Nguy cơ từ buôn bán động vật hoang dã

.

Các chuyên gia bảo tồn cho rằng, Covid-19 có khả năng bắt nguồn từ một chợ động vật hoang dã ở Trung Quốc sẽ là bước ngoặt trong việc kiềm chế hoạt động buôn bán động vật hoang dã trên toàn cầu để tránh nguy cơ tuyệt chủng và dịch bệnh tràn lan.

Buôn bán động vật hoang dã trái phép ở Myanmar.
Buôn bán động vật hoang dã trái phép ở Myanmar.

Adam Peyman, người đứng đầu tổ chức bảo vệ động vật Humane Society International, bước vào một nhà hàng ở Đông Nam Á đã rất ngạc nhiên khi có rất nhiều tên động vật có nguy cơ tuyệt chủng trong thực đơn như cá đuối gai độc, nhím, rùa mai mềm, heo và dê hoang dã… Ông nói rằng thực sự ngạc nhiên khi nhìn thấy những thực phẩm này trên thực đơn nhưng đó được coi là một thứ xa xỉ.

Thưởng thức động vật hoang dã đã trở thành chỉ dấu cho địa vị và giàu có ở một số nước châu Á. Chính sở thích dùng động vật hoang dã như là thực phẩm hay là thuốc chữa bệnh đã khiến buôn bán bất hợp pháp xảy ra ở khắp nơi, tạo ra cơ hội sinh sôi nảy nở bệnh tật và virus lây từ vật sang người. Vị đứng đầu tổ chức Humane Society International phân tích thêm: “Việc tiêu thụ động vật hoang dã, nhất là những loài có vú, mang lại mầm bệnh rất lớn, đe dọa thực sự cho sức khỏe con người. Quá khó để biết những con vật này được đánh bắt một cách hợp pháp hay được nhập lậu để bán tại các chợ tươi sống”.

Chợ tươi sống là cảnh tượng quen thuộc ở nhiều quốc gia Đông Nam Á và nhất là Trung Quốc đại lục. Ở đó, mọi người bán cá, gà, động vật hoang dã cũng như trái cây, rau quả tươi. Họ lấy nước đá để duy trì độ tươi cho động vật và trái cây để rửa các vết máu của động vật bị giết chết. Giáo sư Andrew Cickyham, Phó Giám đốc khoa học, Hiệp hội động vật London, cho biết chợ tươi sống là “quả bom nổ chậm” cho dịch bệnh. Cách mà con người đối xử với động vật như thế thì tới lúc chúng sẽ quay lại “cắn” chúng ta là không có gì để ngạc nhiên cả.

Covid-19 đã cướp đi hàng chục nghìn sinh mạng trên toàn thế giới mà cho tới nay nguồn gốc lây lan từ động vật hoang dã vẫn là một giả thuyết. Các nhà khoa học thế giới trong nhiều thập niên chú ý vào sự bùng phát các dịch bệnh bắt nguồn từ động vật như Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) và Ebola. Nên nhớ dịch SARS năm 2002 cũng xuất phát từ Trung Quốc với nguồn lây nhiễm từ dơi và cầy hương. Thông điệp từ Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã có trụ sở tại New York (Mỹ) nói rõ cấm các chợ tươi sống buôn bán động vật hoang dã, ngăn chặn nạn buôn lậu và săn bắn trái phép để không chỉ ngăn ngừa dịch bệnh mà còn tránh nguy cơ tuyệt chủng.

Trước khi Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán thì chính quyền Trung Quốc dự định sẽ đưa ra luật cấm nuôi và tiêu thụ động vật hoang dã vào cuối năm 2020. Hàng nghìn trang trại động vật hoang dã như nhím, cầy hương và rùa đã bị đóng cửa nhưng vẫn còn sơ hở ở chỗ động vật hoang dã dành cho y học và nghiên cứu khoa học. Trước đây, hổ và báo bị săn bắn vì nhu cầu y học và giờ đây tê tê là đối tượng chính do vảy của nó dùng làm thuốc và móng chân làm đồ trang sức. Các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã kêu gọi mọi người hãy gạt bỏ các nhu cầu về ăn uống, khoa học để cứu thế giới khỏi những đại dịch như SARS, MERS và Covid-19 trong tương lai.

ANH THƯ (theo BBC)

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
  • Bệnh viện thú y Funpet Quận 2
.
.
.