Đám cưới ngày xưa…

.

Đám cưới, chuyện đại sự của một đời người thời nào cũng có, chỉ khác nhau về hình thức tùy theo điều kiện, hoàn cảnh và thời gian.

1. Nhớ lại việc cưới xin vào những năm thập niên 80 của thế kỷ trước, càng thấy cuộc sống hồi ấy thật đơn giản mà ăm ắp tình người. Ở nông thôn, để chuẩn bị việc đưa dâu, đón rể, cha mẹ phải tích lũy các thứ từ cây nhà lá vườn mấy tháng dồn cho ngày nhóm họ. Hễ mai đến ngày kết lứa trăm năm thì tối nay nhà có chuyện vui râm ran tiếng nói cười của các mẹ, các chị. Ai cũng tạm gác công chuyện đồng áng, vườn tược để sang phụ giúp. Tiếng heo kêu eng éc, tiếng gà quang quác, cả góc vườn phía sau nhà trở thành bếp ngoài trời bập bùng ánh lửa thâu đêm.

Nhà trai bưng quả đến nhà gái trong một đám cưới ở làng quê ngày nay. Ảnh: PHẠM DOÃN TRIỀU
Nhà trai bưng quả đến nhà gái trong một đám cưới ở làng quê ngày nay. Ảnh: PHẠM DOÃN TRIỀU

Sáng ra, sau phần cúng gia tiên, lễ nghi cho đôi trai gái thì tới phần gia chủ tiếp đón khách. Xứ Quảng thường gọi đây là nhóm họ, bởi hồi ấy, khách mời chủ yếu là bà con các bên nội ngoại xa gần. Do không có giờ giấc nhất định nên gia chủ phải đón tiếp cả ngày, bởi ai rảnh lúc nào thì tranh thủ tới dự cưới lúc nấy. Hễ ai tới trước thì cứ cau trầu, trà nước, chuyện trò đợi có chừng 3-5 người trở lên thì gia chủ dọn mâm tiệc. Tuy thời gian kéo dài nhưng chẳng mấy tốn kém bởi gạo nếp, thịt, rau quả… đều do nhà làm; nấu nướng có láng giềng phụ giúp; đồ uống là những chai rượu gạo nắp nhét lá chuối, cùi bắp, hoặc chai rượu khằn nhãn hiệu “Bạc Hà”, chứ mấy khi được chai rượu có giá hơn mang thương phẩm “Cà phê”...

2. Nơi phố thị đông đúc, đám cưới có khác biệt đôi chút, nhất là đối với những chàng trai, cô gái nên duyên chồng vợ là những người làm việc trong các cơ quan Nhà nước. Họ mang giấy giới thiệu, giấy đăng ký kết hôn chạy ngược chạy xuôi tới các cơ quan thương nghiệp để mua bánh kẹo, trà, thuốc lá… theo tiêu chuẩn được phân phối cho cặp kết hôn. Ai khá giả hơn thì mua các loại bánh kẹo thơm ngon của Xí nghiệp quốc doanh Hải Hà; thuốc lá đầu lọc Thủ Đô, Bông Sen, Điện Biên và trà Bắc Thái. Người ít tiền mua bánh kẹo rẻ hơn đôi chút, rồi mua mấy ký hạt dưa cùng vài tút thuốc lá Vàm Cỏ, Đà Lạt, Hoa Mai. Địa điểm tổ chức lễ cưới thường mượn hội trường, nhà ăn của cơ quan, xí nghiệp…

Sân khấu được trang trí thường có dòng chữ “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”. Cô dâu, chú rể tự chở nhau bằng xe đạp hoặc Honda Dame, xe 67 từ nơi ở tới hội trường. Hình thức đám cưới này thường được gọi là tổ chức tập thể; đãi, hoặc dọn “ngọt” tức là đãi khách mời bánh kẹo. Người lo khâu tổ chức đa phần do quen biết, nhờ cậy, không đồng thù lao chứ chẳng có MC chuyên nghiệp. Họ chào mừng, mời khách khứa vào hội trường bằng những câu hò, câu vè cổ động xuôi vần vui nhộn. Dây pháo treo phía trước phát nổ đì đùng báo hiệu lễ cưới bắt đầu.

Nội dung chương trình lễ bao giờ cũng có người đại diện lãnh đạo cơ quan, đơn vị lên phát biểu chúc mừng, căn dặn đôi lứa giữ gìn hạnh phúc và giao một số… nhiệm vụ trong thời gian tới. Hồi ấy, quà mừng cưới bằng phong bao hiếm lắm nên đám cưới không có thùng đựng phong bì đặt ở phía trước. Xong lễ thành hôn, cô dâu, chú rể, người thân, bè bạn xúm vô bưng bê quà cưới là những bộ ấm chén, xoong nồi, phích nước, bếp dầu, quạt điện cơ con cóc… về nhà. Tứ thân phụ mẫu cùng bà con nếu ở quê ra phố thị dự đám cưới đều cử người mua vé trước và lên những chiếc xe đeo bình than nóng rực phía sau để trở về. 

Bây giờ, những cặp sánh duyên chồng vợ vào những năm tháng ấy hầu hết có thiên chức khác. Họ đã đứng ra lo liệu cưới hỏi cho con, trở thành ông bà nội, ngoại khi mái đầu đã pha sương. Đám cưới con cái cũng đã khác xa so với đám cưới ngày xưa. Đó là việc rước dâu, tiễn rể bằng những chiếc ô-tô bóng bẩy sang trọng; tổ chức trong những nhà hàng lộng lẫy với các suất ăn đắt tiền; âm thanh, ánh sáng vượt trội; sân khấu màn hình led rực rỡ, MC, nhạc công, ca sĩ thuê bao trọn gói… Âu đó cũng là lẽ thường tình trong xu thế phát triển của đời sống hiện đại.

THÁI MỸ

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích