Trên mạng xã hội và ngay cả trên chiếc áo của mình cũng như hành động quỳ một gối, những ngôi sao bóng đá đang tìm cách chống lại phân biệt màu da ở Mỹ và trên thế giới sau thời gian dài mờ nhạt.
Marcus Thuram quỳ gối sau khi ghi bàn để ủng hộ phong trào chống phân biệt màu da trên toàn thế giới. |
Các CLB bóng đá, các giải đấu và nhà tài trợ đều thể hiện ý tưởng chống lại phân biệt chủng tộc. Họ có những sáng kiến và cả hành động nhưng mức độ phản ứng lại tình trạng này có dấu hiệu mờ nhạt dần trong thời gian vừa qua. Trước khi bóng đá ở châu Âu phải tạm dừng vì virus Corona, rất nhiều vụ phân biệt chủng tộc trên sân bóng nhắm vào các ngôi sao Raheem Sterling (Manchester City), Koulibaly (Napoli)… nhưng mọi thứ nhanh chóng rơi vào thinh lặng.
Không phải FIFA, UEFA hay ban tổ chức các giải đấu VĐQG mà tự thân các cầu thủ đang thực sự muốn chống lại phân biệt màu da bằng những hành động cụ thể trên sân bóng. Một loạt cầu thủ ở Bundesliga như Jadon Sancho, Marcus Thuram, Achraf Hakimi, Weston McKennie đã ra tay hành động. Sancho sau khi ghi bàn cho Borussia Dortmund đã cởi áo đấu để lộ hàng chữ “Công lý cho George Floyd”. Hay Thuram quỳ gối thay cho hành động ăn mừng bàn thắng với M’Gladbach. Liên đoàn bóng đá Đức nhận định đấy không phải là thông điệp chính trị nên không tiến hành trừng phạt những cầu thủ này.
Thực ra, giới hạn khó phân định của thông điệp phân biệt màu da là chính trị hay xã hội thuần túy nên nhiều cầu thủ e ngại bày tỏ nhằm tránh tranh cãi. Không chỉ những cầu thủ Bundesliga thể hiện trên sân đấu mà những cầu thủ đang chơi bóng ở Anh, Mỹ… cũng bắt đầu lên tiếng.
Hai cầu thủ tấn công Manchester United là Marcus Rashford và Paul Pogba viết trên tài khoản Twitter. Cầu thủ người Mỹ DeAndre Yedlin đang chơi cho Newcastle United và cầu thủ người Anh Nedum Onuoha đang chơi tại Mỹ nói về cầu thủ da đen ở Mỹ như thế nào. Các cầu thủ Liverpool, Chelsea, Dortmund… đã có hành động quỳ một gối trước khi tập luyện. Tấm ảnh chụp các cầu thủ Liverpool quỳ gối trên sân tập là ý tưởng của Virgil Van Dijk và Wijnaldum chứ không phải sự dàn dựng của “The Kop”.
Người hâm mộ dường như bắt đầu nhìn thấy sự thay đổi trong giới cầu thủ về tình trạng phân biệt chủng tộc. Họ không còn chấp nhận chịu đựng hay chỉ dừng lại ở mức độ phản ứng trên phương tiện truyền thông mà có hành động cụ thể, sẵn sàng đối đầu mà không e ngại các hình phạt.
TỊNH BẢO (tổng hợp)