Những câu thoại: “Alo, dạ chị ơi, em bên giao hàng đây, chị có ở số nhà… đường… không ạ? “Có, chị đang ở nhà đây, em giao đến đi”… đã trở nên rất phổ biến trong thời đại ngày nay.
Mua sắm qua mạng đã len lỏi vào từng ngõ ngách trong đời sống người Việt. Ảnh: Q.T |
Làm quen và… ghiền
Chỉ cách đây vài năm thôi, khái niệm “mua hàng qua mạng” dường như là đặc quyền của người trẻ, những người am hiểu về công nghệ, không quá tỉ mỉ trong cách chọn món hàng. Giờ đây, những người lớn tuổi cũng bắt đầu tỏ ra thích thú với việc mua hàng qua mạng, không chỉ mua món hàng “tĩnh” (có sẵn hình ảnh, niêm yết giá-PV) mà còn mua hàng “động” (mua livestream trên mạng). Một người bạn của tôi kể, bạn không ngờ có ngày người mua đồ qua mạng nhiều nhất trong nhà lại là… mẹ bạn.
Tần suất shipper (người giao hàng) đến nhà và gọi “Cô Tuyết Trần (nick facebook của mẹ bạn-PV) ơi, mời cô ra nhận hàng” đã tính theo tuần, thậm chí vài ba hôm/lần. “Mẹ mình 51 tuổi, cũng dùng điện thoại thông minh nhưng chỉ dừng ở… nghe và gọi điện thoại. Đến ứng dụng nhắn tin cũng rất ít khi dùng đến. Mẹ bảo do chữ nhỏ và phải bấm dấu nọ kia phiền quá.
Vậy mà hơn 1 năm trở lại đây, mẹ biết chơi facebook, zalo, rồi mua sắm trên mạng. Có hôm mình đang xem livestream ở một trang bán hàng trên facebook thì thấy nick mẹ hiện lên: “Tuyết Trần đang xem với bạn”, mình phì cười luôn”, bạn hài hước kể.
Mẹ bạn tôi chỉ là ví dụ nhỏ trong bức tranh mua bán thương mại điện tử hiện nay. Nói đâu xa, mẹ tôi cũng không ngoại lệ. Hai mẹ con có nick facebook của nhau, không ít lần, tôi thấy mẹ để lại bình luận dưới những trang bán quần áo hay dụng cụ nhà bếp.
Thời gian đầu mới “chập chững” mua hàng qua mạng, mẹ cũng gặp nhiều phen mua phải hàng “treo đầu dê, bán thịt chó”. Có lần, bực tức quá, mẹ bảo: “Thôi, mẹ thề không mua hàng qua mạng nữa, chơi chi mà đăng hình một đằng, bán một nẻo!” Mới nghe mẹ thề thốt đây mà vài ngày sau lại thấy shipper đến nhà gọi: “Cô H ơi, mời cô ra nhận hàng”. Đối diện với ánh mắt thắc mắc của tôi, mẹ cười xòa: “Bữa nay mẹ… khôn rồi, mẹ chỉ chọn mua ở những cửa hàng cho xem hàng trước thôi!”.
Không chỉ mua những mặt hàng quần áo, dụng cụ nhà bếp qua mạng mà hiện tại, cả những đồ điện tử có giá trị lớn như ti-vi, tủ lạnh, điều hòa…, nhiều người cũng mua qua mạng. Lại kể chuyện nhà bạn tôi. Bạn kể mẹ bạn vốn là người rất cẩn thận, tỉ mỉ. Mỗi khi mua một món hàng nào, bà lật trước, lật sau xem đến… nát nước.
Nếu là quần áo thì coi kỹ từng đường kim mũi chỉ, từng vạt áo, cái nút. Đồ càng giá trị, bà soi xét càng kỹ. Có khi phải đi qua 3, 4 tiệm khảo sát rồi mới mua. Tóm lại, bà là điển hình cho lối mua sắm “sờ nắm tận tay mới hay thế nào” của người Việt. Vậy mà mới đây, bà đặt mua cái ti-vi Sony 15 triệu đồng… trên mạng.
Khi thấy anh shipper chở ti-vi đến rồi lắp đặt, cả nhà bạn mới ngỡ ngàng. Hỏi bà, bà tỉnh queo: “Mấy con yên tâm đi, mẹ đặt mua chiếc ti-vi này trên Tiki (1 trang web mua hàng trực tuyến-PV). Trang này bán hàng được lắm, giá rẻ hơn ngoài cửa hàng, giao hàng nhanh, và chế độ bảo hành cũng tốt lắm!”.
“Sau đợt “mở hàng” cái ti-vi, những thứ về sau này như máy nấu sữa hạt, máy ép rau củ, máy làm tỏi đen… mẹ mình đều đặt mua trên mạng. Bà giữ lại giấy tờ bảo hành, có vấn đề gì, bà cũng là người trực tiếp gọi điện cho bên bán hàng. Bà bảo, giờ mẹ thích mua đồ qua mạng hơn ra chợ hay siêu thị nữa.
Vì mọi sản phẩm, mặt hàng đều có thể đặt mua qua mạng, từ cái váy đầm đến vé xem phim, từ quyển sách đến đôi dép, rồi sữa rửa mặt, bông tẩy trang, thậm chí đến cả dịch vụ thông tắc bồn cầu cũng có thể gọi thợ qua mạng! Tiện đến thế là cùng!”, bạn kể.
Người trẻ chuộng mua sắm qua mạng
Là một bà mẹ đang nuôi con nhỏ ở nhà, Mai Phương (28 tuổi, trú phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) cho hay, mua sắm qua mạng ra đời không chỉ tạo cơ hội mua sắm giản đơn hơn trước mà còn đem lại hiệu quả… giải trí cho những người mẹ quẩn quanh ở nhà với con cái như cô. “Ông bà nội, ngoại đều ở xa, chồng đi làm từ sáng đến tối, những khi hết tã, sữa, xà phòng, khăn xô… cho bé, mình đều phải điện thoại nhờ người này người kia mua giúp, hoặc ráng nín nhịn đợi đến tối chồng về thì tranh thủ chạy đi mua.
Đó là hồi cách đây 3 năm, khi mới sinh bé đầu. Giờ thì phải nói quá tiện lợi luôn. Chỉ cần vài cú click điện thoại là shipper giao đến tận nhà, không thiếu bất cứ thứ gì. Mua trên mạng còn thêm một cái lợi đó là mình sẽ so giá vài ba cửa hàng rồi mới chọn lựa. Tính ra, tiết kiệm được khối tiền!”, Phương nói.
Mua sắm qua mạng là “gia vị” không thể thiếu trong đời sống của người trẻ hiện nay. Nhóm chị em công sở thay vì đến cửa hàng/chợ mua sắm sau giờ tan sở thì có thể đặt mua rau, thịt, cá… trên mạng, shipper giao đến tận cơ quan.
Chị Xuân Trinh (công tác tại một cơ quan báo chí trên địa bàn) kể, chị thường mua rau củ trên trang facebook Tạp hóa Vũ Mai. Trang bán hàng này do một chị bên Sở Văn hóa-Thể thao Đà Nẵng lập ra để bán rau củ sạch. Người mua cũng hầu hết là các chị em ở văn phòng sở. Tôm, cá, mực… thì chị mua ở trang facebook Chuỗi cung ứng hải sản sạch Đà Nẵng; thịt thì đặt mua ở các cửa hàng thực phẩm sạch, giao tại nhà.
“Nói chung hiện tại mình gần như không có nhu cầu đi mua sắm ở cửa hàng nữa. Giờ đến cả thứ nhỏ nhất như hộp khăn giấy lau bếp mình cũng đặt qua mạng cho rẻ và tiện. Nhất là trong mùa dịch này, việc thân thuộc với mua sắm qua mạng khiến cho cuộc sống của mình và gia đình hầu như không xáo trộn nhiều”, Trinh nói.
Giờ nghỉ trưa ở văn phòng, vài cô gái trẻ xúm xít vào một màn hình điện thoại, tíu tít bàn tán chọn món hàng gì đó; hay tranh thủ giờ nghỉ trưa, những cô nàng sợ nắng lại mua quần áo, mỹ phẩm thông qua các trang livestream bán hàng. Chị Ngọc Đoan (chủ cửa hàng hoa tại chợ Hàn) chia sẻ, bán buôn từ sáng đến chiều tối nên chị hầu như không có thời gian đi mua sắm tại cửa hàng.
Chị thường tranh thủ buổi trưa vắng khách để mua quần áo trên livestream cho tiện. Nhưng không phải bạ đâu mua đó mà chỉ mua ở 1, 2 trang quen thuộc, tránh trường hợp nhìn trên màn hình thì lung linh nhưng đến khi nhận hàng thì gặp phải… của ôi của rẻ.
“Như dịp Tết vừa rồi, tôi bận tối mắt. Đến tận 27, 28 tháng Chạp mà vẫn chưa có thời gian đi mua sắm gì cho mình, cho con. Nhưng tôi vẫn không quá lo lắng vì vẫn có cách mua đồ qua livestream. Những người bán hàng này cũng hiểu giờ rảnh của chị em phụ nữ là giờ trưa hoặc tối nên tầm thời gian đó mới “lên sóng”. Vậy là tôi canh mua từ 12 giờ trưa đến 2 giờ chiều. Chỉ 2 tiếng đồng hồ là mua đủ quần áo cho mẹ, cho con. Không chỉ quần áo, mỹ phẩm, tôi còn đặt mua bò khô, thịt ngâm mắm, mực rim, bánh mứt trên livestream luôn. Quá tiện lợi!”, chị kể lại.
Mua sắm qua mạng ngày nay không chỉ nhanh và tiện, mà còn bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho người mua hàng. Như chị Xuân Trinh kể, chị thường mua sắm đồ dùng gia đình trên các trang mua hàng trực tuyến như: Tiki, Shopee, Lazada… vì ở những trang này có nhiều chính sách miễn phí vận chuyển khá tiết kiệm.
Ngoài ra, để phục vụ các “thượng đế” của mình, hiện các trang mua sắm qua mạng có chính sách bảo hành, trả hàng/hoàn tiền khá hợp lý, đỡ hơn rất nhiều nếu đi mua trực tiếp phải di chuyển đi về, mất nhiều công sức và thời gian.
Thực tế, khi thấy một cô nàng/anh chàng nào chăm chú lướt ngón tay trên màn hình điện thoại thông minh thì đó không phải là những người trẻ đang bị đắm chìm trong thế giới ảo, mà là những người biết tận dụng công nghệ để chuẩn bị cho cuộc sống thực.
Cứ thế, dòng chảy cuộc sống mỗi ngày như đi làm, đi học, đi chơi dường như chưa từng gián đoạn bởi các hoạt động mua sắm. Thương mại điện tử đã len lỏi vào từng ngách nhỏ của cuộc sống từ lúc nào mà ta không hay.
Quỳnh Trang