Môi trường làm việc không khói thuốc lá góp phần tạo nếp sống văn minh, lịch sự cho người lao động giữ gìn tốt sức khỏe, duy trì lối sống lành mạnh. Môi trường làm việc không khói thuốc cũng là biện pháp hữu hiệu để thực hiện quyền của người không hút thuốc được hít thở bầu không khí trong lành.
Hệ thống biển báo tuyên truyền việc không hút thuốc đặt khắp nơi tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng. Ảnh: Q.T |
Mỗi người lao động là tuyên truyền viên
Mấy hôm nay, ông Lê Công Đông, Chủ tịch UBND phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ) chỉ đạo cán bộ phường khôi phục, dán lại các biển cấm hành vi hút thuốc tại các cửa ra vào của đơn vị này. “Tuyên truyền tác hại của thuốc lá cũng như cấm hút thuốc trong khuôn viên UBND phường là việc làm thường xuyên, liên tục. Không chỉ các tranh, ảnh, biển báo lớn được đặt tại sảnh mà ở tất cả các phòng, ban đều có tấm biển nhỏ nhắc nhở cán bộ không được hút thuốc tại nơi làm việc.
Việc nhắc nhở này thuận lợi vì tất cả lãnh đạo tại phường đều gương mẫu không hút thuốc nên người lao động cũng theo đó mà làm. Người dân ra vào trụ sở phường làm thủ tục cũng được nhắc nhở, theo dõi sát sao, bất kỳ hành động hay ý định hút thuốc nào bị phát hiện đều được nhắc nhở kịp thời”, ông Công nói.
Theo ông Công, từ khi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực vào năm 2013, tại trụ sở UBND phường Khuê Trung gần như không tồn tại khói thuốc lá. Cán bộ, công chức, người lao động làm việc cố định tại trụ sở phường tuyệt nhiên không ai hút thuốc lá trong cơ quan. Mỗi cá nhân, người lao động đang làm việc tại phường đều là tuyên truyền viên, có trách nhiệm nhắc nhở, khuyến cáo khi phát hiện hành động hút thuốc lá trong khuôn viên trụ sở.
Với Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, nơi có 957 nhân viên làm việc, hằng ngày tiếp nhận từ 700-750 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị, số lượng người nhà bệnh nhân đến chăm sóc cũng khá đông. Đã lâu trong bệnh viện không còn hình ảnh cán bộ, bác sĩ hút thuốc lá trong giờ làm việc, 100% nhân viên ký cam kết thực hiện xây dựng môi trường không thuốc lá. Bệnh viện thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện “Bệnh viện văn hóa, xanh - sạch - đẹp không khói thuốc lá và an toàn về an ninh trật tự” do Giám đốc Bệnh viện làm trưởng ban. Với sự kiên quyết vào cuộc của Ban giám đốc, các cán bộ, nhân viên BV đã nhận thức được tác hại của thuốc lá nên tự nguyện bỏ thuốc.
Đến nay, BV duy trì việc giám sát chấp hành quy chế ở các khoa, phòng, nên hiệu quả thực hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá ở đơn vị có sự chuyển biến rõ rệt. BS CKI Bùi Thị Minh Hiền, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho hay: “Chúng tôi kiên quyết không nhận tài trợ của các công ty thuốc lá, không quảng cáo thuốc lá tại căn-tin, siêu thị trong bệnh viện; đồng thời đưa việc không hút thuốc lá vào tiêu chí thi đua của các khoa, phòng. Trong đợt kiểm tra của Công đoàn ngành Y tế về tiêu chí giám sát BV không thuốc lá năm vừa qua, BV chúng tôi đạt 97/100 điểm”.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Tâm Trí Đà Nẵng, các tranh ảnh, áp-phích tuyên truyền tác hại của thuốc lá được dán tại các vị trí công cộng trong khuôn viện BV; đồng thời, BV bố trí phòng hút thuốc lá riêng biệt tại tầng 7, khu vực sảnh ngoài của căn-tin. Tại đây, nhân viên, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và khách hàng có thể hút thuốc lá mà không ảnh hưởng đến khu vực khám, chữa bệnh. Phòng hút thuốc lá được tách biệt với các phòng, ban khác, có lan can và không khí đối lưu với không khí bên ngoài, phòng có cây xanh và ghế đá để tạo điều kiện cho khách hàng thư giãn và hút thuốc lá khi có nhu cầu.
Còn nhiều rào cản
Theo Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe (nay là Khoa Truyền thông Giáo dục sức khỏe, thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố), việc tổ chức địa điểm cấm hút thuốc đã được triển khai ở hầu hết các địa điểm theo Điều 11 của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, bao gồm: nơi làm việc, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; bar, karaoke, vũ trường, khách sạn và cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng; các phương tiện giao thông công cộng... BS CKI Bùi Thị Minh Hiền cho hay, người hút thuốc trong bệnh viện chủ yếu là người nhà bệnh nhân.
Họ thường tìm những góc khuất để hút; hoặc khi thấy nhân viên y tế đi qua, họ giấu thuốc lá, khi vắng người lại đem ra hút. Vì vậy, vấn đề là phải làm sao để người nghiện thuốc lá tự ý thức được tác hại của thuốc lá và môi trường chứa khói thuốc lá đối với những người chung quanh và tự nguyện bỏ, chứ không phải dùng đến chế tài.
Để giảm thiểu và chấm dứt tình trạng hút thuốc nơi công sở không phải là chuyện ngày một ngày hai. Mặc dù quy định của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đã ban hành từ lâu nhưng tình trạng hút thuốc nơi công sở vẫn diễn ra âm ỉ, không lan rộng, phổ biến, có thể xem là tồn tại công khai. Bàn về giải pháp, bác sĩ Nguyễn Hoàng Việt (Khoa Nội, Bệnh viện Tâm Trí) cho rằng, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong có thể ngăn ngừa được, mục tiêu của kiểm soát thuốc lá toàn diện là giảm tác hại cho xã hội.
Giúp những người hút thuốc bỏ thuốc lá là không đủ - điều quan trọng là ngăn những người trẻ tuổi hít phải điếu thuốc đầu tiên. “Chúng ta nên tăng độ tuổi mua sản phẩm thuốc lá tối thiểu lên 21 tuổi và nghiêm cấm hành vi bán thuốc lá cho người dưới 21 tuổi. Đây là chiến lược quan trọng trong việc giảm hút thuốc lá và sử dụng thuốc lá khác ở thanh niên.
Việc tăng độ tuổi này sẽ làm giảm khả năng học sinh trung học có thể mua các sản phẩm thuốc lá hợp pháp; đồng thời tăng cường các chương trình giáo dục sức khỏe và nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của việc sử dụng thuốc lá, đẩy mạnh các biện pháp nhằm thực thi nghiêm Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đã có”, bác sĩ Việt nói.
Trong khi đó, theo ông Diệp Dân Hùng, Trưởng phòng Văn hóa - Xã hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND thành phố Đà Nẵng, nên đưa tiêu chí không hút thuốc tại công sở đối với đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức vào đánh giá công chức đảng viên hằng tháng, trong đánh giá phân loại công chức, viên chức cuối năm và trong xét các danh hiệu thi đua. Trên hết phải có bộ phận kiểm tra, phát hiện và xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá tại mỗi cơ quan đơn vị, làm cho nghiêm, không “đánh trống bỏ dùi”, làm cho có, làm chỉ để đối phó, mang tính hình thức...
Hút thuốc tại nơi cấm bị phạt đến 300.000 đồng Theo Điều 11 Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2012, có hiệu lực từ ngày 1-5-2013, có 4 địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên gồm: bệnh viện, trạm y tế; trường học (trừ trường cao đẳng, học viện); nơi chăm sóc, nuôi dưỡng vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao. Có 3 địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà gồm: cơ quan, công sở, nơi làm việc; trường cao đẳng, đại học, học viện; địa điểm công cộng. Luật cũng cấm hoàn toàn hút thuốc trên máy bay, ô-tô, tàu điện. Điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế nêu rõ: Hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng. Mức phạt này cũng được áp dụng đối với người bỏ mẩu, tàu thuốc lá không đúng nơi quy định khi hút thuốc lá tại những địa điểm được phép hút thuốc lá. Riêng hút thuốc lá trên máy bay được áp dụng mức phạt theo quy định của Nghị định số 147/2013/NĐ-CP; theo đó, người hút thuốc, kể cả thuốc lá điện tử trên máy bay, bị phạt từ 3-5 triệu đồng. Không được nhờ trẻ dưới 18 tuổi mua thuốc lá Theo Điều 9 Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2012, việc sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá là một trong những hành vi bị nghiêm cấm. Luật cũng cấm người chưa đủ 18 tuổi sử dụng và mua bán thuốc lá. Khoản 1 Điều 24 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 300.000 đồng đối với người chưa đủ 18 tuổi hút thuốc lá. |
Theo Khoa Truyền thông Giáo dục sức khỏe thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng, từ năm 2015 đến nay, Đà Nẵng triển khai chương trình xây dựng mô hình “Nơi làm việc không khói thuốc lá” tại gần 700 đơn vị, trong đó có 162 cơ quan hành chính sự nghiệp, 100 cơ sở y tế, 332 cơ sở giáo dục và hơn 100 nơi làm việc/công cộng khác như khách sạn, nhà hàng, nhà máy, xí nghiệp, bến xe, khu vui chơi, giải trí... Khoa Truyền thông Giáo dục sức khỏe cũng tổ chức các đợt giám sát hỗ trợ (3 đợt/năm) tại các cơ quan hành chính, y tế, trường học, khách sạn, nhà hàng… Sở Y tế phối hợp với Sở Công thương và Sở Du lịch thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tại các cơ quan, đơn vị, nhưng chỉ mới tập trung chủ yếu tại các nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch. Qua kiểm tra, chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở là chủ yếu, chưa tiến hành kiểm tra, xử phạt tại các điểm công cộng có quy định cấm hút thuốc lá hoàn toàn. |
QUỲNH TRANG