Không đỏ rực một khoảng trời như hoa phượng, cũng không tím ngắt hay vàng ươm một con đường như bằng lăng, hoa điệp; trái Dầu vàng nâu lặng lẽ xoay xoay trong gió báo hiệu hè sang. Mùa trái Dầu bay - mùa thi, mùa chia tay, mùa của những luyến lưu, nhớ thương… đã về!
Dầu bay là hè sang, là chia tay, là lưu luyến. Ảnh: T.D |
Sao Đen, Dầu Rái, Chò Nâu… là loại cây thuộc họ Dầu, thân gỗ, cho bóng mát. Hoa Dầu thường nở vào tháng 11 và 12, mọc thành chùm, màu trắng, có mùi thơm nhẹ. Khi hoa tàn, hai thùy của đài hoa cùng lớn lên thành trái có hai cánh phủ lông mịn, dài 3 - 6cm, rộng 0,5 - 0,7cm. Lúc còn non, trái Dầu có màu xanh nhạt, khi chín có màu vàng nâu. Cuối tháng 4 đầu tháng 5, trái Dầu bắt đầu chín, khô, gặp gió sẽ tung rơi khắp đường phố ngõ xóm. Những trái Dầu nâu xoay tít trong gió báo hiệu mùa hè đến, tháng 5 về với bao ký ức của tuổi thơ, tuổi học trò, tuổi yêu…
Tôi không bao giờ quên được buổi lễ ra trường ngày ấy, ngày chúng tôi rời xa thầy cô, bạn bè, mái trường cấp 3 nhiều kỷ niệm. Khi những nhớ thương vỡ òa trong nước mắt, khi tay nắm tay bịn rịn, dùng dằng cũng là lúc không biết từ đâu hàng trăm trái Dầu theo gió tung rơi khắp một khoảng sân trường. Dầu đã lưu giữ giùm tôi khoảnh khắc chia tay ấy, những tháng năm học trò, những ánh mắt yêu thương. Để hôm nay, trong trò chơi con trẻ nhặt những cánh Dầu rơi rồi tung ngược lên bầu trời ríu rang nụ cười, rộn vang cả một góc sân, những ký ức tuổi học trò lại ùa về vẹn nguyên, ăm ắp trong tôi.
Bây giờ, ở Đà Nẵng quê tôi, dọc các tuyến đường chính như 2
Tháng 9, 30 Tháng 4, Cách mạng Tháng Tám, Bạch Đằng, Trần Phú, Điện Biên Phủ…, Dầu đã được trồng nhiều hơn, tỏa bóng mát, phủ khắp lối đi. Buổi sáng sớm hoặc chiều muộn là hai thời điểm ngắm trái Dầu rơi đẹp nhất. Chiếc xe bỗng nhiên chạy chầm chậm, bước chân vô tình như chùng chình có lẽ là bởi ánh mắt của ai đó đã chạm trái Dầu rơi. Dầu cứ lặng lẽ vươn mình, tỏa bóng với một màu xanh mát quen thuộc đến bình thường; rồi Dầu ra hoa, kết trái cũng không ai hay biết. Trái Dầu hong khô trong nắng hè chỉ đợi gió đến là thả mình chao liệng tự do, nhẹ nhàng để gặp gỡ với mặt đất.
Chính cái xoay tít tung tăng ấy đã thu hút biết bao nhiêu sự chú ý, để khi Dầu nằm yên trên đất lại được nhặt lên, đặt vào lòng bàn tay vuốt ve, ngắm nghía và được tung lên không trung một lần nữa. Với trẻ con, trái Dầu là trò chơi chong chóng giòn tan cười đùa; với học trò, Dầu bay là hè sang, là chia tay, là lưu luyến; với người trưởng thành, ngắm Dầu trong gió là khoảng lặng của tâm hồn để tìm quên những bộn bề, để được hồi tưởng, được sống lại với ký ức tuổi xưa… Màu vàng nâu đơn sơ của trái Dầu gợi liên tưởng đến màu của đất đai cày cuốc khó nhọc, màu của tấm áo bà ba sờn cũ, màu của bình yên, thân tình, bền bỉ.
Dầu để thương để nhớ cho biết bao người rồi trở thành đề tài, cảm hứng sáng tác cho những tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm, đa sầu. Tự lúc nào, Dầu nhẹ nhàng xuất hiện trên trang thơ, trang văn, khuôn nhạc nối dài những nỗi niềm, vương vấn những nhớ mong: Nhớ mỗi chiều xưa, đi học về/ Lượm đầy hoa nhỏ cánh bay bay/ Chỉ chờ khi có cơn gió thổi/ Tung ngược lên trời, cánh xoay xoay (Cánh hoa Dầu - Huỳnh Hương).
Dầu lại miên man trong lời bài hát Cánh hoa Dầu của Giáp Văn Thạch với những chiều chợt gió: Có những chiều, chợt gió bay lên/ Hoa Dầu bay, cành nảy lá, đâm chồi/ Hỏi người, cây lớn bao lâu?/ Ru tình ta, ru đời dạt dào…/ Ôi tuổi thơ hồn nhiên học trò/ Hay dỗi hờn và hay ước mơ…
Những hàng Dầu giờ đây không chỉ phủ xanh thành phố trong nắng hè oi ả mà mùa Dầu bay còn đẹp hơn, thơ hơn cùng những tâm hồn biết sống chậm lại để ngắm nhìn, nâng niu, gìn giữ những gì tưởng như đơn sơ, giản dị mà bền chặt, thân sâu.
THIÊN DI