Yêu thương bát ngát

.

Mỗi năm có đến 12 kỳ trăng rằm nhưng có lẽ chỉ đêm rằm tháng Tám mới tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng con trẻ. Bởi đó là món quà, đó là Tết Trung thu. Mà đã là Tết thì vui, Tết thì rậm rịch háo hức, rậm rịch chờ đợi và chuẩn bị đến cả nửa tháng.

“Cái khó ló cái khôn”, con nhà nghèo có hàng chục cách sửa soạn “đạo cụ” cho đêm hội trăng rằm. Nhà nào sẵn tre thì nhờ bố vót nan, xin mẹ mua thêm giấy kiếng nhiều màu. Chỉ cần chiều tan học, mấy chị em lại túm tụm, sột soạt gấp gấp dán dán đèn ông sao. Tụi con trai thì linh động hơn, có thể tận dụng lon sữa bò hay vỏ hộp bột giặt, xẻ dọc mấy đường, dùng dây bao xi-măng buộc vào một thanh chắn ngáng giữa miệng lon, đầu kia buộc vào một cái cán gỗ rồi thắp nến vào bên trong là có ngay một hộp đèn chiếu sáng lập lòe khắp đường thôn ngõ xóm.

Với trẻ nhà nghèo thời xưa, những đêm trăng sáng thực sự là cơ hội cho cái thú ham chơi, ham vui, ham kết bè kết bạn. Phải nói, trong một năm, không có một mùa nào mà trăng sáng, to và gần như trăng thu. Cả bầu trời hầu như phẳng lì, rất ít gợn mây, thứ ánh sáng lung linh kỳ ảo quyện hòa và cộng hưởng cùng làn gió đêm thu rười rượi ấy khiến người già khoan khoái, người trẻ tương tư, còn bọn nít nôi thì vừa hồn nhiên, vừa giòn giã, đẹp như miền cổ tích.

Vào đêm hội chính, các nhóm trẻ có thể hẹn nhau rước đèn, đánh trống, đốt pháo hạt bưởi nổ lép bép đi khắp làng. Chúng vừa hát hò, vừa nghịch ngợm, cười nói giòn tan. Về phần hàng bánh, mâm cỗ đêm rằm tất nhiên không dồi dào và giàu có như bây giờ nhưng cũng xanh xanh đỏ đỏ đủ màu, toàn những thương hiệu mà hiện tại đã trở nên “hiếm có khó tìm” như: kẹo chanh, kẹo dừa, kẹo bốn mùa. Có những năm tụi nhỏ có thêm mấy bịch bánh nướng, bánh dẻo. Có lúc không đủ phần, mấy đứa cùng chia năm xẻ bảy một cái, vị béo và mùi dầu ngậy gần thiu của cục thịt mỡ nhân bánh vẫn luôn khiến ối đứa thòm thèm…

Kỷ niệm quả thực là thứ tài sản không cần ổ khóa để lưu giữ nhưng chẳng ai có thể xâm phạm, dù đó là hiện tại ngổn ngang. Những ngày này, tôi cùng con xuống đường dạo chơi. Phố lại vào mùa Trung thu mới, khoác lên mình chiếc áo rực rỡ đèn hoa. Dưới những tán cây là những chùm đèn lồng hình cầu, hình con cá chép, hình đèn kéo quân được kết khéo, bắt mắt, tỏa ra ánh sáng xanh đỏ tạo không khí rộn ràng. Dạo qua mấy khu trung tâm, những quầy bánh trung thu đến từ các thương hiệu lớn đang chào khách. Mọi thứ thật hấp dẫn, đủ đầy, thậm chí thừa thãi… 

Rồi cơ man những cửa hàng, quầy tạp hóa bày bán những đồ chơi công nghiệp, đèn điện tử bỏ pin, chỉ cần bật công tắc là “auto” lóa sáng, phát nhạc xập xình. Trẻ con sẽ chẳng còn được mấy cháu thuộc những bài hát, những đoạn đồng dao kể về chú Cuội - chị Hằng, hay được nghe những điệu hát trống quân chùng chình nhịp điệu. Vật báu của tuổi thơ là sự tưởng tượng và mộng mơ từ đây cũng khiếm khuyết đi nhiều.

Thời gian trôi qua, cuộc sống có những đổi thay. Ngày xưa, vì không có điện nên cả nhà bày bàn ra sân quây quần thưởng trăng trò chuyện. Ngày nay, vật chất luôn đủ đầy nhưng con người lại trở nên vội vã. Cần gì khâu chuẩn bị, đúng đêm rằm, già trẻ lớn bé cứ thế tràn ra đường để tìm vui giữa biển người. Trẻ nhỏ thì được bố mẹ đưa đến công viên, cung thiếu nhi; nam thanh nữ tú thì hẹn hò “check in” quán kem chè, cà phê, xem phim…

Vui tết Trung thu, tôi không biết, những đứa trẻ có thỏa thuê được cảm xúc của một đêm vui Trung thu năm nao? Tôi chỉ biết có trăng, ánh trăng đang treo từng vệt sáng hiền dịu trên những mái nhà thì bao giờ cũng bát ngát, bát ngát men theo từng bước chân người để dìu dắt, yêu thương và nâng đỡ. Trăng nhắc nhớ mọi người, mọi nhà về ý nghĩa của một dịp Tết hân hoan đoàn viên.

DIỆU THÔNG

 

;
;
.
.
.
.
.