Lời tự tình của phố

.

Cuối tuần, tôi cho phép mình ngủ dậy muộn, thong dong tưới cây, ngắm những nụ hoa vừa hé trong làn gió cuối năm se lạnh. Thay vì ở nhà, tôi muốn hòa mình vào phố sá vì thời tiết mùa này đẹp quá.

Tôi chọn một quán cà phê mới. Quán nhỏ xíu, nằm khép nép sau những bụi tường vi vừa bung cánh. Ở thành phố này, bất cứ nơi nào cũng có rất nhiều con hẻm và những quán cà phê nên chỉ cần hướng tầm nhìn gần thôi thì có vài quán để lựa chọn. Những quán cóc chỉ vài ba bộ bàn nhỏ, mặt bàn đủ kê mấy ly nước, ghế ngồi cũng nhỏ xíu, trang trí thêm vài lẵng hoa đủ màu sắc…

Tôi thường chọn góc có tầm nhìn rộng nhất. Quán hôm nay mở nhạc xuân, những bài hát xưa cũ nhưng nghe hoài không chán, như thể nếu những lời ca, giọng hát ngọt ngào ấy chưa cất lên thì mùa xuân còn ở đâu có, chưa về. Người phụ nữ đứng tuổi, với trang phục thể thao, ngồi cùng nhóm bạn ở bàn bên cạnh, chép miệng than: “Nghe nhạc xuân… buồn quá!”. Một người khác có lẽ đã hiểu mạch chuyện, cũng thở dài: “Thiệt chớ, xuân gì mà… buồn”. Anh chủ quán vừa pha chế nước ở quầy gần đó, dõi theo câu chuyện của họ, bật ngay câu hỏi: “Xuân đến thì vui chứ các chị?”. “Dịch dã cả năm, vui gì nổi em trai”.

Không ai nói gì. Rất lâu. Có lẽ mỗi người đang chìm vào câu chuyện của riêng mình, chìm vào những cân nhắc tính toán cho một mùa xuân sắp chạm ngõ…

“Mọi năm bằng giờ này, thằng Hai ở Úc đã gần về rồi, ông nhà tui ổng thao thức mấy đêm liền, đến khi nhìn thấy 2 vợ chồng nó với đám nhỏ mới… chịu đi ngủ. Năm nay, biết tụi nhỏ không về được, ổng buồn muốn trầm cảm nhìn mà thương. Hổng biết còn được mấy năm để chờ con cháu nữa…”.

Giọng một người khác cũng bùi ngùi: “Nhà tui cũng tưởng đâu năm nay có thêm người, đám cưới chốt ngày rồi mà dời đến 3 lần, giờ tụi nhỏ đứa bên này, đứa bên Hàn cũng im luôn, không biết bao giờ mới yên ổn để về tổ chức cho trọn vẹn, khiến công việc cũng lở dở chẳng đến đâu, thiệt khổ”…

Câu chuyện của họ chỉ bớt trầm buồn khi một giọng khác cất lên: “Mình mạnh khỏe vầy là may rồi đó”.
Còn nhớ những ngày đầu tiên phố sá trở mình sau đợt giãn cách xã hội vào tháng 4. Thứ cảm xúc dâng trào hạnh phúc ấy đơn giản lắm, chỉ là mỗi sáng được đến nơi làm việc; được nghe tiếng rao quen thuộc của người bán hàng rong; được gặp nhau, ồn ã nói cười, tay bắt mặt mừng như chưa từng có dịch, được hòa mình vào phố sá dẫu có bụi bặm, chật chội nhưng rất đời thường ấy…

Rồi trải qua một đợt giãn cách nữa, cộng với những thông tin dịch hoành hành khắp thế giới, mỗi giây phút lại cướp đi sinh mạng của biết bao người, chúng ta đã thấy mình may mắn hơn rất nhiều. Chúng ta cũng thỏa hiệp với mình, vui vẻ tạm gác những mong ước cá nhân lại, bởi điều quan trọng nhất chính là sự bình an cho mình và người thân. Cũng nhờ vậy, ta mới nhận ra những khó khăn mà ta gặp phải trước đây, khi chưa có dịch, chẳng là gì to tát. Ta đã nghĩ rằng mình có thể “cân” tất cả, những áp lực, những lo toan… chỉ cần mình và người thân không bị đe dọa bởi những đợt dịch bệnh...

Dù không mong muốn, nhưng mỗi người đều đã có tròn một năm để sống chậm lại, nhìn mọi thứ khác đi. Bạn tôi, cười trong nước mắt kể rằng, may thật, nhờ tháng giãn cách xã hội, rồi thêm vài tháng thất nghiệp nên ở nhà đọc được những cuốn sách thật hay. Người thì bảo, may quá, không biết bao lâu rồi chưa có bữa cơm gia đình, vậy mà giãn cách xã hội, ngày ba bữa ngồi ăn với nhau, ấm áp gì đâu. Người khác thì chia sẻ rằng nhờ dịch mới nhận ra đâu là mối quan hệ khăng khít, trong những gương mặt cứ nhàn nhạt trôi qua nhau ấy, để hiểu thêm mình, hiểu thêm người…

Trải qua chuỗi ngày với nhiều cảm xúc bất an ấy, ta sống giản đơn hơn, bớt buồn phiền hơn, biết trân trọng, nâng niu mỗi phút giây an yên trong cuộc đời. Như lúc này đây, nhâm nhi tách trà nóng, nhìn đám lá bàng chuyển mùa đỏ ối trong làn gió và nghe giọng Ánh Tuyết tươi vui “Mùa bình thường mùa vui nay đã về/Mùa xuân mơ ước ấy, đang đến…”(*), là thấy hạnh phúc lắm rồi!

------------------------------

(*) Bài hát Mùa xuân đầu tiên của nhạc sĩ Văn Cao.

ÁNH HƯỜNG

;
;
.
.
.
.
.