Nâng cao chất lượng dân số

10 năm thay đổi nhận thức của ngư dân

.

Cách đây tròn 10 năm, người làm công tác dân số ở Đà Nẵng bắt đầu “tăng tốc” tuyên truyền, kiểm soát, vận động người dân ven biển giảm sinh, nâng cao chất lượng dân số, có đời sống tình dục an toàn và hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ trẻ dị tật bẩm sinh trong các làng ven biển.

Hoạt động khám sàng lọc, nâng cao thể trạng người dân ven biển thuộc Đề án 52.  (Ảnh do Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cung cấp)
Hoạt động khám sàng lọc, nâng cao thể trạng người dân ven biển thuộc Đề án 52. (Ảnh do Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cung cấp)

Đó là một số mục tiêu chính của Đề án Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2009-2020 theo Quyết định số 52/2009/QĐ-TTg (Đề án 52).

Kiên trì vận động

Vợ chồng chị T.A (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) có hai cô con gái đang độ tuổi lên 3, lên 10. Chồng chị từ thời niên thiếu đã theo cha “đi bạn” cho những chủ tàu phường khác. Mỗi khi rãnh rỗi, anh và cha lắc thúng chai khai thác con cá, con tôm quanh mé biển Sơn Trà cải thiện kinh tế gia đình. Những năm gần đây, thu nhập nghề biển bấp bênh nhưng anh không chịu “lên bờ” vì đã quen với sóng gió khơi xa, như cách anh nói: “Sinh ra miền biển, quen với sóng lớn, không đi biển thì biết làm nghề gì. Thiệt lòng tôi mong mỏi có một đứa con trai theo nghiệp biển, vừa giữ nghề chài lưới, vừa nhang khói thừa tự sau này”.

Chị T.A là gái miền biển nên hiểu rõ tâm tư của chồng. Chỉ có điều, càng yêu thương, gần gũi con cái, lại nhìn thấy những khó khăn của gia đình đông con, chị nhỏ nhẹ khuyên chồng nghĩ tới tương lai con trẻ. Một, hai năm gần đây, thấy chồng còn “nặng” chuyện có con nối nghiệp, chị đành nhờ sự tác động của cán bộ dân số phường. “Sau nhiều lần trò chuyện cùng cán bộ dân số, chồng tôi không còn nhắc đến chuyện sinh con thứ 3 mà tập trung nuôi dạy con nên người”, chị T.A vui vẻ nói.

Dọc các tuyến đường Hoàng Sa (quận Sơn Trà), Võ Nguyên Giáp (quận Ngũ Hành Sơn) hay Nguyễn Tất Thành (quận Thanh Khê) là bóng dáng của nhiều làng chài ven biển, nơi tiềm thức sinh con trai nối dõi chưa thể nguôi ngoai trong suy nghĩ của người dân vùng đất Mân Thái, Thọ Quang hay Hà Khê, Nam Ô…

Nghe những cuộc trò chuyện của cán bộ dân số với gia đình có con “một bề”, mới thấy những khó khăn, thử thách mà họ phải vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ. Chị Phạm Thị Hiền, cán bộ dân số phường Mân Thái (quận Sơn Trà) chia sẻ rằng, để bảo đảm các mục tiêu đề ra về vận động người dân ven biển giảm sinh, nâng cao chất lượng dân số, sử dụng các biện pháp tránh thai phù hợp và hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ trẻ dị tật bẩm sinh, các chị phải kiên trì vận động, tới lui nhiều lần theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Cũng theo chị Hiền, cái khó của cán bộ dân số là đến nhà không gặp đủ vợ, đủ chồng nên người vợ hay chồng dù nghe có bùi tai cũng không dám gật đầu nếu không có sự đồng ý của người còn lại.

Nhiều năm qua, ông Ngô Văn Cồn (phường Mân Thái) hào hứng với công việc của một cộng tác viên (CTV) dân số phục vụ Đề án 52. Theo ông Cồn, với Đề án 52, người dân được hưởng lợi các chính sách về phòng tránh thai; nâng cao sức khỏe sinh sản (SKSS), chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; nâng cao kiến thức, tránh tình trạng lập gia đình sớm ở các làng chài ven biển… Làm công việc này, ông Cồn không nề hà chuyện tới nhà nói chuyện về bao cao su, về biện pháp tránh thai, truyền thông sức khỏe mẹ và bé.

Đối với những gia đình có xu hướng sinh con thứ 3, thứ 4, ông tìm cách vận động người nhà, chuyện trò từ công việc làm ăn đến học hành của tụi nhỏ rồi mới lấn dần sang chuyện không nên sinh nhiều con, không đủ điều kiện nuôi dạy con nên người. Vài năm trở lại đây, Mân Thái ít có trường hợp sinh con thứ 3. Dù vậy, theo ông Cồn, hiện nay không nhiều người dân chọn phương pháp triệt sản nên công tác dân số phải duy trì thường xuyên, lâu dài, từ giảm tỷ lệ sinh đến nâng cao chất lượng, thể trạng người dân.

Hành trình chưa dừng lại

Năm 2009, Đề án 52 được triển khai sâu rộng tại 18 phường trên địa bàn Đà Nẵng. Các mục tiêu đề án đưa ra là thử thách không nhỏ đối với đội ngũ làm công tác dân số. Điều này thể hiện qua hàng ngàn buổi tập huấn, nói chuyện, truyền thông về chăm sóc SKSS, kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), phòng tránh mang thai ngoài ý muốn đã được tổ chức phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Để đáp ứng yêu cầu công việc, Đà Nẵng huy động 18 cán bộ chuyên trách dân số phường, xã tham gia, đồng thời gầy dựng 708 CTV dân số thuộc 18 phường tham gia Đề án. Đối với đội ngũ CTV, ngoài tuyên truyền, vận động người dân, họ còn theo dõi tình hình sức khỏe dân cư tại địa bàn phụ trách, quản lý biến động dân số, cung cấp dụng cụ phòng tránh thai, khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sơ sinh ở trẻ, phòng chống trẻ suy dinh dưỡng…

Bác sĩ CK2 Huỳnh Bá Tân, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ khẳng định, suốt 10 năm qua, Đề án 52 đã tạo cơ hội cho người dân vùng biển trang bị thêm kiến thức về chăm sóc SKSS, KHHGĐ, góp phần nâng cao chất lượng dân số; đồng thời giúp người dân tiếp cận, thụ hưởng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tạo điều kiện trong công tác truyền thông, giáo dục, vận động nhân dân vùng ven biển thay đổi nhận thức, hành vi trong việc chăm sóc sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng, đặc biệt là lứa tuổi vị thành viên, thanh niên và các nhóm dân số đặc thù.

Cũng theo bác sĩ Tân, Đề án 52 là cơ sở để Chi cục Dân số - KHHGĐ thành phố triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng dân số tại các vùng biển và ven biển, hỗ trợ phòng chống bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn, phá thai an toàn…

Đơn cử, thành lập và duy trì thường xuyên các CLB SKSS cho hơn 27.000 bà mẹ mang thai; tổ chức nói chuyện chuyên đề nguy cơ ảnh hưởng bào thai, mất cân bằng giới tính, cấm lựa chọn giới tính, lợi ích tham gia sàng lọc trước sinh cho khoảng 500 phụ nữ/năm; các trạm y tế tổ chức khám thai định kỳ, cung cấp viên sắt, tiêm phòng uốn ván, quản lý, khám, theo dõi gần 7.000 bà mẹ mang thai có nguy cơ cao (tiền sử bệnh, có con dị tật, dị dạng, chất độc da cam).

Ngoài ra, các Trung tâm Y tế quận tham gia Đề án 52 như Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn cũng thành lập 5 đội dịch vụ Y tế - KHHGĐ, hằng năm tổ chức tuyên truyền, tư vấn, cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, kế hoạch hóa cho người dân các vùng ven biển.

Có thể nói, Đề án 52 đã làm thay đổi chính nhận thức của người làm công tác dân số. Trực tiếp phụ trách mảng dân số tại 5 tổ dân phố tại khu vực Thành Vinh 7, phường Thọ Quang (quận Sơn Trà), chị Cù Thị Mỹ Châu thường xuyên cập nhập thông tin, nhanh chóng triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng dân số tại cơ sở.

Chị Châu chia sẻ, để người dân tin và nghe theo thì trước hết mình phải làm gương, sau đó là cách trò chuyện mềm mỏng, đúng trọng tâm, dành thời gian hiểu hoàn cảnh từng gia đình. Đối với hộ nghèo, hộ khó khăn, chị lập danh sách xin cấp các biện pháp phòng tránh thai miễn phí… “Một trong những thành công của đề án là người dân hiểu rõ hơn về các bệnh truyền nhiễm đường tình dục, giữ gìn vệ sinh thân thể, lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp cũng như giảm tỷ lệ sinh, tập trung nâng cao thể trạng, cân nặng đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Y tế”, chị Châu nói.

Từ 15-11-2020, tăng mức phạt hành vi xúc phạm người sinh con một bề

Đây là nội dung tại Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Theo đó, tăng mức phạt với hành vi dùng lời nói hoặc hành động xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người sinh toàn con trai hoặc sinh toàn con gái, cụ thể: Hiện hành: Theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP thì mức phạt với cá nhân là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Từ ngày 15-11-2020: Mức phạt theo Nghị định 117 là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng. (B.T)

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.