Bềnh bồng câu hát Trương Chi

.

Bạn gửi email về cho tui. Cứ hẹn hoài mà chẳng thấy một lần thăm quê. Thư nào bạn cũng than buồn, xứ người lạnh lẽo, xa xôi... Rồi lại kể lể về những kỷ niệm từ thời con nít. Cái thời hai đứa tồng ngồng lội qua sông moi trộm khoai lang, bắt cào cào, châu chấu.

Bạn hỏi làng mình còn ra bãi trồng thuốc lá nữa không? Con đường làng vào mùa này chắc là lắm đom đóm. Ngõ nhà thằng Biện còn tối thui như hồi trước không? Riết rồi tui như người mộng du. Ngày ở hiện tại, đêm chìm trong ký ức ngọt ngào thời thơ trẻ.

Còn nhớ, trước ngày bạn đi xa, hai đứa lội ra bãi đất bồi giữa dòng sông ngồi ngắm nhịp cầu gãy đôi chìm dần trong ráng chiều đỏ rực. Bạn nói: “Khi mô cây cầu Cẩm Lệ hết gãy, tui về…”.

Vậy mà đã ba mươi mấy năm rồi. Thời gian như nước chảy qua cầu. Chỉ có bạn dường như chẳng chịu rời xa dòng sông ký ức. Tui cũng chẳng biết trả lời bạn như thế nào nữa. Làng xóm bây giờ điện đóm sáng choang, ngõ hẻm đổ bê-tông láng coóng lấy đâu không gian dìu dịu, nồng nàn mùi đất ẩm cho bầy đom đóm ngày xưa lập lòe bay. Chẳng còn đâu ra bóng tre nghiêng ngả ớn lạnh trong đêm đông, khiến hai đứa co giò chạy một hơi như ma rượt. Cây cầu cũ ngày xưa bây giờ đã được xây mới đẹp lắm. Nhìn xa như một dải lụa mềm mại kiêu hãnh vắt qua bờ vai của cô gái đôi mươi.

Ngày 20-11 năm ngoái, bọn mình rủ nhau về lại thăm thầy chủ nhiệm cũ. Bạn còn nhớ thầy Viên chủ nhiệm lớp 9D của bọn mình không? Thầy hỏi thăm bạn. Thầy bảo: “Trương Chi có hay mail cho mấy đứa không?”. Bọn mình buồn cười quá. Thầy vẫn không hề quên đứa nào, bạn hỉ! Tui thấy nhớ quá đi thôi những ngày đi học. Mỗi lần đi về qua nhịp cầu gãy, tim tui như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực rơi tõm xuống dòng sông. Tấm ri sắt bắc tạm qua cầu như muốn sụp dưới sức nặng của dòng người lam lũ. Bao giờ bạn cũng vác giùm chiếc xe đạp cà tàng của tui đi trước.

Tui lò dò ôm cặp, cầm nón, xách dép đi sau. Có hôm trời nổi cơn giông gió. Mưa giăng tứ bề. Chiếc nón lá của tui đứt quai bay vèo xuống dòng sông trôi xuôi về biển. Tui đã khóc như mưa gió ngoài trời. Một phần vì tiếc chiếc nón bài thơ mới tinh, một phần sợ trận đòn sắp tới đang chờ khi trở về nhà. Hình như sau lần đó, bao giờ bạn cũng giành phần giữ chiếc nón cho tui khi bước qua cầu.

Rồi những chuyến đò ngang xuất hiện làm con sông bỗng duyên dáng hơn ngày thường. Ngày nào bọn mình cũng phải đi thật sớm để chờ đò qua sông. Mẹ tui bảo đi vòng đường Cầu Đỏ tuy xa nhưng đỡ lo sông nước bất trắc. Nhưng tui vẫn lén mẹ đi đò qua sông Cẩm Lệ hằng ngày. Hồi đó, học trò đi đò được ưu tiên không phải trả tiền. Cái cảm giác không mất tiền lại được rong ruổi cùng sóng nước thật là thú vị. Bao giờ bạn cũng xí chỗ cho tui ngồi trước mũi đò.

Vừa hóng gió mát, vừa có thể ngắm từng đám lục bình trôi tím ngát đến tận cuối trời. Những hôm trời mưa giăng giăng, bến sông đìu hiu vắng ngắt. Chỉ có tui và bạn, hai áo tơi, hai chiếc xe đạp, một con đò phiêu du qua dòng sông rộng đỏ ngầu con nước. Bạn nói: “Mai mốt có tiền, tui mua con đò chở ấy đi học…”. Tui cười bảo: “Lúc nớ người ta xây cầu mới rồi, ai đi đò làm chi!”. Chưa bao giờ tui thấy mặt bạn thật khó coi như rứa!…

Một lần, trời đổ mưa như bao mùa đông khác. Chiếc xe đạp đáng ra phải vào viện bảo tàng bỗng dưng trở chứng. Dây sên đứt xoạch giữa đường. Dắt bộ hơn năm cây số đường làng lầy lội. Đến nơi, bến đò vắng tanh. Chỉ thấy những con sóng dập dềnh tấp vào bờ những xác lá mảnh mai tội nghiệp. Ngồi thu lu một mình trên bờ sông, ngó sang bên kia nhắm mắt lại…

Trong cơn mưa màu xám bạc, thấp thoáng bóng con đò như đang trôi trong cõi thiên thai. Tui mừng đến phát khóc. Hai tay huơ huơ trên đầu như anh chàng Robinson trên hoang đảo. Lập cập định vác xe xuống đò, tui bỗng nghe đôi tay mình nhẹ hẫng. Một nụ cười tím ngắt vì lạnh làm tim tui tan chảy theo từng giọt mưa. Bạn nói: “Tui đã nói là sẽ chèo đò chở ấy đi học mà!…”.

 Từ bữa đó, cái tên Trương Chi được khai sinh một lần nữa. Chưa kịp thổi khúc sáo tương tư tặng Mỵ Nương, Trương Chi đã từ giã mái trường, lớp học và cả bạn bè để theo gia đình đi kinh tế mới. Thế là từ đó bặt tin nhau…

 Nhưng trái đất vốn dĩ hình tròn nên con tạo cứ xoay vần cho đời người bớt lao đao lận đận. Bất ngờ nhận email của bạn từ nơi xứ người lạ lẫm gởi về. Ôi chao! Phải đi nửa vòng trái đất, sống gần nửa đời người bạn mới thấy thấm thía nỗi nhớ quê ư? Mẹ tui từng nói rằng, thương nhớ làm người ta khổ đắng khổ cay. Bạn cũng đang làm khổ tui bằng những nhớ thương không nguôi về một thời quá vãng…

 Hôm qua lại về quê. Mỗi năm mấy cái đám giỗ, đám chạp như sợi dây neo buộc chặt tui với quê nhà. Phố Cẩm mùa đông huyền hoặc trong sương sớm giăng ngang. Cây cầu thương nhớ ngày nào vẫn đi về những tà áo học trò tinh khôi, tựa hồ như bầy thiên nga vỗ cánh bay vào xứ cổ tích thần tiên. Nghe thời gian đổ về quanh đây rồi tan ra thành trăm con sóng nhỏ dưới chân cầu. Tóc bây giờ đã nhiều sợi bạc. Cây cầu ngày xưa giờ đã nối nhịp. Mà sao đôi bờ vẫn bềnh bồng câu hát Trương Chi…  

QUANG CHÂU



 

;
;
.
.
.
.
.