CHĂM SÓC NGƯỜI CAO TUỔI

Nâng cao chất lượng chăm sóc y tế

.

Việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi (NCT) không chỉ giúp họ sống vui, sống khỏe mà còn thể hiện lòng biết ơn, sự hiếu thảo của con cháu.

Người cao tuổi đến khám sức khỏe tại phòng khám Bệnh viện C. Ảnh: Đ.H.L
Người cao tuổi đến khám sức khỏe tại phòng khám Bệnh viện C. Ảnh: Đ.H.L

Nhu cầu khám, chữa bệnh tăng cao
Hiện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 4 bệnh viện thành lập khoa Lão gồm: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C, Trung tâm Y tế (TTYT) quận Ngũ Hành Sơn, TTYT quận Hải Châu; 100% cơ sở khám, chữa bệnh công lập bố trí hơn 700 giường bệnh nội trú ưu tiên cho NCT để chăm sóc sức khỏe cho NCT.

Bác sĩ CKII Phạm Văn Tú, Trưởng khoa Lão, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, sau khi thành lập khoa Lão vào tháng 3-2017 với chỉ 4 giường bệnh thì đến nay, khoa này có gần 100 giường bệnh. Bệnh nhân đến khám và điều trị chủ yếu các bệnh như: đa bệnh lý nền, tim mạch, hô hấp, nội tiết, đái đường, thần kinh, cơ xương khớp… Do tốc độ già hóa dân số tăng cao nên cơ sở vật chất và đội ngũ nhân viên y tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của NCT. Khoa mới chỉ đáp ứng được một bệnh nhân/giường và khi bệnh nhân tăng cao vượt số giường bệnh thì phải chuyển qua khoa khác.

Trong khi đó, tại TTYT quận Ngũ Hành Sơn, Bệnh viện Ngũ Hành Sơn đã triển khai dự án “Xây dựng chương trình chăm sóc NCT và đào tạo nguồn nhân lực y tế cho chăm sóc NCT” từ tháng 6-2018. Đây là bệnh viện tuyến quận thành lập khoa Lão khá sớm, vào 7-8-2014.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Cường (khoa Lão, Bệnh viện Ngũ Hành Sơn) cho biết, sau khi khoa Lão được thành lập, việc thu dung và điều trị ngày càng tăng cao. “Người lớn tuổi thường có cảm giác cô đơn, tự ti, nóng nảy nên dễ bị stress và cần được chăm sóc tốt hơn. Bệnh nhân có nhiều bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái đường, bệnh lý xương khớp, bệnh lý suy nhược của tuổi già… Ngoài chức năng điều trị, khoa Lão còn có phòng sinh hoạt cộng đồng để bệnh nhân luyện tập sức khỏe và giao lưu”, bác sĩ Cường thông tin.

Thời gian qua, Tổ chức JICA của Nhật Bản đã chọn Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn đặt một điểm hoạt động để giúp đào tạo nguồn nhân lực, đồng thời tạo điều kiện cho dự án tiếp xúc và am hiểu bệnh nhân nhiều hơn. Hiện nay, JICA cử 2 giáo viên đến huấn luyện trực tiếp cho nhân viên của khoa và bệnh nhân. Các nhân viên y tế được cử sang Nhật tập huấn ngắn hạn.

Cô Ayumi yamamoto, giáo viên về lĩnh vực điều dưỡng đã có 2,5 năm làm việc tại khoa Lão, Bệnh viện Ngũ Hành Sơn chia sẻ: “Do có sự khác biệt về văn hóa giữa hai nước nên cách làm việc cũng khác nhau. Tuy nhiên, NCT ở Việt Nam sống cùng với gia đình nên việc liên kết rất tuyệt vời. Khoảng cách giữa con người với con người cũng gần gũi, thân thiện. Trong thời gian công tác tại đây, chúng tôi đã hỗ trợ kỹ thuật chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế của khoa, nhất là về hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người già”.

Nói về chất lượng chăm sóc sức khỏe tại khoa Lão, Bệnh viện Ngũ Hành Sơn, bệnh nhân Lê Đấu (82 tuổi, ở tổ 30, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) cho biết: “Tôi bị đau dạ dày và đã điều trị tại đây hơn 2 tuần. Nhìn chung, cơ sở vật chất và đội ngũ y, bác sĩ ở đây chăm sóc bệnh nhân rất chu đáo. Trước đây, mỗi khi đau ốm, tôi thường đến khám rồi về, nhưng nay điều kiện chăm sóc tốt hơn nên tôi ở lại điều trị nội trú và bệnh tình cũng nhanh khỏi”.

Đào tạo chuyên sâu về chăm sóc NCT
Với nhu cầu khám chữa bệnh tăng cao, cùng với việc nhiều bệnh viện trên địa bàn thành phố thành lập khoa Lão, đòi hỏi đội ngũ y, bác sĩ cần có chuyên môn sâu về chăm sóc sức khỏe NCT. Là đơn vị trọng điểm trong đào tạo nguồn nhân lực y tế cho thành phố và khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Trường Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng đã thay đổi nội dung chương trình đào tạo cho phù hợp với thực tiễn. 

TS. Lê Thị Thúy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng cho biết, nhà trường đưa nội dung chăm sóc sức khỏe NCT vào chương trình đào tạo của trường đã được hơn 5 năm. Nhà trường cung cấp kiến thức cho sinh viên điều dưỡng nhận biết những thay đổi về sinh lý và tâm lý của NCT, chế độ dinh dưỡng và cách sử dụng thuốc cho NCT, nhu cầu an toàn của NCT, chăm sóc sức khỏe tâm thần và giấc ngủ của NCT, chăm sóc vận động thể lực ở NCT. Trong chương trình thực tế, nhà trường gửi sinh viên thực hành nâng cao tay nghề tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố.

Cô Diệp Thị Tiểu Mai, giảng viên khoa Điều dưỡng của trường, cho biết thêm: Trong bộ môn NCT, khoa Điều dưỡng có 3 giảng viên chính. Sinh viên có học phần đào tạo chăm sóc sức khỏe cho NCT, chăm sóc điều trị các bệnh lý đặc trưng của NCT, đặc biệt là chăm sóc tâm lý cho người già, chế độ dinh dưỡng, phương pháp sử dụng thuốc, chăm sóc giấc ngủ và sự an toàn cho NCT.

Trước đó, nhà trường hợp tác với tổ chức Kaigo của Nhật Bản thực hiện dự án đào tạo thực hành chăm sóc NCT. Thông qua dự án này, sinh viên không chỉ được đào tạo về chuyên môn mà còn được học tiếng Nhật. Trường còn được hỗ trợ một số máy móc dụng cụ phục vụ công tác giảng dạy và học tập. Trong năm 2015-2016, trường phối hợp Hiệp hội Senjukai tổ chức một khóa đào tạo chăm sóc NCT cho giảng viên, sinh viên điều dưỡng, điều dưỡng viên tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố về kỹ thuật chăm sóc NCT và tiếng Nhật.

Một số học viên cũng được tham gia học tập tại các cơ sở chăm sóc NCT ở Nhật trong vòng một tháng do Đại học Chubugakuin tài trợ. Nhờ được cung cấp kiến thức bổ ích, các giảng viên điều dưỡng của nhà trường đã mạnh dạn thay đổi chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Các điều dưỡng viên tại các bệnh viện đã áp dụng kiến thức và kỹ thuật vào chăm sóc NCT tại đơn vị công tác.

Theo bác sĩ CKII Phạm Văn Tú, trước đây, các trường đại học không có bộ môn Lão khoa nên trong thời gian qua, Bệnh viện Đà Nẵng đã cử nhiều bác sĩ đi học các lớp đào tạo ngắn hạn (6 tháng), chuyên khoa 1, thạc sĩ tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương Hà Nội. Bên cạnh đó, Bệnh viện Đà Nẵng còn phối hợp với Bệnh viện Lão khoa Trung ương Hà Nội mở các lớp tập huấn cho đội ngũ y, bác sĩ khoa Lão về dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe NCT; hằng năm kết hợp khám sàng lọc cho 200 NCT tại Đà Nẵng về các bệnh lý NCT.

Đặc biệt, vừa qua, HĐND thành phố đã thông qua việc thành lập Trung tâm Lão khoa tại Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn). Với sự quan tâm của thành phố, hy vọng trong thời gian tới, chất lượng khám chữa bệnh cho NCT sẽ được nâng cao lên một bước, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho NCT.

Tại Hội nghị biểu dương cán bộ Hội Người cao tuổi (NCT) tiêu biểu toàn quốc trong phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao - Gương sáng” 5 năm (2015-2020) diễn ra vào ngày 26-10 ở Hà Nội, bà Phạm Thị Hải Chuyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về NCT Việt Nam, Chủ tịch Trung ương Hội NCT Việt Nam cho biết, hiện cả nước có hơn 11,4 triệu NCT, chiếm 12,5% dân số.
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo đến năm 2050, số NCT của Việt Nam sẽ tăng lên 32 triệu người, đưa nước ta trở thành quốc gia “siêu già” trên thế giới. Đặc biệt, NCT Việt Nam đang mang gánh nặng bệnh tật kép. Ngoài việc phải chịu nhiều bệnh do lão hóa gây ra, NCT còn chịu các bệnh phát sinh do thay đổi lối sống dưới tác động của biến đổi kinh tế - xã hội trong quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế.


ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.