Không có nhiều tác phẩm văn học thuộc thể loại trinh thám, văn học Việt Nam đang bỏ trống “sân chơi” này cho dòng truyện trinh thám của thế giới tràn vào. Song, bức tranh văn học trinh thám Việt Nam đương đại vẫn có những gam màu sáng khi xuất hiện một số tác phẩm có giá trị nghệ thuật được đông đảo công chúng độc giả đón nhận.
Một vài tác phẩm trinh thám đáng chú ý được ra mắt trong những năm gần đây. |
Đã qua “mùa vàng”
Sau “mùa vàng” ở cả hai miền Nam - Bắc trong nửa đầu thế kỷ XX, từ đó đến trước thời điểm đất nước tiến hành đổi mới (năm 1986), truyện trinh thám bắt đầu vắng bóng và không để lại nhiều dấu ấn về số lượng người viết cũng như chất lượng nghệ thuật. Những thành tựu trước đó nhường vai trò lịch sử cho nền văn học cách mạng. Các nhà văn viết truyện trinh thám ở miền Bắc phần lớn chuyển sang sáng tác những thể loại khác hợp với thời đại như thơ, ký, truyện ngắn, kịch…
Ở miền Nam, sự thay đổi thị hiếu, nhu cầu công chúng độc giả của văn học đô thị khiến truyện trinh thám trở nên lạc lõng trước những trào lưu, khuynh hướng sách tác mới theo chủ nghĩa hiện sinh và phân tâm học. Những nhà văn đã thành danh trước đây sáng tác không nhiều, các tác phẩm không đủ sức hấp dẫn người đọc.
Sau năm 1986, đời sống văn học nước nhà có sự chuyển mình mạnh mẽ. Riêng thể loại văn học trinh thám bắt đầu được quan tâm trở lại với không ít tác phẩm nổi tiếng đầu thế kỷ XX được tái bản. Nhưng sự xuất hiện hiếm hoi của những đầu sách văn học thuộc thể loại này xem ra không đủ sức khỏa lấp khoảng trống mênh mông của dòng văn học thể loại trinh thám.
Nhà văn Di Li nhìn nhận: “Viết truyện trinh thám đòi hỏi người viết phải có sự tưởng tượng phong phú và sáng tạo không ngừng. Đây là thách thức rất lớn cho những ai muốn theo đuổi đề tài này”.
Hoài vọng về thế hệ cầm bút mới
Mặc dù bị lép vế, đánh mất vị thế, nhưng bức tranh văn học trinh thám Việt Nam đương đại không phải không có những gam màu sáng. Thông qua các cuộc thi được tổ chức định kỳ, đã xuất hiện thêm nhiều gương mặt mới và những tác phẩm có giá trị nghệ thuật được đông đảo công chúng độc giả đón nhận: Một thế giới không có đàn bà (Bùi Anh Tấn); Sát thủ Online (Nguyễn Xuân Thủy); Bão ngầm (Đào Trung Hiếu); Hồ sơ một tử tù (Nguyễn Đình Tú); Trại hoa đỏ, Câu lạc bộ số 7 (Di Li)… Điều đáng mừng là sau cuộc thi, các nhà văn vẫn tiếp tục theo đuổi đề tài và ra mắt những sản phẩm chất lượng như Nguyễn Xuân Thủy với Có tiếng người trong gió, Bùi Anh Tấn với Thám tử yêu…
Biên độ thể loại trong sáng tác của các nhà văn không ngừng được mở rộng khi có sự đan cài, phối trộn chất tâm lý xã hội, văn hóa, lịch sử, địa lý trong tiểu thuyết trinh thám. Nhiều tác giả đã thể nghiệm những lối viết mới, cách tân hình thức biểu đạt về thế giới và con người.
Những tác giả, tác phẩm nói trên cho thấy sự thiếu hụt trầm trọng về lực lượng sáng tác ở thể loại này, chưa trở thành dòng chảy có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn học đương đại. Từ thực trạng này cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống văn học từ khâu sáng tác đến quản lý, phát hành, phê bình… Đặc biệt với người cầm bút, sứ mệnh này càng trở nên nặng nề hơn bao giờ hết.
Nói như nhà văn Nguyễn Quang Thiều: “Các nhà văn cần nuôi dưỡng niềm đam mê sáng tạo, đồng thời không ngừng trau dồi, tích lũy những tố chất cần thiết của người viết truyện trinh thám chuyên nghiệp: Không chỉ trí tưởng tượng, sáng tạo, tài hư cấu, kể chuyện mà còn am tường các lĩnh vực của đời sống xã hội, các kiến thức khoa học trên nhiều lĩnh vực”.
Sẽ là quá sớm khi nói về sự hồi sinh hay hướng đi mới của văn học trinh thám đương đại, nhưng với nỗ lực của các nhà văn, đặc biệt là những người trẻ như Nguyễn Đình Tú, Di Li, Nguyễn Xuân Thủy…, độc giả có quyền kỳ vọng về những tác phẩm mang bản sắc Việt, vừa đáp ứng thị hiếu của độc giả, vừa có chất lượng nghệ thuật, giá trị nhân văn sâu sắc để góp phần đưa truyện trinh thám Việt trở lại vị thế vốn có.
BÙI ANH TUẤN