Sofia là cô gái khiếm thị đến từ một đất nước ven Địa Trung Hải. Mặc cảm tật nguyền khiến cô ru rú ngồi nhà, chẳng muốn ra khỏi cửa hoặc tiếp xúc với người lạ. Một ngày, có người bạn quý rủ cô đi một vòng cho khuây qua một số địa danh. Họ dừng chân ở xứ Catalan trên đất Tây Ban Nha cùng người dân bản xứ chơi trò trồng tháp người, một sinh hoạt thể thao độc đáo hướng đến cộng đồng.
Bìa ảnh cổ động viên được xếp đều ở bốn khán đài sân Borussia Park như một cách để ủng hộ Monchengladbach trong đại dịch. |
Giữa khoảng sân thoáng đãng màu nắng sớm, cả khối người già trẻ gái trai không phân biệt giàu nghèo, vị trí xã hội cùng quàng tay và kề vai nhau tụ lại làm nền cho những người khác bước lên, tạo thành những tầng tháp mỗi lúc mỗi cao hơn. Chân trụ bám vào đất làm nền, các vòng tay níu giữ họ bên nhau, vai kề vai hợp thành sức mạnh cho cả khối.
Cô gái mù xa lạ đứng bên ngoài theo dõi tháp người qua tiếng reo vui thỉnh thoảng cũng bật cười thích thú với trò chơi lạ. Rồi cô cũng được mời tham gia dưới sự hướng dẫn tận tình và cách che chở chu đáo của đám đông. Chẳng mấy chốc, Sofia cảm nhận niềm vui không thấy mình xa lạ, không còn cảm giác lạc lỏng của kẻ ngoài cuộc. Vòng tay và bờ vai của những người bạn mới đưa cô lên cao theo tháp người trong tiếng reo hò. Trên vai Sofia còn bàn chân nhỏ của một cháu bé. Bạn đưa cô lên cao và cô cũng góp sức đưa bạn lên cao.
Tháp người xứ Catalan mở khoảng trời tươi mới cho cô gái mù. Buổi sáng phương xa nói với cô nhiều điều về niềm vui khi nhận ra quanh mình nồng ấm tình người và chẳng bao giờ cuộc sống nhạt nhòa vô nghĩa mà luôn có ích. Tháp càng cao, niềm vui càng lớn; người càng đông thì cuộc chơi càng thêm ý nghĩa. Thể thao sẽ không mang giá trị gì nếu nó không làm cuộc sống con người thêm vui. Và một trong những cái đích lớn nhất của thao trường là làm thế nào để tất cả tùy vào hoàn cảnh và điều kiện của bản thân đều có thể góp mặt và chung sức cho niềm vui, đều không thấy cô đơn.
Giúp mọi người nói chung, cầu thủ nói riêng xua tan nỗi trống vắng và cảm nhận giá trị phụng sự cộng đồng để thi đấu với chất lượng cao trong thời dịch bệnh, các nhà quản lý Câu lạc bộ Monchengladbach ở Đức đã đặt ảnh khán giả vào 13 ngàn chỗ ngồi trên sân Borussia Park của mình. Vậy là trong mắt cầu thủ vào sân thi đấu dưới kia, bốn phía khán đài của cái sân bóng quen thuộc, vẫn đầy ắp cổ động viên của đội nhà lẫn của đội khách. Áo quần đủ kiểu, tóc tai đủ sắc, miệng ai cũng cười tươi, mắt ai cũng rạng ngời lém lỉnh, họ là các khán giả hồn nhiên và vô tư nhất. Không vô tư sao được khi lưới phía nào bị rung lên thì tất cả họ cũng mở miệng cười reo! Hôm ấy, chủ nhà Monchengladbach phơi áo 1-3 trước đội khách Leverkusen ở vòng 27 của giải vô địch quốc gia Đức. Có đến ba lần cầu thủ nhà nhìn nhau buồn bã vào lúc đối phương ôm nhau mừng rỡ vậy mà nhìn lên khán đài, cổ động viên nhà vẫn hoan hỉ như trong ngày hội.
Đó là vì chẳng ai chịu in tạc vào chỗ ngồi hình bóng buồn bã của chính mình ở nơi đòi hỏi tiếng cười, ở chốn ngào ngạt niềm vui. Mà có hề gì đâu, đội nhà thua hôm nay nhưng bóng đã lăn trở lại sau những ngày thúc thủ vì bị giam hãm. Chiến thắng lớn nhất với người Monchengladbach hôm đó chính là tinh thần thượng võ, là tiếng thở phào vượt qua những ngày khốn khổ tai ương.
Như cô gái khiếm thị Sofia bên bờ Địa Trung Hải, họ nhận ra mình không cô đơn trên đường tìm lại niềm vui…
ĐÌNH XÊ