Trong khoảng 3 năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp và người buôn bán nhỏ ở Đà Nẵng xem thương mại điện tử (TMĐT) là kênh quảng bá, tiếp thị và bán hàng tiện lợi. Tuy nhiên, trong quá trình mua - bán sản phẩm trực tuyến, vẫn còn đó những bất cập cần giải quyết để đưa TMĐT trở thành kênh bán hàng chuyên nghiệp, có chất lượng và uy tín trên thị trường.
Với dịch vụ thu hộ COD, Viettel đã và đang là đơn vị thúc đẩy thương mại điện tử phát triển ở Đà Nẵng. Ảnh do Viettel cung cấp |
Thương mại điện tử là xu thế tất yếu
Theo thống kế từ Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng, tính đến cuối năm 2019, có hơn 400 doanh nghiệp (DN) hội viên vận hành trang thông tin điện tử. Dù vậy, nhiều trang tin chỉ mới tập trung vào việc giới thiệu các dòng sản phẩm, hoạt động của công ty; tính thương mại, mua - bán còn hạn chế.
Lãnh đạo một DN chuyên về lĩnh vực cơ khí, chế tạo máy thừa nhận rằng, số lượng truy cập hằng ngày vào trang điện tử của DN không cao, ít khách hàng mới, chủ yếu là đối tác, khách hàng mà trước đó họ đã làm việc trực tiếp.
Để hỗ trợ DN tiếp cận với lĩnh vực TMĐT, nhiều năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố xây dựng, vận hành sàn giao dịch trực tuyến thiết bị và công nghệ Đà Nẵng, miễn phí cho thành viên tham gia, có tên techmartdanang.vn.
Sàn giao dịch này có 43 danh mục tương ứng với 43 dòng sản phẩm để khách hàng lựa chọn, tham khảo, như: bao bì và giấy, cao su, nhựa, hóa chất, may mặc, cơ khí, y tế, nội thất, phụ kiện, đồ thủ công…
Để làm tốt vai trò kết nối, Sở Khoa học và Công nghệ yêu cầu mỗi DN khi tham gia sàn giao dịch trực tuyến phải cung cấp đầy đủ thông tin về DN, đặc biệt về hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cung cấp. Ngoài ra, DN khi tham gia còn được tiếp cận những thông tin hữu ích như chính sách phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, giải pháp xây dựng và phát triển công nghệ mới vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tính đến thời điểm này, sàn có 7.959.060 lượt người truy cập.
Anh Nguyễn Văn Đức (phường Hải Châu 2, quận Hải Châu) cho biết anh là một chủ thầu xây dựng nhỏ, do đó việc tìm kiếm nguồn hàng chất lượng, phù hợp với nhu cầu là vô cùng cần thiết. Tùy theo yêu cầu của chủ nhà, anh Đức sẽ khảo sát dòng sản phẩm phù hợp.
“Đối với tôi, trang techmartdanang.vn khá tiện ích, ngoài nguồn dữ liệu tập trung, có điều kiện so sánh giá, hỗ trợ tìm kiếm nhanh, tiết kiệm thời gian, tôi cũng giảm đi nỗi lo về hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng so với những trang mua bán trôi nổi khác”, anh Đức nói.
Dù chọn phương pháp mua - bán trực tuyến nhưng nhiều người vẫn giữ thói quen trả tiền mặt sau khi nhận hàng. Theo một khảo sát mới đây của Hiệp hội TMĐT (VECOM), 90% người mua hàng qua mạng chọn trả tiền mặt sau khi nhận hàng, chủ yếu qua dịch vụ giao hàng thu tiền hộ COD (cash on delivery).
Điều này thể hiện thói quen tiêu dùng của người Việt: cầm hàng cho chắc tay rồi mới trả tiền. Đồng thời, nó cũng phản ánh sự e ngại mua phải hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, không đúng như quảng cáo ban đầu trên hệ thống TMĐT.
Để khuyến khích TMĐT phát triển, nhiều sàn TMĐT đưa ra chính sách đổi trả hàng hóa. Đơn cử, tại Shopee, ngoài hợp tác với các ngân hàng mang đến ưu đãi cho người dùng khi chọn thanh toán thẻ, sàn giao dịch này cũng đã tích hợp cùng AirPay (một ứng dụng ví điện tử trên di động) ra đời phương thức thanh toán mới với tên gọi Ví AirPay ngay trên ứng dụng mua sắm Shopee. Trong khi đó, đối với Lazada, khách hàng nếu không ưng ý khi nhận sản phẩm, có thể đổi trả trong thời gian dưới 15 ngày kể từ ngày nhận hàng…
Ông Nguyễn Hà Bắc, Giám đốc Sở Công thương cho biết, với mua bán trực tuyến, quy luật đào thải của thị trường khốc liệt hơn các hình thức mua bán khác. Vì nó thể hiện thông tin công khai trên một số giao dịch, nếu đây là những phản hồi tiêu cực, thì sức ảnh hưởng đến uy tín của DN càng lớn.
“Để TMĐT ngày càng phát triển, bên cạnh bảo đảm chất lượng hàng hóa đưa lên sàn, các DN cần khuyến khích người mua sử dụng dịch vụ thanh toán qua thẻ. Trong đó, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra thói quen tiêu dùng của người Việt. Trong tương lai gần, TMĐT là xu thế tất yếu, thích ứng với thời đại số hóa và thanh toán điện tử cũng không nằm ngoài xu thế chung đó”, ông Bắc nói.
Tạo uy tín bằng sản phẩm chất lượng
Dù TMĐT được đánh giá là con đường ngắn nhất để DN tiếp cận khách hàng, thông qua nguồn sản phẩm phong phú, nhưng trên thực tế, việc giao dịch, mua bán hiện nay vẫn ở mức độ nhỏ, lẻ, chưa khai thác hết tiềm năng vốn có của TMĐT. Ông Phạm Kim Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng, cho biết hiện nay phần lớn DN ở Đà Nẵng có quy mô vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính không đủ mạnh để đầu tư chuyên sâu vào lĩnh vực TMĐT.
Đơn cử, với mỗi bảng tin được quảng cáo trên mạng xã hội facebook, chủ doanh nghiệp phải trả phí gần 500.000 đồng. Nếu ngày nào cũng đưa sản phẩm lên quảng cáo, thì kinh phí này rất lớn. Ngoài ra, chi phí giao nhận (logistics) hiện nay khá cao, chiếm gần 30% giá trị sản phẩm khiến không ít DN có thói quen mua bán truyền thống e ngại mất nguồn khách bình dân nếu đẩy giá thành sản phẩm lên cao. Để bù đắp cho nguồn kinh phí phải bỏ ra, trước hết DN cần tạo được một nguồn khách hàng ổn định, thông qua sản phẩm chất lượng, mẫu mã tốt, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.
“Với thương mại điện tử, chỉ cần thao tác trên điện thoại, máy tính, bạn có thể dễ dàng mua những món hàng ưa thích” . Minh họa: Internet |
Thông tin từ Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thành phố Đà Nẵng (BVQLNTD) - trực thuộc Sở Công thương cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, đơn vị tiếp nhận và xử lý khoảng 10 vụ việc liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng, như: chất lượng sản phẩm, chế độ bảo hành, giải quyết khiếu nại khi sản phẩm gặp lỗi… Qua đó, Hội tiến hành tư vấn cách thức khiếu nại, liên hệ tổ chức, cá nhân bị khiếu nại, tổ chức hòa giải hoặc chuyển cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý đối với các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Thời gian qua, thông qua công tác tư vấn, giải quyết khiếu nại cùng các hình thức tuyên truyền khác về quyền lợi người tiêu dùng, người dân đã ý thức hơn về quyền và nghĩa vụ khi mua hàng, chủ động liên hệ Hội BVQLNTD thành phố cũng như các Chi hội BVQLNTD địa phương, yêu cầu Hội tư vấn hòa giải khi có tranh chấp với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Nhiều tổ chức, cá nhân cũng thông qua Tổng đài dịch vụ công 1022 hoặc Ứng dụng Góp ý của UBND thành phố để phản ánh những vấn đề liên quan đến mua bán trực tuyến.
Đồ họa: THANH HUYỀN |
Ông Nguyễn Hà Bắc đánh giá TMĐT hiện nay đang là mô hình kinh doanh có mức tăng trưởng mạnh mẽ, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế hiện đại nhờ phát huy thế mạnh công nghệ số hóa, tạo tiện lợi người tiêu dùng bận rộn. Với sức lan tỏa mạnh mẽ, trong thời gian đến, TMĐT sẽ trở thành kết cấu hạ tầng quan trọng của lĩnh vực thương mại Việt Nam.
Chính vì vậy, công tác bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực TMĐT, tiêu biểu như việc quản lý các trang thương mại trực tuyến, các mạng xã hội kinh doanh TMĐT là một nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan quản lý Nhà nước. “Khi người tiêu dùng nắm rõ quyền lợi của mình, thì các công ty có sản phẩm trên sàn giao dịch trực tuyến sẽ phải có trách nhiệm hơn trong việc chào bán sản phẩm, từ đó thúc đẩy TMĐT phát triển theo hướng đôi bên cùng có lợi”, ông Bắc đúc kết.
Tiểu Yến