Cách đây 5 năm, huyện Hòa Vang đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và đón nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ khi cán đích trước 3 năm so với kế hoạch ban đầu. Nay hành trình ấy vẫn tiếp tục với những mục tiêu xa hơn, nơi mọi nguồn lực được tạo nên từ sức mạnh của lòng dân và sự quyết tâm của đội ngũ lãnh đạo.
Cú hích nông thôn mới từ Chỉ thị 18
Trong ký ức của ông Lê Văn Toàn, nguyên Bí thư Huyện ủy Hòa Vang, 10 năm trước, Hòa Vang triển khai xây dựng NTM với xuất phát điểm thấp, có 4 xã đạt 9-15 tiêu chí, 7 xã còn lại đạt từ 4-8 tiêu chí, thu nhập bình quân đầu người 15 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch trên địa bàn ước đạt 43%; nhiều thôn, xã không có công trình văn hóa... Cuộc sống của người dân lúc bấy giờ xoay quanh chuyện cơm áo, quần quật trên cánh đồng để vun vén cho con cái học hành, sửa sang những mái nhà thấm dột. Cụm từ “NTM” với họ còn xa lạ nên không khỏi e ngại, chần chừ. Ngay thời điểm còn nhiều băn khoăn ấy, rất nhiều cuộc họp từ cấp huyện, xã, thôn, xóm đã diễn ra, nói rõ người dân sẽ được hưởng lợi như thế nào từ chính sách việc làm, an sinh xã hội, cơ sở hạ tầng...
Quả bưởi ruột đỏ được người dân xã Hòa Ninh nâng niu, tạo dựng thương hiệu. Ảnh: H.LÊ |
Dù vậy, hành trình NTM chỉ thật sự tăng tốc khi Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng quyết định ban hành Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 19-3-2012 về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn thành phố” (Chỉ thị 18), yêu cầu các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền, ngành, Mặt trận, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền để mỗi đảng viên, viên chức, người lao động, người dân nhận thức đầy đủ về Chương trình mục tiêu Quốc gia này.
Đặc biệt, cần thay đổi nhận thức của người dân theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân quản lý và dân hưởng lợi”. Ban Thường vụ Thành ủy cũng yêu cầu Ban Dân vận Thành ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức hiệu quả phong trào “Cả thành phố chung sức xây dựng NTM”, gắn với thi đua “Dân vận khéo”; tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2011-2020. Ngoài ra, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể đưa nội dung chương trình xây dựng NTM vào kế hoạch công tác hằng năm để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện.
Trong hành trình xây dựng NTM, đội ngũ lãnh đạo huyện Hòa Vang không quên được cuộc họp triển khai Chỉ thị 18 diễn ra ngày 29-3-2012 tại địa phương này. Ông Trần Thọ lúc bấy giờ là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đã rất quyết liệt khi yêu cầu lãnh đạo huyện Hòa Vang xem đây là nhiệm vụ chính trị chính trong nhiệm kỳ; định kỳ 3 tháng, 6 tháng phải có báo cáo, đánh giá để kịp thời xử lý vướng mắc, tình huống phát sinh.
Chỉ thị 18 đã đặt người dân Hòa Vang vào một vị thế mới, phải tiếp tục vươn lên hoàn thành những vạch đích mà Chương trình mục tiêu Quốc gia NTM đề ra. Phong trào thi đua diễn ra rộng khắp, xã nào làm tốt thì được Thành ủy, UBND thành phố tiếp tục hỗ trợ, tuyên dương. Bên cạnh đó, thành phố cũng yêu cầu các sở, ngành, cơ quan, đơn vị tích cực hỗ trợ huyện Hòa Vang sớm về đích NTM trước năm 2015.
Mục tiêu thu nhập đạt 85 triệu đồng/người/năm vào năm 2025
Ông Nguyễn Nhường, Trưởng thôn An Sơn (xã Hòa Ninh) khấp khởi vui mừng vì con đường ĐT602 vốn heo hút, vắng vẻ chạy ngang qua thôn này ngày nào giờ đây nhộn nhịp khi hàng chục quán ăn, nhà hàng mở ra phục vụ khách du lịch trở về từ Bà Nà Hills, Công viên Suối khoáng nóng Núi Thần Tài. Nhiều người dân đổi đời nhờ kinh doanh buôn bán hai bên tuyến đường. Chỉ riêng thôn An Sơn có hàng chục hộ làm dịch vụ du lịch như mở nhà hàng, quán ăn, quà lưu niệm, vận tải hành khách, hay bán đặc sản địa phương. Nhà hàng, quán xá mở ra đồng nghĩa với lượng lớn nông sản địa phương được các tiểu thương tiêu thụ tại chỗ với giá cao.
Năm 2019, Hòa Ninh được UBND thành phố công nhận xã loại 1, thu nhập bình quân 55 triệu đồng/người/năm. Đó là món quà cho sự đồng lòng của người dân khi họ tự nguyện hiến hơn 5.500m2 đất; hàng ngàn ngày công lao động phục vụ bê-tông hóa giao thông nội đồng, kênh mương nội đồng, giao thông nông thôn mở rộng, lắp điện chiếu sáng trên các tuyến đường kiệt, hẻm. Và trong 137 tỷ đồng đầu tư xây dựng NTM ở Hòa Ninh, có không ít từ sự đóng góp của bà con nhân dân xã.
Hòa Ninh chỉ là ví dụ cụ thể cho quá trình NTM ở Hòa Vang. Bởi sau 10 năm, mức thu nhập bình quân của người dân Hòa Vang từ 15 triệu đồng đã tăng lên 55,08 triệu đồng/người/năm; đồng thời có 909 doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất, 7.737 hộ kinh doanh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách cho địa phương, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng trăm lao động nông thôn.
Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Phạm Nam Sơn đánh giá, Hòa Vang hiện đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 12%/năm, cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Riêng trong giai đoạn từ năm 2015-2020, tỷ trọng dịch vụ tăng từ 51,4% lên 52,3%, công nghiệp tăng từ 30,5% lên 35,9% và nông nghiệp giảm từ 18,1% xuống còn 11,8%. “Đây là những con số đáng khích lệ cho sự đồng lòng, cố gắng của cả hệ thống chính trị lẫn người dân Hòa Vang thời gian qua. Trong đó, không thể không nhắc đến sự tham gia gián tiếp từ các sở, ngành, các địa phương, đơn vị và người dân toàn thành phố đã giúp người dân Hòa Vang sớm chạm đích NTM”, ông Nam Sơn nói.
Rất nhiều nội dung quan trọng đã được đội ngũ lãnh đạo huyện phân tích, mổ xẻ, rút kinh nghiệm tại Đại hội Đảng bộ huyện Hòa Vang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, các mục tiêu cụ thể đặt ra trong nhiệm kỳ mới như: tăng cường xây dựng Đảng, xây dựng huyện trở thành thị xã trực thuộc thành phố; tập trung quy hoạch, phát triển kinh tế nhanh và bền vững; ưu tiên phát triển công nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường.
Nhưng, với người dân Hòa Vang, một trong những mục tiêu họ mong chờ nhất vẫn là thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 85 triệu đồng/người/năm. Mức thu nhập này sẽ giúp chất lượng sống của người dân nông thôn thêm tươm tất.
Có thể nói, thành quả 10 năm xây dựng NTM là tiền đề để huyện Hòa Vang tiếp tục phát triển. Trong những năm tiếp theo, Huyện ủy Hòa Vang tiếp tục bám sát nội dung Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 30-12-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về phương hướng, nhiệm vụ xây dựng, phát triển huyện Hòa Vang đến năm 2020 và những năm tiếp theo làm động lực phát triển.
Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Phạm Nam Sơn khẳng định, trong nhiệm kỳ mới 2020-2025, chương trình xây dựng NTM tiếp tục được thực hiện thông qua việc đầu tư nâng cao chất lượng các tiêu chí, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng, đời sống người dân được chú trọng. Cùng với bản sắc văn hóa, truyền thống đoàn kết, thống nhất, những kinh nghiệm được tích lũy sẽ là nhân tố quan trọng giúp Ban Chấp hành Đảng bộ huyện tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới. |
HUỲNH LÊ