Bây giờ ở quê tôi, người đại diện trong gia đình mỗi tháng trung bình dự từ 6-7 cái đám giỗ do bà con họ hàng, bè bạn láng giềng từ đầu thôn đến cuối làng mời dự. Ngoài ra, họ còn lo từ 1-3 đám giỗ trong năm của gia đình mình. Cứ thế, đám giỗ luôn được mời qua, mời lại và chưa nói đến tiền bạc, chỉ thời gian thôi cũng đã tiêu tốn khá nhiều. Nói đến chuyện này, ký ức tuổi thơ tôi bỗng ùa về những kỷ niệm của những tháng ngày xưa cũ với bao niềm vui nỗi buồn lẫn lộn.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Còn nhớ, trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, đêm bom, ngày đạn, vật chất bộn bề khó khăn nhưng đến ngày đám giỗ ông bà, cha mẹ…, ai cũng phải lo liệu, tùy điều kiện kinh tế của mỗi nhà. Trong những tháng ngày ấy, lũ trẻ chúng tôi còn khờ khạo, vô tư. Sống trong cảnh thiếu trước, hụt sau nên biết nhà ai có đám giỗ thì tôi mừng lắm.
Có lần, nhà bà con trong tộc đám giỗ nên tờ mờ sáng mẹ tôi đã quày quả sang dọn dẹp, phụ giúp nấu nướng. Khi đồ cúng múc ra chén bát để chuẩn bị đặt lên bàn thờ thì tôi chạy vào, mắt láo liếc đầy ý thăm dò và chờ đợi. Thấy “chướng” quá, mẹ la mắng bảo về nhưng tôi cứ lì ra bởi chưa đạt được mục đích. Đoán được ý tôi, sau khi xới các dĩa xôi, cô chủ nhà bóp tròn cục xôi cháy sém dưới đáy nồi đồng dúi cho tôi rồi khoát tay đuổi lia lịa. Mừng quá, tôi cầm cục xôi cháy cắm đầu chạy ra ngõ…
Lớn lên đôi chút, nhớ lại ngày này, tự dưng tôi cười thầm mà lòng lại phảng phất nỗi buồn, bởi chợt nhận ra trong ánh mắt của bà cô đưa cục xôi cháy ngày ấy ẩn chứa sự bực bội. Tất nhiên, sau khi họ rải gạo, đốt giấy, tôi cũng được gọi qua ngồi cầm đũa chung trên một cái nong với đám con nít.
Ngày trước, những đám giỗ quê nghèo như thế được xem là sự việc quan trọng của mỗi gia đình. Họ chuẩn bị, dành dụm đôi gà, cặp vịt, ang nếp… trước cả tháng. Hễ nhà nào có giỗ thì các cô, dì, chị em, bà con, hàng xóm í ới từ sáng sớm để xúm nhau nấu nướng, chuẩn bị. Thanh niên, trai tráng phân công nhau người sang nhà này, kẻ tới nhà kia mượn cái bàn gỗ hình chữ nhật, cặp ngựa (ghế) dài mới có chỗ dọn sau khi nến tắt, hương tàn. Những người được gia chủ mời dự đám giỗ ngày trước thường nấu khay xôi ngọt, chục bánh ú, bánh rò, bánh ít lá gai mang đến dâng lên bàn thờ để bày tỏ tấm lòng thành với người thiên cổ. Trưa ăn uống xong, ai mượn bàn ghế của nhà nào thì phải mang trả cho nhà nấy rồi mới về lo chuyện vườn tược, ruộng đồng.
Đám giỗ quê giờ khác xưa. Đa số gia đình có đám giỗ không còn tự tay kéo mấy tấm tranh che mưa, chống nắng lất phất trước sân nhà nữa mà giao cho dịch vụ dựng rạp, cung cấp luôn bàn ghế, chén đũa, ly, tách…, và cần gì cứ gọi thì có ngay.
Nhiều đám giỗ do người nhà đi chợ mua sắm nguyên liệu ẩm thực trước một ngày để chị em xúm xít, quây quần xào nấu nhằm tiết kiệm chi phí. Nhưng cũng có trường hợp gia cảnh khá giả đặt toàn bộ suất ăn cho dịch vụ như đám cưới, chí ít cũng từ 7-10 bàn. Bên cạnh những đồ dâng cúng truyền thống như ngày xưa, những người được mời dự còn mang đến thắp hương các loại bánh hộp, nước ngọt, trái cây. Xong phần lễ kỵ, khách khứa, các bậc cao niên được gia chủ mời ngồi vào bàn trước rồi mới tới con cháu trong gia đình. Bia chai, bia lon nổ lốp bốp, cụng ly lách cách chứ hiếm khi thấy có cái đám giỗ nào còn rót chai rượu gạo nhét lá chuối khô hoặc cùi bắp làm nắp đậy như ngày xưa nữa. Ăn uống xong, ai nấy ra về đều được chủ nhà gửi kèm gói bánh, trái cây cho người già, trẻ nhỏ.
Đám giỗ là tập tục cổ truyền có rất lâu đời từ quê đến phố. Trong cuộc sống có nhiều cách giỗ kỵ khác nhau theo từng điều kiện, hoàn cảnh kinh tế, công việc, song đều có một điểm chung nhất là tri ân các bậc tiền nhân, những người quá cố, đồng thời cũng là yếu tố tâm linh của những người đang sống. Đám giỗ cũng là dịp để con cháu xa gần tề tựu bên nhau, bè bạn, bà con làng trên, xóm dưới chuyện trò vui vẻ, thêm sự gắn kết cộng đồng.
Có lần cũng trong một đám giỗ, anh bạn tôi hỏi câu cắc cớ: “Đố ông, người chết có được nghỉ ngơi không?”. Tôi chưa kịp hiểu ý của câu này thì anh bạn lại hỏi và giải thích luôn: “Ông có biết họ khấn vái cái chi không? Văn cúng thì nhiều nhưng tôi biết chắc chắn có một ý không bao giờ thiếu là cầu mong người quá cố phù hộ độ trì cho con cháu. Hai từ “phù hộ” ở đây chẳng phải bắt người chết tiếp tục làm việc để phục vụ người đang sống à?”. Mọi người đều cười ồ bởi câu nói hóm hỉnh mà đầy triết lý của anh bạn. Thôi thì tùy quan niệm của mỗi người vậy…
THÁI MỸ