Phát triển Seoul thành trung tâm âm nhạc toàn cầu

.

Trong bối cảnh văn hóa Hàn Quốc ngày càng phổ biến trên toàn thế giới, nhất là thị trường âm nhạc K-pop, Liên hoan âm nhạc Seoul (SMUF) lần thứ nhất diễn ra từ ngày 28-9 đến 6-10 tại Quảng trường Gwanghwamun ở trung tâm thành phố Seoul được xem là một sự kiện lớn nằm trong kế hoạch phát triển thủ đô Seoul thành trung tâm âm nhạc toàn cầu.

Nhóm nhạc BTS của Hàn Quốc đóng góp một phần quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh văn hóa Hallyu. Ảnh: Musicbusinessworldwide.com
Nhóm nhạc BTS của Hàn Quốc đóng góp một phần quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh văn hóa Hallyu. Ảnh: Musicbusinessworldwide.com

Theo đó, các tiết mục biểu diễn của các nghệ sĩ thuộc nhiều thể loại như indie, hip-hop, ballad... được phát sóng trực tiếp tại 20 quốc gia trên khắp châu Á. Danh sách biểu diễn đã được công bố trên trang web chính thức của SMUF. Mặc dù vé vào miễn phí nhưng khán giả đặt vé trước trên mạng để được phục vụ tốt nhất. Việc tổ chức liên hoan diễn ra trong bối cảnh chính quyền thành phố Seoul tuyên bố sẽ đầu tư 481,8 tỷ won (khoảng 404 triệu USD) trong 5 năm tới để phát triển ngành công nghiệp âm nhạc địa phương cũng như tăng cường trao đổi âm nhạc, văn hóa với các thành phố trên khắp thế giới.

Cùng với việc đầu tư tổ chức các sự kiện âm nhạc có tầm cỡ khu vực và thế gới, chính phủ Hàn Quốc cũng quan tâm quảng bá hình ảnh văn hóa của đất nước. Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc thông báo dành 696,1 tỷ won (584,8 triệu USD) trong ngân sách năm 2021 để quảng bá “Làn sóng Hàn Quốc”, trong đó 29 tỷ won dành để giúp các ban nhạc K-pop biểu diễn trực tuyến. Số tiền này tăng 42,7% so với năm 2020.

Bên cạnh đó, chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ cho xây dựng các trung tâm quảng bá và trải nghiệm K-beauty ở khu phố Myeongdong, quận Gangnam, thuộc Seoul; đồng thời kết nối với các ngôi sao Hallyu để quảng bá nông sản Hàn Quốc trong “Kế hoạch xúc tiến chính sách thúc đẩy làn sóng văn hóa Hallyu mới”. Hallyu bắt nguồn từ cách gọi của một số nhà báo ở Bắc Kinh về sự nổi tiếng nhanh chóng của Hàn Quốc và các sản phẩm của Hàn Quốc tại Trung Quốc, hiện được dùng để chỉ sự nổi tiếng của văn hóa Hàn Quốc trên thế giới trong thế kỷ 21.

Kế hoạch xúc tiến lần này do các bộ, ban, ngành liên quan hợp tác soạn thảo, gồm 3 chiến lược hỗ trợ lớn là “Đa dạng hóa nội dung Hallyu”, “Thúc đẩy ngành công nghiệp liên quan tới Hallyu” và “Tạo nền tảng bền vững để lan rộng làn sóng văn hóa Hallyu”. Nhân dịp xây dựng Nhà thi đấu thể thao điện tử và Đại hội thể thao điện tử Hàn - Trung - Nhật lần thứ nhất dự kiến diễn ra tháng 11 tới, chính phủ Hàn Quốc cũng nhất trí thúc đẩy ngành thể thao điện tử (eSports) thành nội dung văn hóa Hallyu toàn cầu. Đặc biệt, chính phủ sẽ hỗ trợ sản xuất nội dung thực tế, mở rộng cơ sở hạ tầng trải nghiệm thực tế, nuôi dưỡng thành nội dung văn hóa Hallyu mới dựa trên nền tảng mạng viễn thông di động thế hệ thứ 5 (5G).

Để đa dạng hóa nội dung văn hóa Hallyu ở các lĩnh vực văn hóa đời sống, di sản văn hóa và nghệ thuật, chính phủ Hàn Quốc tiếp tục xúc tiến dự án tăng cường hình ảnh đất nước như mở các quán ăn Hàn ở nước ngoài và hỗ trợ phát triển các sản phẩm Hallyu. Cùng với đó, chính phủ sẽ tổ chức các lễ hội văn hóa Hàn Quốc trực tuyến và trực tiếp nhằm thúc đẩy du lịch Hallyu; đồng thời tổ chức mỗi năm 2 đợt triển lãm Hallyu với sự hợp tác của các cơ quan, ban, ngành liên quan. Hiện chính phủ Hàn Quốc đã nhất trí điều hành Ủy ban hợp tác Hallyu có sự tham gia của Nhà nước và tư nhân, do Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch đứng đầu, nhằm quản lý hiệu quả các chính sách liên quan tới văn hóa Hallyu.

Đoàn Gia Huy (tổng hợp)

;
;
.
.
.
.
.