Xà cạp làm của hồi môn

.

Để chuẩn bị cho ngày về nhà chồng, người con gái Bh’noong có khi mất cả tháng miệt mài bên khung dệt để dệt nên tấm xà cạp làm của hồi môn. Nhìn vào chiếc xà cạp có thể đánh giá và đoán được sự khéo léo, tinh tế, nết na của người con gái.    

Thiếu nữ dân tộc Bh’noong với chiếc xà cạp màu đen.  Ảnh: N.V.S
Thiếu nữ dân tộc Bh’noong với chiếc xà cạp màu đen. Ảnh: N.V.S

Bà Hồ Thị Lùn (60 tuổi), dân tộc Bh’noong ở thôn 2, xã Phước Chánh, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam cho biết, theo truyền thống của người Bh’noong, muốn đánh giá sự chăm chỉ, đảm đang, khéo léo của phụ nữ thì phải nhìn chính các sản phẩm dệt của họ. Các chàng trai dân tộc Bh’noong khi chọn vợ là nhìn vào xà cạp của các cô gái. Chiếc xà cạp là lễ vật được chính tay người con gái dệt nên và trao cho gia đình chàng trai mà họ chọn lựa nên duyên.

Bà Lùn còn kể, theo quan niệm người Bh’noong, nếu “củi hứa hôn” tượng trưng cho ngọn lửa soi sáng, ấm áp thì chiếc xà cạp biểu thị sự ấp ủ, nương náu trong tình yêu của những chàng trai, cô gái. Cùng với “củi hứa hôn”, chiếc xà cạp thể hiện đức tính chịu thương chịu khó, khéo léo, giỏi giang của người con gái Bh’noong; đem đến sự ấm áp, sung túc cho mái ấm gia đình.

Ngày xưa, khi nghề dệt của người Bh’noong chưa phát triển, đồng bào thường dùng nguyên liệu tự tạo từ cây, cỏ, lá, hoa của rừng núi. Dần dà, đồng bào trồng bông dệt vải thổ cẩm phục vụ nhu cầu ăn mặc cho bản thân và gia đình. Sợi bông tự nhiên màu trắng. Để tạo màu, phụ nữ Bh’noong lấy màu xanh của lá, màu vàng của nghệ, màu đỏ thẫm từ bồ kết giã trộn một số vỏ cây, rễ, củ, tro bếp, ốc đá để thành màu nâu, màu đen…

Đồng bào dân tộc Bh’noong phát triển nghề dệt với khung dệt khá thô sơ, chỉ dệt được vải khổ hẹp. Đây là công việc chủ yếu do phụ nữ đảm nhiệm. Ngày trước, tầm 7 - 10 tuổi, cũng như các cô bé khác, bà Lùn được mẹ và bà hướng dẫn dệt vải. Khi 15 tuổi trở lên, bà đã thành thạo các công đoạn dệt. Song, từ những tấm thổ cẩm bình thường để trở thành áo, khố, váy đến những tấm dồ đôi dài, rộng 2-3 mét, dày, đẹp là cả quá trình đòi hỏi sự nhẫn nại, chịu khó, tỉ mỉ, khéo léo của người phụ nữ. Do đó, thế hệ phụ nữ Bh’noong đi trước truyền đạt kinh nghiệm lại cho thế hệ đi sau trong gia đình và dòng họ.

Khi được hỏi về sự ra đời của xà cạp, bà Lùn bảo một phần xuất phát từ cái lạnh của núi rừng Trường Sơn. Trong sinh hoạt hằng ngày và trong các dịp lễ hội truyền thống, phụ nữ Bh’noong thường mặc loại váy ống tương đối rộng và chiếc áo ngắn tay sát nách. Khi mùa đông Trường Sơn tràn về, họ đắp thêm tấm vải thổ cẩm lớn để giữ ấm cơ thể.

Bên cạnh đó, nhằm bảo vệ đôi chân khỏi bị côn trùng tấn công mỗi khi lên rẫy hay vào rừng hái nấm, bẻ măng, phụ nữ Bh’noong đã nghĩ ra cách dệt tấm vải thổ cẩm để quấn chân. Cùng với trang phục truyền thống, chiếc xà cạp được dệt từ một mảnh thổ cẩm bằng sợi bông màu trắng hoặc màu chàm đen liền nhau, có chiều rộng khoảng 23 - 25cm và dài khoảng 45 - 50cm.

Khi quấn xà cạp, phụ nữ Bh’noong dùng một đầu xà cạp ép vào cổ chân rồi quấn quanh ống chân liên tiếp 3 vòng tại vị trí cũ để giữ mối cho chặt; sau đó quấn hơi chéo dần lên phía gần đầu gối, mép vải sau đè lên mép vải trước một ít. Đến khi hết vải thì dùng một dây vải nhỏ buộc lại để giữ chặt không cho xà cạp tuột ra. Vải được gấp mép và khâu lại để làm cho sợi khỏi bị xổ. Ở phía dưới của cổ chân, nơi tiếp giáp với xà cạp, dọc theo chiều dài của tấm thổ cẩm là những sợi màu tím, xanh, vàng.

Theo quan niệm của người Bh’noong, xà cạp quấn chân làm cho thân hình phụ nữ trở nên gọn gàng, kín đáo. Trong các lễ hội truyền thống, đôi khi nhằm tạo tính thẩm mỹ cho chiếc xà cạp, phụ nữ Bh’noong còn đeo nhiều vòng cườm các màu để tạo vẻ đẹp hài hòa và sức hấp dẫn.

Các cô gái Bh’noong không quên chưng diện chiếc xà cạp để làm tăng thêm vẻ đẹp cho bộ trang phục truyền thống đặc trưng của dân tộc mình. Xà cạp là một phần quan trọng góp phần tạo  nên vẻ đẹp trang phục lễ hội của phụ nữ. Nó còn biểu tượng cho phẩm chất cao đẹp của phụ nữ dân tộc Bh’noong.

Theo thời gian và sự phát triển của cuộc sống, ngày nay, nguyên liệu dệt nên những tấm thổ cẩm và chiếc xà cạp của phụ nữ Bh’noong là các loại sợi, chỉ đủ màu sắc được làm sẵn, nhưng công đoạn dệt vẫn thế, với khung dệt thủ công bằng mấy đoạn gỗ, tre.

Váy, áo ngắn tay sát nách không còn là trang phục thường ngày, mà chỉ thấy phụ nữ mặc vào những dịp lễ hội và chiếc xà cạp không được xem là “hồi môn” của thiếu nữ khi lấy chồng. Nhưng phụ nữ Bh’noong vẫn gắn bó miệt mài với khung dệt, say sưa trong những lúc rảnh rỗi, khi nông nhàn, để có những bộ trang phục đẹp và tấm thổ cẩm lớn đắp làm chăn hay tạo ra những tấm xà cạp trong mùa đông lạnh.

Nếu có dịp đến huyện vùng cao Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam), sẽ không khó để chiêm ngưỡng những chiếc xà cạp của phụ nữ dân tộc Bh’noong vùng này. Những nét tiêu biểu, đặc trưng của xà cạp cũng như những trang phục truyền thống của phụ nữ Bh’noong là sự kết hợp hài hòa, làm nên bản sắc văn hóa của tộc người Bh’noong trên vùng Trường Sơn - Tây Nguyên.

Nguyễn Văn Sơn
 

;
;
.
.
.
.
.