Đừng để lời nói đùa trở thành sự ác ý

Bạo hành tinh thần nguy hại hơn bạo hành thể xác khi mà người bạo hành không nhận thức được mình đang tấn công người khác.

Mới đây, tháng 2-2020, cậu bé 9 tuổi người Úc khóc nức nở với mẹ: “Hãy cho con một sợi dây, con muốn tự sát. Con muốn ai đó đâm vào tim mình, con muốn ai đó giết con đi. Con muốn chết”. Cậu bé này bị bạn bè chê cười vì có ngoại hình khác biệt. Mẹ của cậu bé đã quay lại những giọt nước mắt đau đớn của con trai và đưa lên mạng xã hội với mong muốn mọi người ngừng bạo hành tinh thần người khác. Đoạn video sau đó được chia sẻ với tốc độ chóng mặt.

Đông đảo người dùng mạng xã hội lên tiếng ủng hộ vì cũng là nạn nhân như cậu bé. Trước đó, năm 2016, mặc dù gia đình khẩn thiết van nài, cô gái 18 tuổi người Mỹ vẫn quyết chí dùng súng tự kết liễu cuộc đời vì bị chê bai “béo phì” tới tấp trên mạng xã hội. Tại Việt Nam, tháng 3-2018, nam sinh lớp 6 tại Phan Rang (Ninh Thuận) tự tử vì bạn bè thường xuyên gọi là củ hành.

Các trường hợp trên chỉ là số ít trong số rất nhiều những người đang bị người khác phán xét về ngoại hình. Bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân từ lời nói tưởng chừng là “bông đùa” như mập, ốm, lùn, “hai lưng”… Dù người nói không ác ý nhưng người nghe rõ ràng đã phải gánh chịu cảm xúc tiêu cực, nhẹ thì cảm thấy khó chịu, nặng thì tự ti, mặc cảm, thậm chí nghiêm trọng hơn là trầm cảm hay tìm đến cái chết.

Hậu quả nặng nề nhưng tại sao câu chuyện này vẫn đang tiếp diễn từng phút, từng giờ, ở mọi nơi và mọi đối tượng?! Có phải vì những người chê bai người khác đôi khi không nhận thức rõ “trọng lượng” của câu từ nên vô tư nói? Cũng có một số người cho rằng, nhận xét cơ thể của người khác xuất phát từ sự góp ý để giúp ai đó cải thiện vóc dáng. Hoặc đơn giản chỉ là vài câu nói vui để tạo sự thân mật trong câu chuyện. Cho dù xuất phát từ lý do nào, cố ý hay vô thức, họ đều quên đi điều quan trọng nhất, đó là cảm nhận của đối phương.

Ngày nay, với tốc độ phát triển của khoa học công nghệ, mạng xã hội vô hình chung trở thành “nơi lý tưởng” của sự tấn công bằng ngôn từ với mức độ và hậu quả nặng nề hơn, không chỉ với người quen mà cả người không quen. Hành vi này được gọi tên cụ thể là “body shaming” - một hình thức dùng ngôn ngữ chê bai hay chế giễu ngoại hình của người khác, khiến cho người đó cảm thấy khó chịu hoặc bị xúc phạm. “Body shaming” cũng được hiểu theo nghĩa là sự xấu hổ, chán ghét cơ thể khi bị người khác miệt thị hình thể.

Luật pháp Việt Nam vẫn có quy định chế tài đối với hành vi này. Theo Hiến pháp năm 2013 (khoản 1 Điều 20), mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Khoản 1 Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 cũng nêu rõ: danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Người nào xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì phải bồi thường thiệt hại theo Điều 592 Bộ luật Dân sự.

Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Với những trường hợp gây tổn thương tinh thần, làm nhục nhân phẩm, xúc phạm thân thể đến mức nghiêm trọng, xảy ra các hậu quả xấu như điên loạn, quyên sinh, xét trên mức độ thi hành hình sự, người phạm tội có nguy cơ vào tù từ 1 đến 5 năm.

Tuy nhiên, trên thực tế, thông thường, nạn nhân của “body shaming” đa phần lựa chọn im lặng chịu đựng và tự gặm nhấm nỗi buồn. Phần vì chủ nhân của những lời nói đùa thường là người quen, người thân, đồng nghiệp, bạn bè…; phần vì không đủ cơ sở để chứng minh; phần vì nạn nhân có tâm lý e ngại… Như cậu bạn của tôi, mặc dù nhiều lần than phiền về sự trêu đùa quá trớn của đồng nghiệp nhưng lại không dám thể hiện thái độ vì sợ mất lòng. “Mình từng nửa đùa nửa thật bảo rằng, cơ thể quá khổ vì lý do sức khỏe nhưng mọi người vẫn thường xuyên chọc ghẹo. Nếu thể hiện thái độ mạnh mẽ hơn, mình sợ đôi bên căng thẳng. Đi làm đụng mặt nhau hằng ngày, cũng khó…”, bạn tôi ái ngại.

Cứ thế, câu chuyện tưởng chừng không mới nhưng chưa bao giờ cũ khi người nghe không dám phản kháng và người nói không ý thức được vấn đề. Thiết nghĩ, khi không chắc chắn điều mình nói ra có khiến người khác tổn thương hay không, tốt nhất ta nên im lặng. Ông bà xưa có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” nhằm ám chỉ cách ứng xử tinh tế trong giao tiếp. Đừng để lời nói đùa trở thành sự ác ý, giết chết một tâm hồn hay thậm chí là một cá nhân!

DUY AN

 

;
;
.
.
.
.
.