Hơn 20 năm qua, người dân làng Túy Loan tổ chức lễ hội đình làng Túy Loan như là một dịp để con cháu dân làng và du khách gần xa về tham dự hiểu thêm một vùng đất, một phong tục truyền thống tốt đẹp đang được gìn giữ ngay trên chính quê hương mình. Nhưng, làm sao để lễ hội trở thành một sự kiện được người dân nhiệt tình tham gia và tạo sự gắn kết cộng đồng thì vẫn cần đến sự quan tâm của chính quyền và các chư phái tộc trong làng.
Hô hát bài chòi luôn được người dân hưởng ứng tham gia đông đúc. Ảnh: Ngọc Hà |
Cứ vào ngày mồng 9, 10 tháng Giêng hằng năm, khi kỳ nghỉ Tết vừa kết thúc thì người dân xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang lại tất bật, chộn rộn chuẩn bị lễ hội đình làng Túy Loan. Có lẽ năm nay là một năm khá đặc biệt, bởi công tác chuẩn bị đã được chính quyền và người dân hoàn tất, sẵn sàng chính thức khai lễ thì phải hoãn lại do dịch bệnh virus Corona mới. “Dù phần hội không diễn ra nhưng lễ cúng dâng hương đầu năm vẫn thực hiện đúng nghi thức để tưởng nhớ các vị tiền hiền tộc họ đã có công khai dựng, lập làng”, ông Ngô Văn Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong cho biết.
Theo những người lớn tuổi trong làng, làng cổ Túy Loan đã có trên 500 năm, đình làng cũng có trên 100 năm. Trải qua bao thăng trầm, đình Túy Loan tuy không còn giữ được nguyên trạng nhưng vẫn còn vẻ uy nghi vốn có. Hằng năm, cứ vào dịp mồng 9 Tết, người dân các thôn trong làng lại thay phiên nhau đứng ra tổ chức lễ hội. Năm nay dù có thông báo hoãn tổ chức lễ hội đến giờ phút chót, nhưng công tác chuẩn bị đã được dân làng Túy Loan chuẩn bị chu đáo từ sớm. Đây cũng là dịp dân làng trang hoàng, dọn dẹp vệ sinh thôn xóm thêm khang trang, sạch sẽ.
Gặp chúng tôi trong những ngày hoàn tất các công đoạn cuối cùng cho lễ hội, ông Đặng Nga, Trưởng ban tổ chức cũng là Trưởng tộc Đặng phái nhì Túy Loan cho biết: “Làng Túy Loan hiện còn 3 thôn gồm Túy Loan Đông 1, Túy Loan Đông 2 và Túy Loan Tây; mỗi năm làng luân phiên cử một thôn làm ban tổ chức lễ hội. Năm nay đến lượt thôn Túy Loan Đông 1. Ngay từ cuối năm cho đến Tết, trưởng ban đã đi vận động bà con dọn dẹp vệ sinh, trang trí đèn điện, cờ hoa và vận động người dân đóng góp kinh phí tổ chức”.
Theo ông Nga, cái khó của khâu tổ chức lễ hội đình làng là người dân bây giờ ít quan tâm hơn, nên việc vận động kinh phí cũng khó hơn bởi họ không nhận được lợi ích gì từ việc tham gia lễ hội ngoài gìn giữ truyền thống của làng. “Mỗi lễ hội diễn ra hằng năm tiêu tốn hết khoảng 160 triệu đồng, trong đó huyện, xã đầu tư 50%, còn 50% còn lại là do người dân đóng góp. Do kinh phí hạn hẹp nên khâu tổ chức cũng mới ở phạm vi nhỏ. Đặc biệt, lễ hội đã tổ chức 21 năm nên trang phục đã cũ và cần phải mua sắm mới như nón, áo quần rước sắc. Trước đây, đình làng bắt dây điện âm nên bây giờ đã bị hỏng nặng và cần bắt mới lại toàn bộ”, ông Nga chia sẻ.
Theo ông Đặng Nga, để lễ hội thực sự tạo sự hưng phấn, phấn khởi cho người dân, do lễ hội diễn ra trong phạm vi hạn hẹp về mặt không gian lẫn thời gian nên ít nhiều đã ảnh hưởng đến cảm xúc người tham gia. Bởi vậy, có thể đưa phần hội lên trước rồi mới đến phần lễ sau thì sẽ thong thả hơn; hoặc chuyển sang tổ chức 3 năm một lần thay vì mỗi năm một lần như hiện nay để có thời gian đầu tư tốt hơn. Bên cạnh đó, cần mời đại biểu các làng, di tích dự tiệc thân mật nhằm giao lưu, tạo sự đoàn kết cho cộng đồng.
Bà Nguyễn Thị Phương Ngân, Phó phòng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang cũng cho rằng, đến nay huyện vẫn chưa thể khai thác khách tour tham gia lễ hội vì cơ sở vật chất vẫn còn thiếu; hiện mới chỉ làm cầu tàu đón khách du lịch đường sông trước đình làng Túy Loan. Khi nào các hạng mục khác hoàn chỉnh và đồng bộ thì mới đưa vào khai thác phát triển tuyến du lịch đường sông từ cửa sông Hàn đến đình làng Túy Loan, làng văn hóa sinh thái Thái Lai.
Còn ông Nhân cũng cho biết, trong phương hướng phát triển kinh tế của xã có chú trọng đến yếu tố phát triển du lịch sinh thái, làng nghề phối hợp với lễ hội đình làng và trải nghiệm trồng rau tại hợp tác xã trồng rau an toàn Túy Loan. Hằng năm, vườn rau Túy Loan cũng đã đón hàng ngàn học sinh trên địa bàn thành phố về tham quan và trải nghiệm trồng rau. Ngoài ra, du khách cũng có thể ghé thăm một số di tích, danh thắng trên địa bàn xã như chùa Hương Quan, Thánh thất Cao Đài, làng nghề bánh tráng.
Trong năm nay, huyện Hòa Vang cũng đã đưa vào đầu tư bổ sung các hạng mục hạ tầng kỹ thuật tại bến Túy Loan như nhà chờ khách, khu nhà vệ sinh, quầy bán vé, cải tạo lại bậc cấp, lát nền cầu tàu và cải tạo cảnh quan khu vực cầu tàu. Hy vọng với sự quan tâm đầu tư này, trong thời gian tới, huyện sẽ kết nối tour đưa khách tham quan đường sông với việc tham dự lễ hội đình làng Túy Loan; từ đó đẩy mạnh quảng bá văn hóa truyền thống và ẩm thực của làng quê Túy Loan đến với du khách trong và ngoài nước, góp phần nâng cao chất lượng chương trình lễ hội đình làng Túy Loan ngày càng phong phú, đa dạng và giàu bản sắc dân tộc hơn.
Đoàn Hạo Lương