Mùa dịch, nghĩ về hạnh phúc

.

Hạnh phúc là một khái niệm với nội hàm vô cùng rộng lớn. Mỗi con người ở mỗi thời điểm khác nhau, có quan niệm và cảm nhận khác nhau về hạnh phúc. Hạnh phúc có thể là những điều lớn lao nhưng cũng có thể là những điều nhỏ bé, dung dị. Vì vậy, có rất nhiều câu trả lời cho câu hỏi “Hạnh phúc là gì?”, bởi mỗi người có quan niệm và cách cảm nhận hạnh phúc riêng của mình.

“Cơn bão” Covid-19 xảy ra ở Đà Nẵng từ cuối tháng 7 vừa qua, làm xáo trộn cuộc sống của nhiều người và cũng đã làm cho nhiều người ngộ ra rằng “hạnh phúc” là những điều vô cùng đơn giãn. Dịch bệnh gây nhiều thiệt hại, lo âu cũng như mất mát. Thế nhưng, có một giá trị tích cực mà nhiều người đang tìm lại giữa “cơn bão” Covid-19, đó là nhiều gia đình xích lại gần nhau hơn. Những bữa cơm đều đặn đầy đủ các thành viên gia đình trong tiếng nói cười và nhiều câu chuyện được sẻ chia. Một người bạn của tôi tâm sự, trước đây, hầu như chiều nào chồng bạn cũng có mặt ở các quán nhậu, với đủ lý do từ tiếp khách đến các cuộc nhậu “có tên” như sinh nhật, thăng chức, liên hoan…

Bởi vậy, thời gian vợ chồng gặp nhau, con cái gặp bố rất ít ỏi. Hơn một tháng qua, thường xuyên ở nhà nên anh biết vợ phải “bù đầu” với việc nhà như thế nào. Bạn khoe, chồng đã nhận nhiệm vụ từ đây về sau sẽ quét nhà buổi sáng và xếp gọn áo quần vào tủ!

Người bạn khác kể, hơn một tháng cách ly, từ sân nhà ở Đà Nẵng đến sân nhà ở Quảng Nam chỉ 16km mà không thể về. Hôm nghe điện thoại bố bảo đang đứng ở chốt trên tuyến đường Trần Đại Nghĩa (quận Ngũ Hành Sơn), con ra lấy đồ về mà ăn, bạn thấy nghẹn trong lồng ngực. Bố mẹ ở quê gói ghém từng trái đu đủ, bó rau, chục trứng gà, năm chục ký gạo để “tiếp tế” cho bạn. Lúc bạn đến chốt, người đứng bên này, người bên kia, nhìn bố gầy guộc hòa vào dòng người, bạn đứt ruột vì thương. Không chỉ bạn mà có thêm một vài người nữa cũng đang đứng đợi đồ “tiếp tế” từ quê nhà. Những món quà quê đơn sơ thấm đượm biết bao ân tình.

Tôi không thống kê được có bao nhiêu hội, nhóm, cá nhân làm từ thiện trong đợt dịch này ở Đà Nẵng. Chỉ biết, mỗi ngày mở mạng xã hội và các trang báo, bên cạnh thông tin dày đặc về dịch bệnh thì thông tin về hoạt động nhân ái cũng ngập tràn. Nếu như bên trong cánh cổng bệnh viện là hàng ngàn y, bác sĩ đang chăm sóc, điều trị, bảo vệ sức khỏe của người bệnh, thì bên ngoài là cả cộng đồng hướng về, tiếp sức bằng những phần cơm nóng hổi, những ly nước cam bổ dưỡng, những chuyến xe xuyên đêm nhận hàng cứu trợ; là những bạn trẻ nhiều ngày đêm chưa có giấc ngủ trọn vẹn; là những công nhân vệ sinh cần mẫn với công việc thu gom, xử lý rác thải nguy hại nhằm cắt nguồn lây, triệt tiêu mầm bệnh, góp phần phòng, chống dịch hiệu quả… Mỗi người, bằng khả năng của mình, bằng cảm nhận hạnh phúc của riêng mình đã làm nên một Đà Nẵng ân tình.

Niềm hạnh phúc đó còn là cảm giác vỡ òa mỗi khi một ca mắc Covid-19 được điều trị khỏi, đặc biệt là việc em bé con một bệnh nhân Covid-19 chào đời khỏe mạnh tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang. Bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, đã thông tin cho báo chí rằng, nghe tin sản phụ “mẹ tròn con vuông”, điện thoại của anh nhận tới tấp tin nhắn chúc mừng từ những người quen lẫn không quen, đó là một niềm khích lệ đối với đội ngũ y, bác sĩ của thành phố.

Chiều 4-9, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Công văn số 5896/UBND-VHXH về việc chuyển trạng thái áp dụng các biện pháp phòng, chống Covid-19 trên địa bàn trong tình hình hiện nay, trong đó quy định “các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống chỉ được bán hàng cho khách mang đi, đặt hàng và bán hàng qua mạng, giao hàng tận nơi cho khách hàng; nghiêm cấm phục vụ khách tại chỗ”. Lấy xe dạo một vòng quanh thành phố, ngó nghiêng vào những hàng quán thân quen, tôi bắt gặp nụ cười tỏa rạng của các bà, các cô, các chị. Họ đem xoong, nồi, chảo, đũa, muỗng… ra dọn rửa, phơi phóng. Tiếng cười nói rôm rả giữa chủ quán và người giúp việc sau thời gian dài không gặp như nồng đượm, giòn giã hơn. Tiếng cửa sắt nhà ai cả tháng đóng im ỉm nay mở trở lại nghe kẽo kẹt, kẽo kịt. Từng góc phố cứ thế như bừng sáng, rộn ràng. Những thanh âm vốn bình thường nay reo vui, hăm hở.

Có đi qua mùa dịch mới thấy, cuộc sống “bình thường” đáng giá thế nào!

HẢI ÂU

;
;
.
.
.
.
.