Người cao tuổi thường ứng phó Covid-19 tốt hơn

.

Người cao tuổi là nhóm có nguy cơ cao hơn trong đại dịch Covid-19. Song, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, người cao tuổi chính là nhóm có khả năng ứng xử với dịch bệnh tốt hơn nhiều so với người trẻ.

Xét nghiệm Covid-19 ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: AFP/Getty Images
Xét nghiệm Covid-19 ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: AFP/Getty Images

Thực tế, phân tích từ các nghiên cứu tâm lý và xã hội học cho thấy, người già có những trải nghiệm sống phong phú và đầy đặn tới mức họ có thể điềm tĩnh và nhẫn nại ứng phó với các bất trắc, biến cố của đời sống (kiểu như Covid-9) tốt hơn nhiều so với những người trẻ. Học người lớn tuổi để sống chậm hơn và ứng phó với dịch bệnh tốt hơn là một góc nhìn thú vị từ các nghiên cứu xã hội học và nghiên cứu tâm lý trong bối cảnh cuộc sống hôm nay.

Chuyện gì rồi cũng sẽ qua

Không giống những người trẻ trong độ tuổi thanh-thiếu niên vốn sinh ra trong một thế giới quen với những thỏa mãn tức thời từ những cái “like” trên mạng xã hội, những người ở độ tuổi từ 65 trở lên biết chờ đợi và có thể nhẫn nại trong những tình huống thử thách nhất, giống như đại dịch Covid-19.

Bà Ellyn A. Lem, tác giả cuốn sách “Gray Matters: Fingding meaning in the stories of later life” dẫn ra nghiên cứu cho biết, phần lớn mọi người trên thế giới đều cảm thấy hạnh phúc hơn khi già đi, có lẽ vì họ biết chấp nhận những thay đổi tất yếu sẽ xảy ra theo thời gian và ngày càng biết trân trọng hơn những điều tốt đẹp có được và còn lại trong cuộc sống của mình. Tác giả này đã khảo sát với 25 câu hỏi mở thực hiện tại các trung tâm và cơ sở chăm sóc người từ 65 tuổi trở lên ở Mỹ, đồng thời khảo sát qua mạng với người thân và bạn bè của những người cao tuổi để hiểu hơn về trải nghiệm ứng phó Covid-19.

Theo đó, bà Ellyn A. Lem nhận thấy hơn 200 người tham gia khảo sát hầu như đều mô tả tâm trạng tích cực của họ mỗi ngày, bất chấp thực tế phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe và đôi khi cả nỗi cô đơn.

Khi anh Patrick Klaiber, nghiên cứu sinh tại Đại học British Columbia và các đồng nghiệp thu thập kết quả khảo sát hằng ngày từ tháng 3 đến tháng 4 với 776 người thuộc độ tuổi từ 18-91 trong đại dịch Covid-19, họ nhận thấy những thế hệ lớn tuổi hơn đã có cách hành xử với những căng thẳng phát sinh hiệu quả hơn người trẻ. Cũng theo nghiên cứu này, họ nhận thấy người trẻ có nhiều căng thẳng thường nhật không liên quan Covid-19 nhiều hơn, họ được cho là có khả năng kiểm soát những yếu tố gây căng thẳng tốt hơn nhưng cách giải quyết kém hiệu quả hơn người lớn tuổi. Trong những tuần đầu tiên khi xảy ra đại dịch, những người lớn tuổi còn cho thấy họ có cảm xúc tích cực hơn.

Một số báo cáo nghiên cứu khác cũng rút ra những thông tin tương tự, trong đó có nghiên cứu của Công ty đầu tư Edward Jones và tổ chức nghiên cứu Age Wave thực hiện với 9.000 người thuộc 5 thế hệ khác nhau. Đối với nghiên cứu này, những người lớn tuổi hơn có cách xử lý Covid-19 ở mức rất tốt cũng chiếm tỷ lệ lớn hơn.

Theo báo cáo nghiên cứu, bất chấp những tác động lớn và đáng lo hơn về sức khỏe của Covid-19 đối với người lớn tuổi, họ vẫn là nhóm có khả năng đương đầu vững vàng và ứng phó dịch bệnh tốt hơn. Cụ thể, ở Mỹ có 37% người thuộc Gen Z (thế hệ sinh ra trong khoảng năm 1996-2005) và 27% thuộc thế hệ Millennials (những người sinh ra từ khoảng năm 1980 đến đầu thập niên 2000) nói rằng, sức khỏe tâm thần của họ bị sa sút kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Trong khi đó, chỉ 15% trong thế hệ Baby Boomers (những người được sinh trong giai đoạn năm 1946-1964, thời kỳ bùng nổ trẻ sơ sinh của thế giới sau Thế chiến thứ hai) và 8% trong thế hệ Silent Gen (những người được sinh trong khoảng năm 1945-1928) gặp tình trạng này. Xu hướng tương tự cũng được ghi nhận tại Canada khi 38% bạn trẻ thuộc thế hệ Z cảm thấy tinh thần của họ sa sút trong dịch bệnh, trong khi tỷ lệ này chỉ 7% ở thế hệ Silent Gen.

Được sống đã là may mắn

Lý giải nguyên nhân khác biệt này, giới chuyên gia cho rằng, một phần vì người lớn tuổi thường ít phải đối mặt hơn với các xung đột gia đình - công việc so với người trẻ. Nhưng một số người thừa nhận chính những trải nghiệm đã kinh qua trong đời sống khiến người lớn tuổi luôn điềm tĩnh tin rằng những giai đoạn dù khó khăn đến đâu rồi rốt cuộc cũng sẽ qua. Kinh nghiệm sống cũng khiến họ kiên cường hơn trước những khó khăn, thử thách.

Báo Washington Post dẫn ra trường hợp của ông Lou, vừa bước sang tuổi thượng thọ 90, đã dành suốt khoảng thời gian vừa qua trong đại dịch Covid-19 để nghe nhạc và viết cuốn tự truyện của mình. “Chúng tôi đang ứng xử với đại dịch bằng một thái độ tích cực”, ông nói.

Ông Lou từng sống sót trong cuộc chiến tranh Triều Tiên vào năm 22 tuổi. Ông cho rằng, đó là “khoảnh khắc ngộ ra” lớn nhất, khiến ông hiểu việc được sống đã là may mắn. Vì vậy, ông trân trọng từng khoảnh khắc của cuộc sống hiện tại, bất kể nó nhiều thách thức ra sao.

Trần Đắc Luân (Theo NYT, Washington Post)

;
;
.
.
.
.
.