Thời tiết lạ thiệt, mới hôm qua trời còn hưng hửng nắng, vậy mà chỉ qua một đêm ngắn ngủi, trời như dỗi hờn ai đó nên nắng tắt hẳn. Thêm cái lạnh tràn về, ra đường thấy ai cũng choàng khăn, mặc áo ấm. Không hẳn là cái lạnh giá buốt như chính đông nhưng chỗ quán nước bà cụ đã kịp kê sẵn một bếp củi tự chế. Bà vun củi khô là cành bàng, cành phượng, tấm gỗ công trường người ta thải ra đốt ấm sực. Chưa kịp ngồi xuống ghế, bà đã phân bua: “Khổ thế đấy cháu ạ. Cứ trời trở lạnh là cái thân già này đau nhức ê ẩm, nên phải đốt chút lửa cho ấm”. Mọi người uống nước gợi ý bà mua dăm củ khoai, vài trái bắp (ngô) tiện cái bếp lửa than hồng đang đỏ sực nướng bán cho khách. Và hôm sau, quán nước của bà đã có khoai, bắp nướng phục vụ các “thượng đế”. Có dăm trái bắp, vài ba củ khoai, uống chén trà vào dịp chớm đông cũng hợp lắm.
Minh họa:HOÀNG ĐẶNG |
Nhỏ em gái gọi điện vào sáng sớm, khi tôi vừa mới bước chân xuống giường. Nó nói, trời lạnh rồi, chị Hai nhớ mặc ấm vô nghe không. Ở quê cũng bắt đầu se se lạnh. Mẹ đã kịp giặt giũ phơi phóng chăn màn, áo xống khô khén, thơm phưng phức, chờ trời lạnh cái là mang ra mặc thôi. Thiệt tình! Nó hệt bà cụ non. Lo xa cho cả chị gái cách nó tận gần chục tuổi. Hồi còn ở nhà, hai chị em thường chí chóe cãi nhau. Nhưng khi đi xa, tôi nhớ nó quá chừng. Mẹ tôi nói “chị em gái như trái cau non”, sau này chồng con rồi thì việc có thời gian để quan tâm, chăm sóc lẫn nhau cũng khó. Nhỏ em tôi cười ngúng nguẩy rằng chẳng lấy chồng, sẽ ở với mẹ và chị Hai suốt đời, để đến mùa đông thì nấu nước ấm cho mẹ tắm, bóp cho mẹ đôi chân cả ngày dầm ruộng đau nhức, bẻ vài nhành bồ kết ngoài vườn vào nấu nước cho hai mẹ con gội đầu, và tha hồ có thời gian “chăm sóc” chị Hai.
Không dưng lại nhớ quả bồ kết quá chừng. Cái mùi hương quen thuộc ấy thật khó có thể nào quên. Đầu nhớ, tay lần mở ngăn tủ, một bọc đựng bồ kết khô, nướng sẵn vẫn còn nguyên. Mẹ cẩn thận mỗi lần tôi về quê lại dúi vào ba lô bọc bồ kết như vậy. Hồi còn ở nhà có nhỏ em, có mẹ, tôi thường gội đầu bằng nước quả bồ kết. Lên phố đi học, đi làm, thời gian eo hẹp hơn, nên tôi cứ muốn dùng dầu gội cho nhanh. Nhớ trời se se lạnh hồi đó, tóc ba mẹ con dài thiệt là dài. Nhỏ em cầm gáo dừa múc từng gáo nước dội lên tóc hết cho chị gái lại đến mẹ. Ba mẹ con cười khúc khích trong mùi thơm nồng thoang thoảng đó. Đưa bọc bồ kết lên trước mũi, mùi hương xưa lại ùa về. Mắt tự nhiên ươn ướt. Thời gian trôi nhanh quá là nhanh!
Chớm đông ở phố thương phận người mưu sinh cực nhọc. Những vòng xe nặng nhọc, rạc tiếng rao trong gió rít. Cô bán xôi, chú bán bắp luộc ngày nào tôi cũng thấy ghé qua phố tôi ở. Những gánh hàng theo mùa mang hoa, quả lần lượt khắp ngõ ngách. Bỗng tôi nhớ lời tâm sự của họ mà nhói lòng: “Nay trời đang chưa lạnh, tranh thủ bán. Ít hôm nữa lạnh bán buôn èo uột, ít người mua lắm”. Rồi thương những đứa trẻ phải ra đời mưu sinh sớm. Mấy lần tôi theo đoàn từ thiện trao quà trong đêm, khi hỏi ước muốn, bọn trẻ thật thà nói không muốn mùa đông một chút nào. Mùa đông lạnh, chúng chẳng thể có chăn êm nệm ấm như bao đứa trẻ khác. Chợt thấy mình còn may mắn hơn rất nhiều người, có chốn dung thân, có gia đình bao bọc và sẵn sàng làm chỗ dựa nếu có vấp ngã, chông chênh…
Chớm đông được vài hôm, trời lại có bão nên mưa triền miên. Anh bạn quê ở miền Trung vừa làm vừa thở dài, rầu rĩ. Bão gì đâu mà bão lắm thế không biết. Cơn bão này chưa qua, cơn bão khác lại ập tới. Anh nói quê anh nếu không thiên tai quanh năm thì không đến nỗi nghèo như bây giờ. Đài, báo mấy ngày nay đưa tin liên tục nhiều nơi ở miền Trung gặp bão lũ. Của cải, nhà cửa nhiều nhà gần như mất trắng. Cả nước một lòng hướng về miền Trung thân thương.
Bây giờ là chớm đông, lòng tôi chòng chành, ngổn ngang những nghĩ suy…
TĂNG HOÀNG PHI