Vui, buồn với… cái tên

.

Mỗi cái tên gắn chặt với một con người suốt cuộc đời. Cái tên đâu chỉ là… cái tên, mà nó còn phảng phất bao nỗi vui, buồn, hay, dở của con người.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Không có tài liệu nào khẳng định chính xác niên đại ra đời việc đặt tên của người Việt Nam. Chỉ biết đặt tên là để phân biệt giữa người này với người khác có từ rất sớm, nghe đâu vào thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên. Cách đặt tên của người Việt thường gồm 3 phần chính theo thứ tự từ trái sang phải là họ, tên đệm và tên thật.

Rất nhiều người trước khi quyết định cái tên cho con, cháu đã lựa chọn khá kỹ lưỡng về mặt ngữ âm cũng như ý nghĩa của tên. Bởi lẽ, theo quan niệm của họ, mỗi cái tên sẽ gắn chặt với một con người suốt cuộc đời, thậm chí con người sẽ khuất bóng theo quy luật tất yếu, song cái tên là bất tử.

Ngày trước, để phân biệt giới tính, người ta dùng khá phổ biến tên đệm, tên lót cho nam giới là “văn” (Nguyễn Văn A), còn nữ là “thị” (Nguyễn Thị B). Không ít gia đình ở các vùng nông thôn do ảnh hưởng của một số quan niệm lạc hậu, mê tín, trình độ học vấn ít, đặc biệt đối với các cặp vợ chồng hiếm muộn, khó nuôi con thường đặt tên con rất “xấu xí” nhằm để “dễ nuôi”, ví như các tên: Đủi, Mò, Cò, Cuốc…

Ngày nay, việc đặt tên được thay đổi nhiều, chẳng còn mấy người chọn cho con, cháu của mình cái tên “khó nghe” nữa. Họ thường chọn các loài hoa ngát hương, đẹp đẽ, các từ ngữ văn chương mềm mại để đặt cho phái liễu yếu; các tên mạnh mẽ, hùng dũng, quý phái, sang trọng để đặt cho nam giới. Tên lót “thị” cũng ít được dùng hơn cho nữ.

Người dân Quảng Nam cũng có cách đặt tên như nhiều vùng, miền trong cả nước nhưng cách xưng hô trước đây khác hẳn so với nhiều địa phương khác. Chẳng hạn, người chồng là Nguyễn Văn A lấy vợ Trần Thị B, sinh đứa con đầu lòng đặt tên Nguyễn Văn C (nếu là nữ thì Nguyễn Thị C). Thế là mọi người từ làng trên tới xóm dưới đều gọi ông A, bà B theo tên của đứa con đầu là ông C, bà C, lâu dần quên luôn cái “tên cúng cơm” của mình. Cách xưng hô này cũng là tập tục ngày trước của nhiều vùng quê xứ Quảng. Trải qua chiến tranh, các loại giấy tờ mang tên thật bị thất lạc và chủ yếu sau ngày thống nhất đất nước mới làm nhiều loại giấy tờ có liên quan theo quy định của Nhà nước.

Thế là ai cũng kê khai tên theo thói quen từ cách xưng hô (tức theo tên con), nên trong một gia đình của làng quê có 3 cái tên giống nhau như cha Nguyễn Văn C, mẹ Trần Thị C và con cũng Nguyễn Văn C.

Không hiếm những trường hợp hộ khẩu hoặc các loại giấy tờ mang tên người cha đã qua đời nhưng người con còn sống có cái tên giống… cha như đúc lại gặp rắc rối mỗi khi liên quan thủ tục hành chính vì trùng họ, tên với người đã mất. Vì vậy, hàng chục năm qua, quy định của pháp luật và các ngành chức năng đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc kiểm tra, đối chiếu, hướng dẫn việc bổ sung thủ tục để xác nhận rõ ràng mối quan hệ gia đình.

Hiện nay, những cái tên dễ gây nhầm lẫn, phản cảm, ảnh hưởng đến tâm lý, cuộc sống, tinh thần, thì pháp luật dân sự quy định cho phép đổi tên khác. Vẫn biết vậy, nhưng việc đổi tên không đơn giản, nhất là đối với những người đã trưởng thành, bởi phía sau cái tên mới của họ là hàng loạt giấy tờ, bằng cấp…
Thế mới biết, cái tên đâu chỉ là… cái tên mà nó còn mang bao nỗi vui, buồn, hay, dở của con người. Cách tốt nhất về phương pháp đặt tên là làm sao cho ngắn gọn, dễ gọi, khỏi phải cải sửa về sau và tránh tình trạng “1 trong 3” như nói ở trên là được.

THÁI MỸ

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích