Tôi không nhớ, thậm chí không biết ở Đà Nẵng, tên đường Lê Quý Đôn và tên Trường tiểu học công lập Lê Quý Đôn danh xưng nào có trước, chỉ nhớ rằng khi vào học Trường Lê Quý Đôn đầu niên khóa 1960-1961, con đường chạy ngang trường là một con đường cụt nối đường Trưng Nữ Vương với Kho xăng Nại Hiên của hãng Shell. Tuy nhiên, với tư cách cựu học sinh Trường Lê Quý Đôn 5 năm đi lại trên con đường thường xuyên tấp nập xe bồn, tôi nghĩ con đường này chỉ có thể được mang tên nhà bác học quê tỉnh Thái Bình sau khi đã có tên trường.
Học chỉ để nhớ thôi thì chưa đủ
Trong ký ức của bọn trẻ được học trong ngôi trường mang tên ông như chúng tôi ngày ấy, Lê Quý Đôn là người học giỏi và có trí nhớ siêu việt. Chỉ ngần ấy thôi cũng đủ để chúng tôi ngưỡng mộ và noi gương ông - trước hết là cố học thật thuộc những bài học thuộc lòng trong sách giáo khoa, tự nhủ đến bài học thuộc lòng mà còn không thuộc thì làm sao nhớ được bao nhiêu điều cần nhớ khác, và thế thì làm sao xứng danh học sinh Lê Quý Đôn. Có lẽ những người có sáng kiến và có thẩm quyền trong việc đặt tên trường và kèm theo đó là đặt tên con đường chạy ngang trường cũng từng kỳ vọng như vậy vào các thế hệ học sinh Lê Quý Đôn chúng tôi. Đương nhiên học chỉ để nhớ thôi thì chưa đủ, nhưng không nhớ thì làm sao có thể nghĩ tiếp, nghĩ thêm…
Lớn lên đọc sách, chúng tôi biết rằng Bảng nhãn Lê Quý Đôn (1726-1784) được hậu thế và cả người cùng thời vinh danh là nhà bác học lớn nhất của đất nước vào thế kỷ XVIII không chỉ vì ông có trí nhớ siêu phàm. Chẳng hạn, một người cùng thời với ông là Hoàng giáp Phạm Nguyễn Du (1739-1786) từng cảm nhận rằng, Lê Quý Đôn là người biết “tập hợp được những chỗ khác nhau mà tóm lấy cái cốt yếu, mổ xẻ cái ngờ vực mà đi đến chỗ tinh tế. Phàm những việc gì mà người trước chưa kịp nêu dẫn chứng, chưa kịp suy nghĩ tới, chưa kịp đặt thành lời, thì nhất thiết phân tích mở rộng rành rọt. Ví như người lên núi mà leo được chỗ cao, vượt biển mà tìm được chỗ sâu”. Bản thân Lê Quý Đôn khi viết lời tựa bộ sách Kiến văn tiểu lục vào năm Đinh Dậu 1777 cũng cho thấy ông là người “đi đến đâu cũng để ý tìm tòi, phàm việc gì mắt thấy tai nghe đều dùng bút ghi chép, lại phụ thêm lời bình luận sơ qua, giao tiểu đồng đựng vào túi sách, lâu ngày tích tập, sau mới chép thành từng thiên...”.
Di sản văn hóa đồ sộ
Nhờ biết ghi nhớ và quan trọng hơn là biết ghi chép như vậy mà Lê Quý Đôn đã để lại cho đời một di sản văn hóa đồ sộ với hàng chục tác phẩm nghiên cứu khoa học, tiêu biểu như sách Quần thư khảo biện được Lê Quý Đôn trước tác năm Đinh Sửu 1757; Vân đài loại ngữ - bộ sách được đánh giá là bách khoa toàn thư được trước tác năm Quý Tỵ 1773; bộ sách Kiến văn tiểu lục vừa nhắc ở trên; bộ sách Đại Việt thông sử hay còn gọi là Lê triều thông sử trước tác năm Kỷ Tỵ 1749 - trong đó chứa đựng nhiều tư liệu mới mà các bộ sách sử khác không có, nhất là về cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Minh; bộ sách Toàn Việt thi lục hoàn thành vào năm Mậu Tý 1768 - công trình biên soạn lớn nhất của Lê Quý Đôn… Đặc biệt, đối với người Đà Nẵng, không thể không nhắc đến đến bộ sách Phủ biên tạp lục được trước tác năm Bính Thân 1776 - trong thời gian Lê Quý Đôn giữ chức Hiệp trấn Tham tán quân cơ ở Thuận Hóa. Bàn về giá trị học thuật của Phủ biên tạp lục, một người cùng thời với ông là Hoàng giáp Ngô Thì Sĩ (1726-1780) nhận xét: “Sách này chép về hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam, ghi rõ núi sông, thành ấp, ngạch lính, thuế má, nhân tài, sản vật cùng các đời chúa Nguyễn với việc đánh dẹp, đóng quân rõ ràng như những ngón tay trên bàn tay...”.
Trước hết, có thể thấy qua Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn còn ghi nhận sự thịnh vượng của Đất Quảng - bao gồm Đà Nẵng: “Xứ Thuận Hóa sản vật rất ít. Các sản vật quý đều lấy ở Quảng Nam. Đấy là một nơi sản vật nhiều nhất trong nước. Người ở Thăng Hoa và Điện Bàn biết dệt vải, lụa, sa tanh, đoạn, lụa hoa, nghề dệt ấy không kém gì người Quảng Đông. Về đồng ruộng thì nhiều và tốt, thóc gạo ngon. Trầm hương, tốc hương, loài voi, loài tê giác, vàng bạc, đồi mồi, ngọc châu, ngọc trai, bông, sáp vàng, đường mật, dầu son, hồ tiêu, cá muối, cau tươi và các thứ gỗ đều là thổ sản ở nơi ấy”.
Phủ biên tạp lục cũng là tài liệu cổ xưa mô tả kỹ càng nhất về quần đảo Hoàng Sa của thành phố Đà Nẵng và quần đảo Trường Sa của tỉnh Khánh Hòa, phản ánh khách quan và chân thực công cuộc xác lập và thực thi chủ quyền của các nhà nước quân chủ Việt Nam trên hai quần đảo này. Có thể nói, với Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn đang đồng hành với người Đà Nẵng trong cuộc đấu tranh học thuật nhằm khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam và của Đà Nẵng đối với quần đảo Hoàng Sa.
Trong Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn đã mô tả khá cụ thể về hoạt động của đội Hoàng Sa: “Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng ba nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn sáu tháng, đi bằng năm chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển ba ngày, ba đêm thì đến đảo ấy. Ở đấy tha hồ bắt chim, bắt cá mà ăn. Lấy được hóa vật của tàu như là gươm ngựa, hoa bạc, tiền bạc, vòng sứ, đồ chiên, cùng là kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân rất nhiều. Đến kỳ tháng tám thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp, cân và định hạng xong mới cho đem bán riêng các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm, rồi lĩnh bằng trở về”.
Qua Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn còn cung cấp những con số cụ thể mà đội Hoàng Sa trong cả 6 tháng ròng rã ngoài biển khơi ấy: “Lượm được nhiều ít không nhất định, cũng có khi về người không. Tôi đã xem số của cai đội cũ là Thuyên Đức Hầu biên rằng: năm Nhâm Ngọ 1762 lượm được 30 hốt bạc; năm Giáp Thân 1764 lượm được 5.100 cân thiếc; năm Ất Dậu 1765 được 126 hốt bạc, từ năm Kỷ Sửu 1769 đến năm Quý Tỵ 1773 năm năm ấy mỗi năm chỉ được mấy tấm đồi mồi, hải ba. Cũng có năm được thiếc khối, bát sứ và hai khẩu súng đồng mà thôi”. Rõ ràng các chúa Nguyễn lập ra đội Hoàng Sa không phải vì mục đích kinh tế mà chủ yếu là để thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Phi trí bất hưng |
BÙI VĂN TIẾNG