1. Đỗ Phấn không còn là cái tên xa lạ với những người yêu nghệ thuật hội họa và văn học ở nước ta. Ông sinh năm 1956 tại Hà Nội. Ông là trường hợp thú vị khi thành danh với hội họa rồi rẽ vào văn chương và để lại dấu ấn với gần 30 đầu sách tập trung về đề tài Hà Nội. Tuyển tập tản văn mới nhất của Đỗ Phấn vẫn là về Hà Nội: Hà Nội - Chút bụi trên vai người (NXB Trẻ).
Tập sách như một cuộc khảo cứu ký ức của chính mình. Tác giả viết với giọng như kể chuyện, chậm rãi đặc trưng làm nhịp, bình thản gửi gắm chút nhớ thương cho ngày cũ. Ký ức ở đây luôn hòa lẫn với những ám ảnh, suy tư thường ngày ở Hà Nội. Những mẩu chuyện về con người, cảnh vật, văn hóa Hà Nội mà Đỗ Phấn thủ thỉ qua mỗi trang viết, ban đầu tưởng như vụn vặt và cũ kỹ nhưng đều có thể trở thành chủ đề để ông thư thả tâm tình với bạn đọc chuyện xưa chuyện nay, từ xa tới gần, từ hiện đại tới quá khứ, với đủ hỉ, nộ, ái, ố.
2. Tô Hoài là nhà văn lớn của văn học Việt Nam, người có 95 năm tuổi đời nhưng đã dành hơn 70 năm đóng góp cho văn học. Ông nổi tiếng rất sớm với tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký và để lại dấu ấn rực rỡ trên nhiều mảng sáng tác. Ông là nhà văn của nhiều thời, nhiều tầng lớp, nhiều độ tuổi khác nhau, là tác giả có tầm ảnh hưởng lớn đến nền văn học nước nhà.
Văn chương của Tô Hoài hướng về những con người, số phận, cuộc đời lấm láp... với những dấu ấn riêng. Ông ra đi vì tuổi trời nhưng văn chương của ông vẫn còn nguyên giá trị. Với cách viết linh hoạt, biến hóa, các sự kiện được khai thác liền mạch liên tưởng và sự kiện đan xen lẫn nhau khiến những trang hồi ký từ Cỏ dại - Mùa hạ đến, mùa xuân đi - Những người thợ cửi - Đi làm - Hải Phòng - Một quãng đường - 1947 - Ông già ở Agra trong Tự truyện (NXB Kim Đồng) luôn có sức hấp dẫn đối với người đọc…
HẢI ÂU