Tận tâm với nghề giáo

.

25 thầy giáo, cô giáo sẽ được UBND thành phố trao tặng Giải thưởng “Nhà giáo tiêu biểu thành phố Đà Nẵng năm 2020” dự kiến tổ chức vào ngày 20-11đều yêu nghề, say mê sáng tạo, không ngừng nỗ lực học hỏi, góp phần nâng cao chất lượng ngành giáo dục thành phố. Báo Đà Nẵng giới thiệu chân dung 4 cô giáo ở 4 cấp học như một lời tri ân những giáo viên tâm huyết trong quá trình dạy chữ và dạy người cho nhiều thế hệ học sinh thành phố.

Cô Nguyễn Thị Thanh dạy học sinh nhận biết các con vật thông qua hình ảnh trên máy chiếu. Ảnh: NGỌC PHÚ
Cô Nguyễn Thị Thanh dạy học sinh nhận biết các con vật thông qua hình ảnh trên máy chiếu. Ảnh: NGỌC PHÚ

1. Trong 4 tấm gương giáo viên mầm non được thành phố tuyên dương “Nhà giáo Đà Nẵng tiêu biểu năm 2020”, có cô Nguyễn Thị Thanh (giáo viên Trường mầm non Hoàng Anh, quận Sơn Trà). 16 năm trước, cô gái trẻ Nguyễn Thị Thanh tốt nghiệp ngành Sư phạm giáo dục mầm non và vào làm cho một nhóm trẻ gia đình. Bỡ ngỡ và áp lực khiến cô Nguyễn Thị Thanh hằng ngày chỉ biết ôm trẻ mà khóc. “Lương thấp, công việc vất vả nên có lúc tôi muốn bỏ ngang. Nhưng những đôi mắt sáng, trong veo của trẻ thơ… đã giữ tôi lại với nghề. Để rồi, mỗi năm qua đi lại bồi đắp trong tôi tình thương con trẻ, quyết tâm gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ cho đến hôm nay”, cô Thanh nhớ lại.

Trong quá trình công tác của mình, bằng tình thương xuất phát từ tấm lòng của người mẹ, cô Nguyễn Thị Thanh đã giúp nhiều trẻ tự kỷ hòa nhập với bạn bè. Cô nhớ lại, cách đây 2 năm, trong lớp mà cô Thanh chủ nhiệm có em T., từ nhỏ chỉ ở nhà với ông bà và xem tivi, ít tiếp xúc với người xung quanh kể cả giáo viên. Phụ huynh thường ngại khi cô giáo đề cập đến vấn đề này của con, không tin rằng con mình mang bệnh nhưng tôi đã bền bỉ thuyết phục để ba mẹ đưa bé đi kiểm tra nhằm có sự can thiệp sớm, giúp trẻ dễ hòa nhập sau này. Thương trẻ, cô đọc nhiều tài liệu trao đổi, trò chuyện kỹ hơn với mẹ bé về các phương pháp luyện tập, giúp bé hòa nhập cùng các bạn. Bên cạnh đó, hằng ngày khi tổ chức các hoạt động, cô luôn cố gắng thu hút, lôi kéo bé cùng tham gia. Dần dần, T. đã có những thay đổi tích cực.

“Giờ ăn, bé đã tự cầm thìa xúc. Giờ học, bé tập trung, chăm chú khi nghe cô kể chuyện. Trong một hoạt động văn nghệ ở lớp, T. đã tự giơ tay lên nhảy theo cùng các bạn. Những thay đổi nhỏ đó là kết quả của hành trình dài mà trẻ, ba mẹ, cô giáo cùng đồng hành. May mắn, tôi đã không bỏ cuộc”, cô Thanh xúc động kể lại.

2. Trường tiểu học Trần Văn Ơn (quận Hải Châu) hằng năm có số lượng học sinh khuyết tật dạng nhẹ học hòa nhập khá đông. 10 năm kể từ ngày ra trường cũng chính là khoảng thời gian mà cô Nguyễn Thị Hà Vân trở thành “người mẹ hiền” để giúp những học sinh tiểu học khuyết tật dạng nhẹ nơi đây học hòa nhập. Được học ngành giáo dục đặc biệt - chuyên ngành giáo dục hòa nhập bậc tiểu học, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng, cô Vân đã đem hết sở trường, kinh nghiệm, tình thương của mình để hỗ trợ, giúp đỡ trẻ khuyết tật dạng nhẹ tiếp thu bài vở hiệu quả hơn, quá trình hòa nhập dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, việc vừa phải dạy học sinh bình thường, vừa dạy học sinh khuyết tật là một áp lực đối với người giáo viên trẻ. Cô Hà Vân kể: “Những em tự kỷ thường tăng động dạng nặng, mất tập trung. Vì vậy, khi ngồi trong lớp, các em thường chọc phá bạn bè, xé sách vở, la hét, chạy tán loạn ra bên ngoài. Lúc này, cô giáo vừa làm giáo viên giảng bài cho lớp học, vừa là người mẹ dỗ dành các em vâng lời. Tùy thuộc vào đặc điểm từng em mà mình phân ra phương pháp dạy và dỗ. Đặc biệt, mình phải thường xuyên tâm sự, gợi mở để các em trò chuyện, chia sẻ cùng cô giáo. Ban đầu, các em có thể quậy phá, không tập trung, không hợp tác nhưng khi mình đi đúng hướng, gần gũi, chân thành, các em sẽ bớt đi sự tăng động, tập trung học bài tốt hơn”.

Bên cạnh đó, để các em nắm kiến thức, cô Hà Vân luôn tranh thủ dạy riêng cho từng em những lúc trống tiết hoặc vào các giờ ra chơi. Cô còn chuẩn bị những hình ảnh minh họa nhiều màu sắc để việc đánh vần, tập đọc của các em được sinh động, thú vị hơn. Cô gắn những phép toán đơn giản vào các chủ đề yêu thích của từng em như tự nhiên hoặc đồ chơi để việc học gần gũi, giúp các em hào hứng hơn.

3. Cô Nguyễn Thị Bích Vân (tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, quận Thanh Khê) tròn 20 năm trong nghề. Những ngày đầu ra trường, cô công tác giảng dạy tại Trường THCS Nguyễn Văn Linh (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang). Với nhiệt huyết, tình yêu nghề và kiến thức vốn có, giờ học Văn của cô Bích Vân luôn là tiết học nhiều học sinh mong đợi. Sau 6 năm làm giáo viên, cô đã được ngành GD&ĐT huyện Hòa Vang tin tưởng, bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng nhà trường. Đây có thể nói là một vinh dự không nhỏ của một giáo viên chỉ mới 6 năm trong nghề.

Do nhà ở khu vực ngã ba Huế, quãng đường đến trường khá xa, trong khi con đầu vào học THCS, không ai đưa đón nên cô quyết định thôi làm công tác quản lý, điều hành để chuyển về Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, tiếp tục dạy môn Ngữ văn lớp 9. Trở về với chuyên môn, với niềm đam mê của mình, cô Bích Vân nỗ lực từng ngày để vun đắp tình yêu văn học và sách trong các thế hệ học trò.

Cô tâm niệm: “Học sinh bây giờ tiếp cận công nghệ thông tin nhiều, ít đọc sách nên kỹ năng viết yếu hơn những niên khóa trước. Vì vậy, mình thường xuyên động viên các con đọc sách, tác phẩm văn chương hay để sống, để cảm cùng nhân vật, nuôi dưỡng cảm xúc. Bên cạnh đó, mình hướng dẫn các con về phương pháp, cách vận dụng lý thuyết, nắm ý viết bài để tránh tình trạng đọc văn mẫu rồi viết rập khuôn”. Ngoài ra, để dạy hiệu quả hơn, cô Bích Vân thường triển khai dạy theo chủ đề, cụm bài, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Cụ thể, cô thường tích hợp các dạng bài có cùng một chủ đề đưa vào một bài giảng có cùng một nội dung.

“Ví dụ bài khối 9, khối 6 có cùng chủ đề thì giáo viên có thể tích hợp lại, xây dựng thành một cụm, tính tích hợp nội dung rất rõ, giáo viên có thể kèm thêm tài liệu tham khảo để chuyển tải chủ đề đó đến với học sinh. Dạy theo hình thức này, học sinh có thể ôn tập các chương trình đã học”, cô Bích Vân nói.

Năng nổ, đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin, khi Covid-19 bùng phát, cô Bích Vân nỗ lực để tham gia soạn bài giảng trên truyền hình cho học sinh lớp 9. Đồng thời, thông qua các kênh do Sở GD&ĐT cung cấp, cô dạy trực tuyến cho học sinh khối 9 kết hợp các nhóm zalo, facebook để gửi bài về cho học sinh thực hiện. Những nỗ lực của cô đã giúp học sinh khối 9 Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng tiếp thu tốt, nắm vững chương trình môn Ngữ văn trong giai đoạn Covid-19 diễn biến phức tạp.

4. Ở khối THPT, có 6 giáo viên được thành phố tuyên dương “Nhà giáo Đà Nẵng tiêu biểu năm 2020”, trong số ấy có cô giáo Huỳnh Thị Thanh Hương (Tổ trưởng tổ chuyên môn Hóa, Trường THPT Phan Châu Trinh). 21 năm làm nghề giáo, cô Huỳnh Thị Thanh Hương đã để lại dấu ấn đặc biệt đối với ngành Giáo dục Đà Nẵng. Bằng sự tâm huyết, tận tụy với nghề, là nhà giáo mẫu mực, cô Thanh Hương có uy tín trong tập thể sư phạm nhà trường, được đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh tín nhiệm, tin yêu.

Đặc biệt, cô Thanh Hương luôn đi đầu trong việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chuyên môn, nhờ đó chất lượng giáo dục được duy trì và giữ vững qua từng năm. Là giáo viên có kinh nghiệm lâu năm, cô Thanh Hương được nhà trường tin tưởng giao nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi.

Trong năm học 2019-2020, cô đã bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi môn Hóa lớp 12 đoạt 27 giải cấp thành phố, trong đó có 5 nhất, 5 nhì, 10 ba, 7 khuyến khích. Đồng thời, cô còn tích cực tham gia cùng nhà trường xây dựng ngân hàng đề ôn tập kiểm tra 1 tiết, đề kiểm tra học kỳ, đề minh họa kỳ thi THPT năm 2020; tổ chức ôn tập cho học sinh nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện...

Thầy Nguyễn Quang Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh nhận xét: “Suốt 21 năm đứng trên bục giảng, cô Huỳnh Thị Thanh Hương không ngừng nỗ lực đổi mới để bài giảng của mình ngày một chất lượng hơn, giúp học trò thích thú hơn. Thành công lớn nhất ở cô không phải là đạt nhiều giải thưởng mà là việc học sinh hào hứng, thích thú với tiết học của cô. Cô Hương chính là tấm gương nhà giáo tận tâm, tận tụy, để đồng nghiệp noi theo”.

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.