đoàn lớn khai thác thì bị ảnh hưởng ít hơn nhưng các khách sạn nhỏ hơn bị ảnh hưởng khá nhiều.
Chủ khách sạn P.D (đường Phan Châu Trinh) bày tỏ, khách sạn nằm ngay trung tâm thành phố đã là một bất lợi rất lớn so với các khách sạn ven biển, công việc kinh doanh vốn đã rất khó khăn, việc lấp kín phòng khách sạn không hề dễ dàng. Khi Covid-19 xảy ra, từ Tết đến nay chỉ có 1 đêm là được 15/75 phòng và 1 đêm 10/75 phòng, còn lại chỉ 1 - 2 phòng/đêm. Với nguồn khách ít ỏi như thế sẽ không đủ để trang trải các chi phí kèm theo nên một số khách sạn, khu, điểm du lịch cũng tính tới phương án giảm thiểu nhân sự, làm việc theo giờ nhằm giảm chi phí lương, điện, nước.
Tương tự, chị T.T, giám đốc một doanh nghiệp du lịch có trụ sở trên đường Nguyễn Chí Thanh chia sẻ, là công ty nhỏ, dù không khai thác thị trường khách Trung Quốc nhưng trong giai đoạn khó khăn chung này, các đối tác ở các thị trường nói tiếng Anh khi biết tin về Covid-19 cũng đã liên tục hủy tour, hủy chỗ khiến nguồn thu của công ty giảm đáng kể. Dù không có khách nhưng công ty vẫn phải giữ chân nhân viên, động viên nhân viên đi làm để tìm kiếm các thị trường, khách mới.
“Trong lúc khó khăn này mình không thể “bỏ rơi” người lao động, tuy nhiên công ty đã thương lượng với nhân viên cắt giảm một phần chi phí lương, cùng nhau khắc phục những khó khăn trước mắt.”, chị T. cho hay.
Cơ cấu lại thị trường khách
Trước những khó khăn chung này, đòi hỏi ngành du lịch thành phố nhanh chóng có các giải pháp để sớm khắc phục những ảnh hưởng của Covid-19 gây ra. Trong vài năm trước đây, ngành du lịch thành phố đã nhận thấy những rủi ro nhất định khi phụ thuộc vào một vài thị trường khách.
Nếu như năm 2018, top các thị trường khách quốc tế trọng điểm đến Đà Nẵng lần lượt là Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Thái Lan… thì năm 2019 có sự thay đổi vị trí do sự vươn lên của thị trường khách Thái Lan nên thứ tự lần lượt là Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ…
Trong “Kế hoạch đa dạng hóa thị trường khách du lịch quốc tế giai đoạn 2019-2021”, ngành du lịch cũng đã đề ra một số hướng đi, giải pháp, song việc triển khai vẫn còn dè dặt, chưa mang lại hiệu quả cao.
Mới đây, trong buổi làm việc với Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cho rằng: “Hơn lúc nào hết, đây là giai đoạn hết sức khó khăn của doanh nghiệp du lịch, nhưng cần coi đây là một cơ hội để cơ cấu lại nguồn khách”.
Ông Cao Trí Dũng chỉ ra rằng nên xác định các nguồn khách tiềm năng, phù hợp với thế mạnh các điểm đến Đà Nẵng và doanh nghiệp; từ đó xây dựng các sản phẩm phù hợp, có các chương trình kích cầu, đề xuất các hỗ trợ từ phía chính quyền… Ngành du lịch thành phố cũng đã có kế hoạch tái cơ cấu nguồn khách để không quá phụ thuộc vào hai nguồn khách lớn lâu nay là Hàn Quốc và Trung Quốc. Cần nhanh chóng xúc tiến vào một số các thị trường mới tiềm năng như Ấn Độ, Nga, Thái Lan…
Ngay bản thân các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố cũng đang nhanh chóng chuyển hướng tìm kiếm thị trường mới. “Một mặt vừa giới thiệu, quảng bá tới các thị trường khách nội địa về điểm đến Đà Nẵng vẫn an toàn, một mặt công ty tăng cường tìm kiếm thêm các thị trường mới từ Đông Nam Á, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc…”, ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Công ty Omega Tours cho hay.
Tương tự, phía Công ty Duy Nhất Đông Dương cũng đang tích cực vận động các doanh nghiệp lữ hành cũng như các chuyên gia tham gia buổi tọa đàm nội bộ, tìm kiếm giải pháp vượt qua khỏi khó khăn, trong đó bao gồm tìm kiếm các thị trường mới.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh, sở đã giao Trung tâm Xúc tiến du lịch phối hợp với các đơn vị liên quan, Hiệp hội Du lịch thành phố điều chỉnh kế hoạch xúc tiến du lịch năm 2020 và kế hoạch đề ra năm 2020, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế hiện nay; tham mưu giải pháp xúc tiến thu hút khách trong bối cảnh hiện nay, tập trung thị trường nội địa và thị trường khách Hàn Quốc, châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, các nước trong khu vực ASEAN… trong tháng 2-2020.
Tới đây, từ ngày 8-4 đến ngày 22-10-2020, Công ty Lữ hành Anex có kế hoạch tổ chức đón khoảng 12.000 khách du lịch Nga đến tham quan Đà Nẵng với tần suất 3 chuyến bay/tuần từ 3 thành phố lớn của Nga là thành phố Novosibirsk, Krasnoyask, Irkutsk đến Đà Nẵng. Từ ngày 14-5, hãng hàng không Vietjet Air khai thác đường bay Đà Nẵng - New Delhi (Ấn Độ), tần suất 5 chuyến/tuần, dự kiến mỗi tháng Đà Nẵng sẽ đón 3.500 khách Ấn Độ.
Trước mắt, đây sẽ là những thị trường mới bù đắp cho những khó khăn hiện tại. Sau đó, để phục hồi hoạt động du lịch, xúc tiến du lịch sau khi kiểm soát được Covid-19, ngành du lịch thành phố sẽ tích cực truyền thông điểm đến, giới thiệu các sản phẩm du lịch mới bằng cách xây dựng các bài viết, phóng sự tuyên truyền về hình ảnh điểm đến, các sản phẩm du lịch mới gửi cơ quan báo chí, truyền thông, các đối tác kinh doanh du lịch, các cơ quan quản lý du lịch tại các thị trường trọng điểm để thông báo tình hình du lịch và môi trường du lịch thành phố; có các chương trình kích cầu với sự tham gia của các sở, ban, ngành liên quan, vận động doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe, chăm sóc sắc đẹp tham gia chương trình kích cầu du lịch; làm việc và đề xuất các hãng hàng không có các chính sách ưu đãi cho khách lẻ, khách đi theo tour đến Đà Nẵng; phối hợp Hiệp hội Du lịch và các phòng, đơn vị liên quan xây dựng và triển khai kế hoạch, chương trình kích cầu du lịch…
Ngành du lịch tiếp tục triển khai kế hoạch đa dạng hóa thị trường khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng giai đoạn 2019-2021 và chương trình xúc tiến nội địa năm 2020; ưu tiên thị trường Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia; Nhật Bản, Úc, Nga, Ấn Độ… để gia tăng thu hút du khách đến Đà Nẵng.
Sở Du lịch cũng đề nghị người đại diện du lịch Đà Nẵng tại Hàn Quốc, Trung Quốc và các doanh nghiệp du lịch, các hãng hàng không cập nhật thông tin, đánh giá thị trường, dự báo tăng trưởng và đề xuất các giải pháp trong thời gian đến để duy trì thị trường khách Hàn Quốc và tham mưu giải pháp quảng bá, phục hồi và thu hút thị trường khách Trung Quốc trong thời gian đến…
Hiện Đà Nẵng có 943 khách sạn với hơn 40.000 phòng, không kể condotel (căn hộ khách sạn) và apartment (căn hộ), tính đến hết tháng 11-2019, Đà Nẵng có 50.963 nhân lực làm trong lĩnh vực dịch vụ du lịch. |
SONG KHUÊ