Hòn Sơn Trà trong nhãn quan của vua Minh Mạng

.

Trong năm Minh Mạng thứ 21 (Canh Tý 1840), vua Minh Mạng đặt tên cho Hòn Sơn Trà - mốc giới phía bắc của cửa biển Đà Nẵng - là Ngự Hải đảo nhằm nhấn mạnh vị thế phòng ngự của đảo tiền tiêu này.

Hòn Sơn Trà còn có tên gọi Cù Lao Hàn, Hòn Chảo. Ảnh: dulichdanang365
Hòn Sơn Trà còn có tên gọi Cù Lao Hàn, Hòn Chảo. Ảnh: dulichdanang365

Trong các vị vua đầu triều Nguyễn, vua Minh Mạng là người quan tâm nhiều nhất đến hệ thống phòng thủ ven biển ở khu vực Cửa Hàn. Trước hết, vua Minh Mạng tiếp tục thực hiện chính sách ngoại giao và ngoại thương của triều đình do vua cha đề ra từ năm Gia Long thứ nhất (Nhâm Tuất 1802), chủ trương chỉ cho tàu thuyền phương Tây vào giao dịch và buôn bán với nước ta qua cửa biển Đà Nẵng.

Tờ 249, tập 52 Châu bản triều Minh Mạng thể hiện bản tấu của Tuần phủ Gia Định Hà Duy Phiên dâng lên vua Minh Mạng ngày 29 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 15 (Giáp Ngọ 1834) ghi lại việc tàu buôn của Pháp muốn vào cửa biển Cần Giờ để thu mua đường cát nhưng bị từ chối với lý do: “Bản quốc định lệ phàm Tây dương chư quốc thương thuyền đầu lai thương mại duy tại Đà Nẵng tấn nhi dĩ” (Bản quốc quy định, phàm những thương thuyền của các nước phương Tây đến buôn bán chỉ được vào cửa Đà Nẵng mà thôi).

Quy định cửa biển Đà Nẵng là hải cảng chính thức và duy nhất thực thi chính sách ngoại giao và ngoại thương của triều Nguyễn đối với các nước phương Tây còn được thể hiện qua chỉ dụ của vua Minh Mạng vào năm Minh Mạng thứ 16 (Ất Mùi 1835) chép trong Đại Nam thực lục chính biên, Đệ nhị kỷ, quyển 160: “Nay giặc giã đã yên, vốn không đáng lo, duy có lệ: thuyền của Tây dương chỉ được vào đỗ ở bến Đà Nẵng, không được đến buôn bán ở các cửa biển khác” (*).  

Chính nhờ vị trí tiền tiêu đó mà Đà Nẵng được vua Minh Mạng ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống phòng thủ ven biển ở khu vực Cửa Hàn, xem việc bảo vệ cửa biển Đà Nẵng như bảo vệ yết hầu của Kinh đô Huế. Khi tảng đá sa thạch trên Ngũ Hành Sơn được vua Minh Mạng cho khắc vào ba chữ Vọng Hải Đài vào tháng 7 năm Minh Mạng thứ 18 (Đinh Dậu 1837) với chữ vọng là nhìn xa, khác với chữ khán là nhìn gần, thì đó không còn là một tảng đá nữa mà đã trở thành một loại tư duy - tư duy vọng-hải-đài xa rộng của người đứng đầu đất nước lúc bấy giờ.

Với tư duy vọng-hải-đài của vua Minh Mạng, Hải Vân quan không chỉ và chủ yếu cũng không phải là một trạm kiểm soát trên đường thiên lý bắc nam, mà còn là một trạm kiểm soát đăng cao vọng viễn theo hướng tây đông - thực chất đây cũng là một Vọng Hải đài - để bảo vệ Cửa Hàn, để quan sát bằng ống nhòm hiện đại của chính phương Tây tình hình tàu thuyền nước ngoài hằng ngày ra vào cửa biển Đà Nẵng.

Với tư duy vọng-hải-đài của vua Minh Mạng, vào năm Minh Mạng thứ 4 (Quý Mùi 1823), Pháo đài Điện Hải bên tả ngạn sông Hàn hồi mới xây dựng vốn nằm sát bờ Vịnh Đà Nẵng được vua cho dời về phía nam đúng vị trí di tích quốc gia đặc biệt hiện nay, đến năm Minh Mạng thứ 15 (Giáp Ngọ 1834) được nâng cấp thành Thành Điện Hải. Thành Điện Hải cùng với Thành An Hải bên hữu ngạn sông Hàn được vua Minh Mạng giao thực thi nhiệm vụ biên phòng ở ngay vị trí bây giờ là cầu Thuận Phước đầu biển cuối sông.

Với tư duy vọng-hải-đài của vua Minh Mạng, cũng trong năm Quý Mùi 1823, mũi đất phía đông bắc vịnh Nam Chơn tục gọi Hòn Hành (㞩行) nằm trong tuyến phòng thủ cửa biển Đà Nẵng, vốn có tên chữ là Thông sơn (葱山 - trong tiếng Hán, thông nghĩa là hành), đã được vua đổi thành Định Hải sơn (定海山), đồng thời cho xây ở đây Pháo đài Định Hải - trên bản đồ chiến sự ngày 18-11-1859, người Pháp gọi đây là Fort du Mamelon/Pháo đài Núm Vú.

Ngày 13-7-1961, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa ký ban hành Sắc lệnh số 174-NV đặt quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam và thành lập tại quần đảo này một xã lấy danh hiệu là xã Định Hải trực thuộc quận Hòa Vang. Lúc đầu, Tỉnh trưởng Quảng Nam đề xuất đặt tên xã đảo này là Hòa Đức - trong tương quan với các xã của quận Hòa Vang đều bắt đầu bằng từ tố Hòa, nhưng đề xuất này không được Sài Gòn chấp thuận.

Thay vào đó, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa chỉ đạo Bộ Nội vụ nên dùng tên gọi xã đảo Hoàng Sa cho thông dụng, nhưng cuối cùng quyết định đặt tên đơn vị hành chính này là xã đảo Định Hải. Không biết ai là người đầu tiên đề xuất địa danh Định Hải được chính sử dụng trong 9 năm (1961-1969), nhưng có thể khiến chúng ta liên tưởng đến việc vua Minh Mạng đặt tên mới cho Hòn Hành năm Quý Mùi 1823.

Tư duy vọng-hải-đài của vua Minh Mạng trong thập niên 20 và thập niên 30 thế kỷ XIX chỉ mới được thể hiện ở những công trình phòng thủ nằm cách xa cửa biển, sâu vào trong Vịnh Đà Nẵng như Hải Vân quan, như núi Định Hải, như Thành Điện Hải (người Pháp gọi là Fort de l’Ouest/ Pháo đài phía Tây) và Thành An Hải (người Pháp gọi là Fort de l’Est/ Pháo đài phía Đông)…

Sang thập niên 40 thế kỷ XIX, tư duy vọng-hải-đài của vua Minh Mạng có chút đổi mới thể hiện qua chủ trương xây dựng Pháo đài Phòng Hải (người Pháp gọi là Fort de Non-Nay) ở chân bán đảo Sơn Trà vào tháng 7 năm Minh Mạng thứ 21 (Canh Tý 1840).

Xin nói thêm, Pháo đài Phòng Hải gắn với tên tuổi hai vị đại thần đương thời được xem là chuyên gia hàng đầu về quân sự, từ Hữu Tham tri Bộ Công Nguyễn Công Trứ với đề xuất chọn Hòn Mỏ Diều làm địa điểm xây dựng pháo đài, cho đến Tả Tham tri Bộ Lễ Nguyễn Tri Phương - trong thời gian được cử vào tỉnh Nam Ngãi làm đặc phái viên của vua Minh Mạng - với đề xuất thay đổi thiết kế pháo đài từ hình bầu dục sang hình tròn.

Tuy nhiên, Hòn Mỏ Diều cùng với Pháo đài Phòng Hải vẫn chưa thực sự là tiền tuyến của cửa biển Đà Nẵng. Tiền tuyến thực sự của cửa biển Đà Nẵng chính là Hòn Sơn Trà từng được Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi nhận “là mốc giới phía Bắc của cửa biển Đà Nẵng”. Với tư duy vọng-hải-đài-đổi-mới của vua Minh Mạng, Hòn Sơn Trà/ Cù Lao Hàn/ Hòn Chảo đầu sóng ngọn gió không thể nằm ngoài hệ thống phòng thủ cửa biển Đà Nẵng.

Không phải ngẫu nhiên mà cũng trong năm Minh Mạng thứ 21 (Canh Tý 1840) ấy, vua đã đặt tên cho “mốc giới phía Bắc của cửa biển Đà Nẵng” ấy là Ngự Hải đảo nhằm nhấn mạnh vị thế phòng ngự của đảo tiền tiêu này. Và để có thể theo dõi các cuộc tiến công của những thế lực thù địch từ phía biển nên vua Minh Mạng cho đặt ở đảo Ngự Hải một đài phong hỏa, cử người canh gác ngày đêm, mỗi khi có biến là đốt lửa báo tin.

BÙI VĂN TIẾNG

(*) Dẫn theo Giáng Hoa, Thu Hường (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I), Ngoại thương Pháp-Việt qua châu bản triều Minh Mệnh, luutru.gov.vn ngày 14-1-2016.

 

;
;
.
.
.
.
.