Mỗi người đều là một nốt nhạc

.

Tập truyện ngắn Bản tình ca cuộc sống (NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2020) của Trần Trà My là bức tranh đa sắc về những nhân vật rất đỗi bình dị trong đời thường. Ở họ, có niềm vui lẫn nỗi buồn, có nụ cười lẫn nước mắt, nhưng hơn hết đều hướng về cái nhìn lạc quan, tích cực…

“Nếu ví cuộc sống là một khuông nhạc thì ở đó mỗi một con người là một nốt nhạc. Vậy sẽ có người may mắn được làm nốt thăng thì cũng có người lặng lẽ làm một nốt lặng, có người ở nốt bổng thì cũng có người ở nốt trầm. Song dù trầm hay bổng, thì mỗi một nốt nhạc đều có một giá trị nhất định trong khuông nhạc, để tạo nên bản tình ca cuộc sống đầy đủ các cung bậc cuộc sống”, Trần Trà My đã mở đầu gần 200 trang sách bằng những tâm tư thay lời tựa dịu dàng.

Cứ thế, 22 truyện ngắn trong Bản tình ca cuộc sống với lối viết nhẹ nhàng nhưng day dứt dẫn dắt người đọc đến với nhiều thân phận con người trong xã hội hiện đại. Trần Trà My đã rất khéo léo khi mượn những câu chuyện riêng để gợi thực trạng chung. Đó là bà cụ sống trong ngôi nhà sang trọng nhưng “cô đơn” người thân, thường mải miết dõi theo nhà bên cạnh - nơi đứa con trai đầu óc không tinh nhanh ân cần dìu người mẹ lên xe lăn rồi đến chùa xin ăn. Đó là tổ ấm khan hiếm bữa cơm chiều khi mỗi người đều tất bật với việc riêng. Đó là người phụ nữ giữa lằn ranh lựa chọn quyên sinh vì ngột ngạt với cuộc sống thường nhật cùng người mẹ chồng thường đay nghiến hay tiếp tục cố gắng vì con trẻ và người chồng hiền lành. Đó là những đứa trẻ thành phố “mồ côi” ba mẹ và được phó mặc cho người giúp việc…

Thế nhưng, Trần Trà My kể những câu chuyện dằng dặc nỗi buồn lại không muốn hướng đến cái buồn. Truyện của cô thường kết lại bằng cái nhìn yêu đời, tinh thần lạc quan và thái độ sống tích cực trong sự biến chuyển nhận thức của nhân vật. Là khi người vợ tức tối vì chồng “bắt ở nhà lo cơm nước” cho gia đình chồng từ quê lên quyết định gác lại việc công ty để trở về với bữa cơm chiều. Là khi đứa con mơ chiếc di động bật khóc tức tưởi trước người mẹ dầm mình trong rét lạnh đến ngất đi với mong mỏi kiếm đủ tiền hoàn thành giấc mơ vật chất của con trẻ. Là khi người vợ muốn ly hôn nhận ra đã đến lúc nên trở về nhà…

Không lên gân, không hoa mỹ, Trần Trà My đã giữ người đọc lại bằng những trang viết giàu cảm xúc, nhân văn và chân thành. Chân thành trong từng câu chuyện, trong cả “lời tác giả” sau mỗi truyện. Những câu chữ ngắn gọn, chỉn chu, không chỉ tâm sự về hoàn cảnh ra đời cũng như chia sẻ về nội dung chuyển tải mà còn giúp bạn đọc đến gần hơn với một trái tim luôn rung cảm với yêu thương. Đọc Bản tình ca cuộc sống để tìm kiếm những điều thân thuộc đôi khi chúng ta đã bỏ lỡ, để soi chiếu bản thân trong những câu chuyện riêng mà chung, và còn để trân trọng từng người quanh mình.

Được biết, nữ nhà văn quê Quảng Trị không may mắn bị khuyết tật ở chân trong một lần sốt cao co giật. Không đầu hàng số phận, Trần Trà My tự học, làm quen con chữ ở năm lên 10 và đến với văn chương từ năm 16 tuổi. Tinh thần lạc quan chưa bao giờ ngơi nghỉ, cô luôn truyền tải cảm hứng sống tích cực không chỉ trong những trang viết mà cả ở ngoài đời bằng những chương trình thiện nguyện thiết thực. Hiện cô lập nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh bằng nghề viết văn, viết báo, viết quảng cáo, marketing... Trước Bản tình ca cuộc sống (năm 2020), Trà My đã cho ra mắt các tập truyện ngắn, tạp văn: Giấc mơ đôi chân thiên thần (năm 2009), Chúng ta chính là Mùa Xuân (năm 2013), Yêu… trên từng ngón tay (năm 2013), Tin vào điều tử tế (năm 2018).

NAM BÌNH

;
;
.
.
.
.
.