Tôi ghé tiệm bánh của bà lão này (ảnh) không phải vì muốn mua bánh mà vì muốn trò chuyện với bà. Bà đang ngồi trước cửa nhà và đang cán bột để làm vài loại bánh truyền thống của địa phương. Một bà lão dễ thương, cô bạn đi cùng bảo vậy. Nói dễ thương là bởi bà rất xởi lởi.
Căn nhà mà bà đang ở thuộc kiểu nhà đặc trưng của bà con người Chăm vùng sông nước Đa Phước. Nó là nhà sàn, cắm chân xuống nước, phần trước nối liền với đường giao thông. Mái nhà thấp, trên lan can bên hông nhà, trên các chấn song cửa dù bằng sắt hay bằng gỗ đều có họa tiết khá cẩn thận. Vài đường sơn xanh khiến ngôi nhà sinh động hẳn lên. Bà bảo bà sống bằng nghề làm bánh, cả nửa thế kỷ rồi. Giờ đến con gái bà cũng sống bằng nghề làm bánh. Hôm nay là chủ nhật, nên một đoạn đi qua phần trung tâm của Đa Phước khá đông đúc. Chợ họp bên lề đường, có quầy có mái che, cũng có nhiều người chở hàng trên xe máy, dựng ô đứng bán.
Tôi rất thích những phiên chợ. Đi đến vùng đất nào tôi cũng muốn đi chợ, nhất là chợ phiên. Chợ luôn mang đến một diện mạo rất rõ nét, đặc trưng về vùng đất ấy. Chợ cho thấy đời sống của đa phần cư dân phong lưu, khá giả hay bần hàn nghèo khó. Chợ cũng cho thấy sản vật của địa phương là gì. Chợ khác hẳn với siêu thị. Siêu thị thì ở đâu cũng vậy. Bắc, Trung, Nam hễ vào siêu thị là biết chắc sẽ có thể mua gì. Nhưng chợ thì không. Cứ phải đặt chân vào từng cái chợ mới biết người ta bán gì. Và đằng sau những cái chợ ấy hẳn là một đời sống đầy những bí ẩn thú vị.
Tôi ngắm những phụ nữ Chăm còn trẻ với cặp má đỏ hồng, đầu đội khăn mat’ra, gương mặt ít biểu cảm, phần lớn là an yên phẳng lặng. Các cô ấy thoăn thoắt cho bột vào khuôn, nướng bánh trên một dãy bếp lò nhỏ luôn đỏ lửa xếp sát nhau. Bánh chín vàng rất nhanh, rất thơm.
Bà lão của tôi thì không nướng bánh, bà chỉ đang cán bột. Có lẽ việc nướng bánh do cô con gái bà thực hiện ở sau nhà. Bà cũng làm bánh nhúng, một loại bánh hồi sinh viên bọn tôi rất hay ăn. Nó rẻ và ngon. Thấy tôi giơ máy ảnh bà ngẩng lên, mỉm cười. Tôi đứng yên ngắm đôi tay gầy, nhăn nheo thuần thục cán bột. Cả cuộc đời bà, suốt mấy thập kỷ qua, không biết bao nhiêu tấn bột, đường đã đi qua đôi tay bà. Có cảm giác bà đã quen việc tới nỗi không cần phải nhìn thì miếng bột cũng sẽ phẳng lì, dày hay mỏng cũng đều tăm tắp.
Gần nhà bà, đi qua một đoạn ngắn, là thánh đường Masjid Al-Ehsan nổi tiếng. Nó đẹp lộng lẫy, chói sáng, với cái chóp vàng óng trên nóc. Masjid Al-Ehsan đẹp một cách tinh tế, kiêu kỳ. Hoàn toàn không giống với nhà thờ Thiên chúa giáo hay chùa Phật giáo. Sự đa dạng tôn giáo, tín ngưỡng đã mang tới cho An Giang nói riêng, miền Tây nói chung một sự phong phú hiếm thấy về kiến trúc, phong tục tập quán, lối sống. Cư dân theo các tôn giáo khác nhau có thể sinh sống ngay gần kề nhau, nhưng đâu vẫn ra đấy, rất ít thấy sự pha tạp, trộn lẫn.
Thánh đường hết giờ làm lễ nên khóa cửa, cổng thì mở rộng, ai ai cũng có thể ghé thăm. Trong cái nắng gay gắt của mùa hè, đột nhiên cảm thấy bất ngờ vì thềm thánh đường mát lạnh.
Tôi bỏ giày để đi vòng quanh. Màu chủ đạo là trắng và xanh lá cây. Hẳn là phải có một ý nghĩa nào đó chứ không đơn giản là vì quan niệm thế nào là đẹp.
Từ đây sang Campuchia chỉ chừng chục cây số nhưng hầu như tôi không cảm thấy “không khí” Campuchia như thường thấy ở những vùng giáp biên với bạn. Cái “không khí” ấy là gì thì rất khó nói, chỉ có thể cảm thấy. Nếu như không được nói trước, không được biết về chặng đường vừa đi từ thành phố tỉnh lỵ Long Xuyên, mà chỉ đùng một cái rơi vào Đa Phước, thì có lẽ nhiều người sẽ bất giác tưởng là mình đang ở một nơi nào đó thuộc Trung Đông.
Đa Phước có vài gia đình vẫn giữ nghề dệt thổ cẩm, thậm chí có cả một làng nghề nhỏ. Trong ngôi làng ấy có một vài thợ dệt trong trang phục truyền thống đang cặm cụi ngồi trước những khung cửi khá to. Tôi còn nhìn thấy một cây cột gỗ, trên đó khắc những vạch ngang, và ghi những năm khác nhau. Hóa ra, đó là người ta đánh dấu mực nước lên cao nhất trong mỗi năm. Giờ không phải mùa nước nổi, nên cả làng vẫn đang khô ráo. Nhưng vào mùa nước thì tất cả những cây cột phải ngâm chân trong nước, và người lớn, trẻ con đi lại sang nhà nhau, đi ra đường cái, đều phải bước trên những cây cầu mảnh mai bé xíu xiu. Bé và mảnh tới nỗi có cảm giác nếu ai to béo một chút mà đi qua đi lại thì nó sẽ sập xuống mất.
Tôi hỏi bà lão, một ngày bà bán được bao nhiêu tiền bánh? Bà mỉm cười, đủ sống thôi. Bọn tôi mua vài túi bánh nhỏ để ủng hộ bà, bà đưa bánh, nhận tiền và cảm ơn. Trên môi luôn nở nụ cười vô cùng dễ mến.
Đủ sống thôi. Biết đủ thì đủ thôi, tôi nghĩ ý bà là vậy. Khách du lịch tới mỗi năm một đông, nhưng những người như bà chẳng trông chờ vào khách du lịch là bao, vì sẽ chẳng mấy ai mua bánh của bà như một món quà. Bà cứ sống ở đây, trên ngôi nhà sàn có những vệt sơn màu xanh da trời cũ kĩ, thong thả, nhẹ nhõm, yên bình.
Thật là yên bình.
ĐỖ BÍCH THÚY