Mái nhà chung của sinh viên khó khăn

.

Gần 25 năm qua, Mái ấm tình thương (gọi tắt là Mái ấm, 18 Phan Tứ, quận Ngũ Hành Sơn) là nơi chăm sóc những cụ bà neo đơn, không nơi nương tựa và còn hỗ trợ chỗ ăn ở miễn phí cho sinh viên khó khăn. Nhiều năm trôi qua, nơi đây là ngôi nhà chung của nhiều bạn trẻ, chắp cánh cho bao ước mơ nên vóc nên hình.

Không gian học tập của các sinh viên đang sống tại Mái ấm tình thương. Ảnh: MAI HIỀN
Không gian học tập của các sinh viên đang sống tại Mái ấm tình thương. Ảnh: MAI HIỀN

Tại Mái ấm một buổi trưa cuối tháng 11, tranh thủ trước giờ đi học, em Nguyễn Thị Vinh (SN 1998, quê xã Long Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) bón từng thìa cháo cho một cụ nằm một chỗ. Vinh nhẹ nhàng dỗ cụ bà ăn cháo. Cô gái 22 tuổi vào cơ sở này từ năm 2016, hiện theo học khoa tiếng Pháp, Trường Đại học (ĐH) Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng. “Nhà em có bốn anh chị em, em là con út. Bố mẹ em đều làm nông. Ngày em chuẩn bị vào Đà Nẵng nhập học, bố mẹ em lo lắm nhưng may sao người quen giới thiệu Mái ấm có hỗ trợ chỗ ăn ở cho sinh viên khó khăn nên em xin vào đây. Với em, Mái ấm là môi trường tốt để rèn luyện bản thân, đặc biệt là lòng thương cảm với những người không may mắn. Mọi người sống vui vẻ, chia sẻ cuộc sống, công việc với nhau như một gia đình. Những lúc em gặp khó khăn đều được các soeur, các bạn giúp đỡ”, Vinh bày tỏ.

Cũng xuất thân trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ đều làm nông, em Rơ Châm Điệp (SN 2000, dân tộc Jrai, quê thị trấn Ia ly, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), vào Mái ấm từ năm 2019, hiện học khoa Y, Trường ĐH Đông Á Đà Nẵng. Điệp chia sẻ: “Em và các bạn khác đều được Mái ấm cho ăn ở miễn phí. Ngoài ra, các soeur, các mạnh thường quân còn hỗ trợ tụi em một phần học phí. Em cảm thấy cuộc sống tại đây rất vui, em được học hỏi từ các soeur rất nhiều”.

Em Châu Thị Mỹ Hạnh (SN 2001, quê xã Bình Phước, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) gia nhập đại gia đình này chưa đầy nửa năm, đang theo học khoa Ngoại ngữ, Trường ĐH Duy Tân Đà Nẵng. Hạnh cũng xem Mái ấm như nhà của mình. Ngôi nhà ấy tuy không có bố nhưng có bà, có mẹ là các soeur. Hạnh bộc bạch: “Bố mẹ em đều làm nông. Nhà em có hai chị em và em là con đầu. Khi hay tin em đậu ĐH ở Đà Nẵng, anh họ của em đã giới thiệu em đến ở tại Mái ấm. Em rất biết ơn Mái ấm đã tạo điều kiện chỗ ăn ở cho em trong những tháng ngày đi học xa nhà”.

Tại Mái ấm, các bạn sinh viên xem những cụ bà neo đơn như bà của mình. Hằng ngày, vào những lúc rảnh, các bạn tình nguyện hỗ trợ các soeur chăm sóc các cụ. Khi thì làm bếp, lúc lại tắm rửa, bón từng thìa cơm, cháo cho các cụ. Không gian sống của các sinh viên cũng được Mái ấm quan tâm với chỗ nghỉ ngơi và nơi học tập tách biệt nhau.

Bà Huỳnh Thị An, Giám đốc Mái ấm cho hay: “Từ năm 2000, Mái ấm hỗ trợ chỗ ăn ở miễn phí cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; hiện có tất cả 19 em, gồm 11 nữ, 8 nam. Đa số các cụ ở đây đều tuổi cao, ốm yếu, mọi sinh hoạt cá nhân phải nhờ người khác giúp đỡ nên hằng ngày, những lúc rảnh, sinh viên phụ chúng tôi chăm sóc các cụ”.

KHÁNH QUYÊN

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích