Người ta gọi Cox’s Bazar, thị trấn trên bờ biển phía đông nam Bangladesh, là “thành phố của người tị nạn”. Giãn cách xã hội không thể thực hiện đối với hơn 1 triệu người tị nạn Rohingya sống trong trại tị nạn nơi đây.
Các trại tị nạn rơi vào tình trạng quá tải, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Ảnh: The Guardian |
Cox’s Bazar nổi tiếng với bãi biển mênh mông cát trắng và là bãi biển cát tự nhiên dài nhất thế giới. Theo báo The Guardian, Cox’s Bazar hiện có 34 trại tị nạn nên được gọi là “thành phố của người tị nạn”.
Những con đường trở nên hẹp và lầy hơn. Bãi biển biến mất. Các gia đình sống trong những túp lều làm từ vải bạt và tre. Một số trường hợp, có tới 10 thành viên gia đình sống chung một phòng. Các gia đình ở trong những khu nhà gần nhau bên trong các lán tre mỏng manh, sử dụng nhà vệ sinh và các công trình nước chung. Song, ngay cả các vật dụng cơ bản nhất như xà phòng lại thiếu thốn.
Vì vậy, khi Bangladesh ghi nhận người tử vong đầu tiên do Covid-19 vào ngày 17-3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo rằng, mật độ dân số trong các trại cùng với điều kiện mất vệ sinh khiến người tị nạn dễ bị lây bệnh.
Hồi giữa tháng 5, hai người tị nạn Rohingya ở Cox’s Bazar dương tính với Covid-19. Ngay sau đó, 1.900 người tị nạn khác được cách ly để xét nghiệm. Hãng BBC dẫn lời TS. Shamim Jahan, Giám đốc y tế của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em ở Bangladesh cho rằng, virus đã xâm nhập vào khu tị nạn lớn nhất thế giới ở Cox’s Bazar.
Tuy nhiên, không thể thực hiện giãn cách xã hội đối với hơn 1 triệu người tị nạn ở Cox Bazar. Trong số họ, ngoài sự chấn thương về tâm lý, nhiều người có vấn đề về sức khỏe, có tiền sử bệnh, nên dễ mắc Covid-19. Tính đến ngày 28-6, thị trấn này có 49 ca nhiễm và 5 trường hợp tử vong. Trong lúc đó, theo AFP, Bangladesh có đến hơn 150.000 ca nhiễm và có ít dấu hiệu cho thấy số ca nhiễm mới sẽ tăng chậm lại.
Tại một trại tị nạn ở Cox’s Bazar, ông Abu Kalam sống cùng 11 thành viên khác của gia đình trong ngôi nhà được xây dựng từ tre và lá bạt với những bức tường bùn. Khi xảy ra Covid-19, cuộc sống trong trại dừng lại, dường như “đóng băng”. Những đứa trẻ không thể đi học. Hai con trai lớn của ông mất thu nhập.
Thời tiết bắt đầu gió mùa và một số ngôi nhà gần đó bị ngập lụt. Thêm việc thực hiện phong tỏa để phòng, chống dịch càng làm cuộc sống người dân thêm khó khăn. May mắn thay, Kalam sống trên một ngọn đồi nên không bị ngập.
Nhà anh được chia thành 4 phòng nhỏ, nhưng 11 người sống chung như thế thì bệnh dễ lây lan. Hai tuần trước, vợ anh bắt đầu bị sốt và các triệu chứng giống cúm. Rồi đứa con trai 3 tuổi và 3 đứa con gái của anh cũng bị ốm. Anh trấn an họ rằng, đó chỉ là bệnh cúm thông thường, nhưng thực sự anh rất lo về Covid-19. Nếu phải cách ly, Kalam không biết gia đình mình sẽ được đưa đến đâu.
Gia đình Kalam có đủ xà phòng để rửa tay, nhưng anh lo lắng về việc sử dụng nhà vệ sinh chung như thế sẽ làm gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Khẩu trang cũng không đủ cho tất cả mọi người, nước sạch thiếu thốn. Nếu tiến hành xét nghiệm nhiều hơn thì số ca nhiễm sẽ theo đó gia tăng.
“Thật khó khăn khi phải sống ở một nơi đông đúc, chật chội trong lúc này, nhưng chúng tôi không có nơi nào để đi”, Kalam nói.
Các cơ quan viện trợ cho biết, các trạm rửa tay khẩn cấp được lắp đặt trên khắp các trại trong những tháng gần đây, nhưng việc tiếp cận nước sạch vẫn là mối quan tâm lớn. Đối với một số gia đình, để lấy được nước từ giếng ống, họ phải xếp hàng dài nhiều lần trong ngày. Với trung bình khoảng một buồng tắm dành cho 21 người sử dụng, khu vực tắm cũng vô cùng hạn chế. Phụ nữ thường không cảm thấy an toàn khi sử dụng buồng tắm do thiếu sự riêng tư.
Trước khi hai ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được ghi nhận tại trại tị nạn ở Cox’s Bazar, Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) đã đào tạo mạng lưới gồm 1.440 nhân viên y tế, tình nguyện viên để phát hiện các triệu chứng và thực hiện công tác phòng, chống virus.
Các nhân viên y tế, tình nguyện viên có mặt tại tất cả các trại để chia sẻ thông tin về Covid-19. Các đoạn video ngắn đăng trên phương tiện truyền thông xã hội; áp-phích bằng tiếng Rohingya, tiếng Bengal được hiển thị xung quanh các trại... Các tổ chức phi chính phủ, các nhóm thanh thiếu niên và các nhóm phụ nữ trong các trại cũng đang nỗ lực giúp nâng cao nhận thức trong cộng đồng người dân nơi đây.
HOÀNG ĐẶNG Theo The Guardian