Tôi đi tìm tôi

.

1. Tôi từng có quãng thời gian khủng hoảng trong tâm hồn. Chẳng vì điều gì cả, chỉ cảm giác mọi thứ trống rỗng và không còn tìm thấy niềm vui, kể cả ở những điều vốn đam mê. Thật khó để lý giải nguyên cớ, giống như việc đôi chân đến lúc mỏi, chiếc áo đến lúc sờn, chiếc lá đến lúc lìa cành... Có lẽ, tâm hồn cũng có lúc cần tìm điểm tựa nương. Trong khi loay hoay với bản thân, tôi nhận ra rằng, viết lách cũng là một cách trị liệu tâm hồn hữu hiệu.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Mối quan hệ giữa viết lách và lợi ích của nó đối với sức khỏe tinh thần đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu thực tế. Nhà văn Diana Raab trong cuốn hồi ký “Healing with Words: A writer’s cancer journey” (tạm dịch: Chữa bệnh bằng ngôn từ: Hành trình ung thư của một nhà văn) khẳng định việc viết nhật ký giống như một loại vitamin hằng ngày - chữa lành, giải độc và cần thiết cho sức khỏe tối ưu. Raab khuyên, hãy viết ra những suy nghĩ bỗng nhiên xuất hiện trong tâm trí của bạn, như vậy bạn có thể khiến những điều phiền nhiễu này trôi đi mất, hoặc lưu lại để còn nhớ và giải quyết chúng sau này.

Công việc của tôi vốn dĩ gắn bó với con chữ nhưng tôi vẫn phải tập viết. Lần này, tôi viết cho chính bản thân mình. Những câu chữ giãi bày chuyện khó sẻ chia với người khác, giúp tôi nhìn thẳng vấn đề của bản thân để lắng nghe và thấu hiểu. Thật ra, viết cho bản thân mình tưởng dễ mà không dễ. Tôi đã phải kiên nhẫn tập viết mỗi ngày, từ ngắn đến dài, không sợ dở cũng chẳng sợ sai. Tôi viết vào sổ, viết trên các ứng dụng ghi chép trên điện thoại, viết bằng máy tính. Viết rồi để đó, dù đôi lúc chỉ là những từ ngữ rời rạc, tưởng chừng vô nghĩa. Để rồi, thời gian sau đọc lại, luôn có điều gì đó vỡ òa trong tâm trí tôi.

2. Người xưa có câu rằng, “Nếu biết nhìn vào tâm mình, anh có thể tìm thấy tất cả câu trả lời” hay “Hiểu người là khôn, hiểu được mình mới là khôn thật”. Quả thật, quá trình mày mò biểu đạt cảm xúc cá nhân thông qua ngôn từ, tôi không chỉ tháo gỡ những khúc mắc mà còn tìm thấy nhiều điều mới mẻ, quan trọng nhất vẫn là thấu hiểu bản thân hơn một chút.

Cũng như khi ngắm nhìn một cái cây, thông thường, đa số mọi người chú trọng đến những bông hoa rực rỡ hay chiếc lá tươi xanh mà ít quan tâm đến gốc rễ phía dưới lòng đất - cơ quan sinh dưỡng quan trọng nhất của thực vật. Chúng ta cũng hay nhìn vào những bề nổi của bản thân mà quên đi cảm xúc được chôn giấu rất sâu trong tâm hồn mình.

 Thales (triết gia, một nhà toán học người Hy Lạp) đã nói, thấu hiểu bản thân không phải là một nhiệm vụ đơn giản, vì chúng ta luôn chối bỏ chính bản thân chúng ta. Có rất nhiều lý do để bạn chối bỏ bản thân, như áp lực từ sự kỳ vọng của gia đình, quá chú trọng cái nhìn của người khác, quy chuẩn của xã hội…, hay đôi khi đơn giản chỉ vì bạn thiếu niềm tin vào chính mình. Và khi chối bỏ bản thân, bạn thường lờ đi những khát khao thật sự của chính bạn, không đáp ứng nhu cầu của bản thân. Sự đè nén cảm xúc, lâu ngày khiến “rễ” tâm hồn chết dần, chết mòn.

3. Thời đại internet bùng nổ, nhiều ứng dụng hỗ trợ tối ưu việc viết lách cũng như các nền tảng cho phép người dùng thỏa thích sáng tạo với ngôn từ liên tục ra đời và ngày càng nâng cao chức năng. Thực tế cho thấy, trào lưu ghi chép, viết lách thời gian qua đã được nhiều người lựa chọn sử dụng. Không chỉ đối thoại với chính mình, người viết còn được lắng nghe và kết nối với nhiều người khác.

 Thế nên, đừng đợi thời gian chữa lành nỗi niềm của bạn, cũng đừng để vết thương nghiêm trọng mới bắt đầu tìm cách trị liệu. Hãy dũng cảm đối diện với “cái tôi” của bạn ngay bây giờ, bằng cách đặt bút viết từ những điều nhỏ nhất, như 10 điều bạn hài lòng với chính mình, 10 điều bạn không thích ở bản thân, 10 điều bạn thích nhất, 10 điều bạn ghét nhất, điều khiến bạn vui nhất… Hoặc bạn cũng có thể khai phá từ đam mê của mình, như món ăn, du lịch, câu chuyện tình cờ gặp… Kiên trì từng chút, mỗi ngày và chờ đợi những bông hoa nở ra từ cội rễ tâm hồn của bạn.

MỘC NHIÊN



 

;
;
.
.
.
.
.