1. Ký ức là những gì đã đi qua nhưng không rời khỏi hiện tại. Thời bao cấp không còn là thước phim xa lạ với nhiều người vì những mốc lịch sử đáng nhớ. Hòa bình rồi, tiếng reo vui chưa được bao lâu thì người dân hai miền Nam - Bắc phải đối mặt với biết bao gian nan. Cả nước chạy gạo ăn từng bữa. Nhiều người vẫn còn giữ những tờ tem phiếu, sổ gạo ngả màu ố vàng thời gian. Nếu nhắc chuyện “ngày xưa”, chắc hẳn ai cũng có hàng trăm chuyện để kể, để vui và để nhớ. Đó là lý do NXB Kim Đồng cho ra mắt cuốn sách 199 mấy Hồi ấy làm gì? (tác giả Trang Neko và X.Lan). “Cỗ máy thời gian” nhỏ bé này sẽ giúp độc giả sống lại một vài khoảnh khắc đã qua đi trong chốc lát, để nhớ về thời “huy hoàng” của mỗi người lớn từng một thời là trẻ con…
2. Hình như ta đã yêu nhau (NXB Hội Nhà văn) là tiểu thuyết đầu tay của tác giả Emily Barr. Cuốn sách đã nhanh chóng vươn lên dẫn đầu top sách bán chạy tại Anh quốc. Một cuốn tiểu thuyết không thể quên về chứng bệnh quên. Nhân vật chính của tác phẩm là Flora Banks.
Mỗi ngày, cô đều trải nghiệm nỗi buồn đó, bởi cô bị mất trí nhớ. Cô thức dậy mà không biết mình bao nhiêu tuổi, có bạn bè gì không, năm nay là năm nào. Thế rồi cô hôn một chàng trai, và ngày hôm sau, cô vẫn nhớ chuyện ấy. Lần đầu tiên kể từ khi mười tuổi, cô nhớ được một chuyện từ ngày hôm trước sang tận ngày hôm sau. Cô phải theo đuổi chàng trai. Không phải chỉ vì anh là tình yêu đích thực của cô, mà có lẽ anh còn có thể giúp cô lấy lại trí nhớ, cứu vớt cuộc đời cô. Tình cảnh và chứng bệnh của Flora có thể hiếm gặp, nhưng mỗi người trưởng thành đều có thể nhìn thấy mình trong khát vọng vượt lên nghịch cảnh và ý chí kiếm tìm sự thật, cảm xúc yêu đương cuồng nộ của cô gái.
HẢI ÂU