Theo thời gian, những con người xa lạ sống cùng khu chung cư (KCC) bỗng chốc gần gũi, thân thiết như người nhà. Từ những câu chuyện nhỏ như chia nhau củ hành, củ nén đến chuyện nhờ đón con, đưa người đi viện, giúp nhau lo ma chay, hiếu hỉ đã trở thành sợ dây gắn kết, vun đầy tình cảm láng giềng.
Người dân khu chung cư 12T2, phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) ủng hộ công tác phòng, chống dịch tại chung cư. Ảnh: N.T |
Tình làng, nghĩa xóm
Ở chung cư, chuyện “tối lửa tắt đèn có nhau” khiến cuộc sống mỗi người thêm ấm áp. Chị H.T.Y, sinh sống tại KCC 4A Làng cá Nại Hiên Đông (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) kể cách đây 5 năm, vào một đêm muộn, chồng từ Huế gọi vào báo tin ba chồng mất, sáng sớm hôm sau phải nhập quan. Quê chồng giáp Quảng Trị, nếu đi xe đò từ Đà Nẵng ra phải mất 3-4 giờ đồng hồ, nhưng đêm muộn thì làm gì có xe. Đang lúc bối rối thì anh L.N, người hàng xóm ở đối diện biết tin, nói hai mẹ con chị thu xếp về Huế bằng ô-tô của gia đình anh. “Hôm đó, cả nhà anh đi cùng mẹ con tôi ra Huế, đến nơi thì đồng hồ đã nhích qua ngày mới. Tôi nhớ mãi chuyến đi đó, vừa cảm động, vừa biết ơn gia đình người hàng xóm”, chị Y. xúc động cho biết.
Ở phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) có một KCC đặc biệt dành cho phụ nữ đơn thân nuôi con. Mỗi người một hoàn cảnh, sống với đồng lương công nhân eo hẹp hoặc chắp vá theo nghề nhặt ve chai, bán vé số, không ít người thất nghiệp kéo dài. Bình thường, cuộc sống tại KCC này đã buồn, lúc xảy ra Covid-19 thì càng buồn hơn. Ông Phạm Trung Khảm, Bí thư Chi bộ khu Hòa Phú 5A, phường Hòa Minh cho hay, nhiều gia đình trong KCC này cần được trợ giúp. Như quán cà phê cóc của chị Hồ Thị Thành ở sảnh tầng 1 từ Tết đến nay không buôn bán gì, cuộc sống hoàn toàn trông chờ nguồn lương thực, thực phẩm từ các mạnh thường quân. Cuộc đời chị Thành là chuỗi ngày đau khổ, vất vả nhưng khá ấm áp.
Bại liệt hai chân sau một trận sốt lúc 2 tuổi, cơ thể chị Thành gắn với xe lăn từ dạo đó. Lớn lên, chị tự túc có một bé trai, đặt tên P. và theo họ mẹ. Thương chị tật nguyền, lâu nay chị em trong KCC người đưa đón bé P. đi học, người phụ chị Thành dọn bàn đón khách, mua giúp ly cà-phê… Để đỡ đần chị em, Chi bộ khu dân cư, Chi hội phụ nữ thường xuyên theo sát tình hình, “kéo” những suất quà về cho các chị trong khu vực. “Có hôm nhà này may mắn xin được suất gạo về cũng chia sẻ cho nhà khác. Chị em cùng chung hoàn cảnh nên cảm thông và đùm bọc nhau lắm”, ông Khảm nói.
Tự thay đổi, tự điều chỉnh
Chung cư là nơi chốn đi về của các gia đình đến từ nhiều vùng, miền khác nhau nên không tránh khỏi khác biệt về văn hóa, lối sống cũng như cách ứng xử. Ví như, một gia đình có thói quen sạch sẽ, gọn gàng sẽ lấn cấn khi sống cạnh gia đình có lối sống xuề xòa, giày dép, vật dụng bày bừa ngoài hành lang chung; người sống khép kín lại phải ở cạnh người tính tình cởi mở, thích trò chuyện…
Chị N.T.A, sống tại KCC phía nam cầu Trần Thị Lý kể trước đây sau giờ làm việc, chị chỉ muốn về nhà, đóng cửa nghỉ ngơi, không giao tiếp với hàng xóm nhưng mỗi khi đóng lại, nhà ở đối diện lại gõ cửa: “Em mở cửa ra cho vui chứ đóng lại chi buồn rứa”. Nhà cách nhà bởi cái hành lang hẹp, nên nhiều khi mọi người vừa nấu ăn, vừa trò chuyện, chia sẻ công thức bếp núc hay đơn giản là gửi biếu nhau món quà quê. Theo chị T.A, từ ngày về sống ở chung cư, lối sinh hoạt của chị được điều chỉnh khá nhiều để phù hợp với môi trường tập thể. “Dần dần việc mở cửa phòng khiến cuộc sống của tôi thêm thú vị. Không chỉ nhà cửa luôn sạch sẽ, chuyện ăn mặc ở nhà cũng được tôi chăm chuốt, vừa đẹp vừa kín đáo vì bất cứ khi nào nhà hàng xóm cũng có thể chạy qua bắt chuyện”, chị T.A cười.
Ở tuổi 73, ông Lê Tự Mạnh, sinh sống tại KCC 12T2, phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) những ngày qua liên tục “cắm chốt” tại lối ra vào tòa nhà, kiểm soát việc đi lại của người dân để phòng, chống Covid-19. Nhiều thanh niên muốn “ra phố” nếu không đưa ra lý do chính đáng, ông Mạnh kiên quyết yêu cầu quay lại nhà, tương tự nhiều người sinh sống bên ngoài nếu không có việc cần thiết thì không được vào chung cư.
Nhiều người nói rằng, sự có mặt của người cao tuổi trong các tòa nhà trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc cho nhiều cư dân, nhất là trong chuyện hiếu hỉ hay lễ nghi cúng bái dịp Tết. “Ở tập thể nên những chuyện to, chuyện nhỏ liên quan đến nghi lễ, cúng bái hoặc ma chay, chúng tôi đều tham khảo ý kiến người lớn, từ đơn giản như chuyện nên cúng nước trà hay nước lọc, hoa chọn loại nào, cây hương cháy đến đoạn nào có thể hạ mâm cúng…”, một cư dân sống tại tòa nhà 12T2 cho hay.
Nói vậy không có nghĩa ở chung cư chỉ toàn điều tốt đẹp. Chuyện nhà tầng trên vô tình để nước thấm tường, nhỏ giọt xuống tầng dưới dễ khiến người trong cuộc không hài lòng, chuyện ai đó để trẻ con liên tục bấm thang máy, xả rác ngoài hành lang hay mở nhạc, tivi quá to cũng phiền nhà hàng xóm. Vì vậy, chung cư cũng là nơi rất tốt để mỗi người tự gọt giũa mình cách ứng xử phù hợp hơn với môi trường tập thể. Và, ở khía cạnh nào đó, chung cư còn là nơi để người lớn dạy trẻ con sự lễ phép, dạ thưa - truyền thống văn hóa của người dân Việt Nam.
TIỂU YẾN