Gọi tên mùa nhớ

.

Cũng không hiểu có sự kết nối nào, mà cứ mỗi bận đến mùa này, mùa Hiến chương nhà giáo, trong tôi lại ùa về bao kỷ niệm đong đầy của tháng ngày đã qua, tháng ngày tôi đã từng nâng niu, chắt chiu mầm xanh hy vọng sẽ được đứng trên bục giảng, với bảng đen, phấn trắng, với đôi mắt tròn xoe của học trò say sưa theo từng bài giảng. Mùa để tôi gọi tên, mùa nhớ...

Minh họa:HOÀNG ĐẶNG
Minh họa:HOÀNG ĐẶNG

Mùa nhớ trong tôi bắt đầu từ những tháng ngày lơ ngơ vào Sài Gòn với hành trang là chiếc rương bằng gỗ của chú tôi. Chiếc rương mà chú tôi gìn giữ bao nhiêu năm tháng đi bộ đội, chú tặng lại để tôi gói ghém sách vở mang lên tàu vào phương Nam tiếp tục sự nghiệp học hành.

Kế đến là những buổi đạp xe đi dọc quận 4, rồi vòng về quận 1, lại xuôi con đường Nguyễn Văn Trỗi chạy về lại quận Tân Bình để dạy thêm, mỗi ngày đều đặn ba “cua dạy”. Có hôm mệt không đạp xe nổi, tôi cố trấn an mình rằng, gắng thêm xíu nữa, bởi công việc này vừa cho tôi có thêm tiền trang trải cuộc sống, vừa cho tôi có thêm kinh nghiệm để nuôi dưỡng ước mơ được làm cô giáo.

Mùa nhớ dừng lại với ngôi trường văn khoa, nơi tôi đã gửi lại ước mơ làm cô giáo, nơi có cây ngọc lan lòa xòa bóng mát cạnh ban công trước cửa văn phòng khoa. Tôi đã từng đứng hàng giờ cạnh cây ngọc lan đó, chỉ để nghe hương ngọc lan thoảng dịu nhẹ trong gió, nghe cô bạn cùng quê tâm tình chuyện nhớ nhà.

Mùa nhớ dừng lại thật lâu nơi hàng ghế đá dưới những tán si già trong sân trường, nơi tôi gặp thầy. Cái cảm giác ban đầu vừa lạ, vừa run khiến tôi cứ lóng nga lóng ngóng, bấp búng không nói nên lời. Để rồi, cái giọng Quảng cố đánh vần cho rõ lời, cố cho thầy hiểu điều mình nói, nó lại thành ra…
cái giọng Quảng đặc sệt “Dọa thưa thầy, thầy nhận lời hướng dẫn luận ven tốt nghiệp dùm em”.

Thầy cười, nụ cười hiền đến lạ. Mọi căng thẳng trong tôi từ từ giãn ra. Và tôi đã sung sướng đến mức muốn nhảy cẫng lên khi được thầy đồng ý nhận lời hướng dẫn. Lại lí nhí như trẻ con: “Dọa, em cổm ơn thầy!”…

Cũng ghế đá này, dưới tán cây này, tôi đã bật khóc. Luận văn viết ra, thầy bảo không được, viết lại. Thế là những ngày mày mò trong thư viện, những đêm chong mắt tra cứu bài vở của tôi đã trở thành… dã tràng xe cát. Càng cố biện minh cho bản thân mình đã viết đúng, càng không thể lý giải được tại sao thầy lại khắt khe với mình đến vậy. Tôi khóc, nước mắt nhòa vào nước mưa. Mặn chát. Luận văn viết gần xong, thầy đặt vấn đề tại sao không từ luận văn, trích một vài ý viết thành bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành. Rồi thầy định hướng cho tôi, đồng thời khích lệ tinh thần khiến tôi vững tâm hơn, cố gắng nhiều hơn.

Và rồi, cũng ghế đá đó, hai thầy trò lại cười sung sướng khi bài viết được đăng… Thầy hiền hậu đặt tay lên vai tôi, ôn tồn bảo: “Em thấy không, mọi cái khó khăn trong cuộc sống này chỉ là thử thách”. Quả thật, tôi thấy mình như lớn thêm một chút và trí óc mình mở mang ra thêm chút nữa.

Mùa nhớ cùng ước mơ được là người học trò tiếp nối theo bước thầy, ước mơ được làm cô giáo cùng tôi rời mảnh đất Sài Gòn với nhiều lý do không thể cắt nghĩa. Để rồi, những ngày tháng này, tất cả lại cuộn tròn theo mùa nhớ. Với nụ cười hiền, mái tóc bạc của thầy. Với dáng người cao gầy, bàn tay gân guốc ôm chiếc cặp cũ sờn. Với biết bao tình cảm thân thương của thầy dành cho. Với cơn mưa chợt đến chợt đi chóng vánh, đan cài trên mớ tóc rối mà lại da diết thật sâu như ước mơ đã luôn đi theo mùa.

NGHI THẢO

;
;
.
.
.
.
.