Sách mới, sách hay

.

1. Hoàng Đạo Thúy (1900-1994) là nhà giáo dục, nhà biên khảo, nhà hoạt động văn hóa - xã hội nổi tiếng ở Việt Nam. Ông hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau và lĩnh vực nào cũng để lại dấu ấn đặc biệt. Ông được mệnh danh là nhà Hà Nội học hàng đầu của Việt Nam.

Nghề thầy (NXB Hội Nhà văn) là tập sách mỏng, viết dưới dạng những lời tâm sự, chia sẻ về chuyện nghề của một người thầy cả đời tâm huyết. Đã gần 80 năm trôi qua kể từ khi cuốn sách được xuất bản lần đầu tiên (năm 1944) nhưng những vấn đề mà tác giả đặt ra, bàn luận, hướng dẫn đến hôm nay vẫn chưa hề cũ, thậm chí còn rất mới. Giáo dục với người thầy bắt nguồn từ những việc nhỏ nhặt như tắm cho trẻ, dọn vệ sinh trường lớp, giao thiệp với phụ huynh, quan chức ở địa phương, chấm bài, sửa bài, hướng dẫn học sinh làm thủ công...

Ở từng việc, Hoàng Đạo Thúy chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp đúc rút từ sách vở và chính trải nghiệm làm thầy của mình,… Ông nhấn mạnh mục tiêu giáo dục toàn diện bao gồm: Đức, Chí, Thể, Trí, Công. Trong đó, việc rèn luyện cho trẻ có “Chí” rất quan trọng, khiến trẻ trở thành người tử tế, có ích.

2. Nhà thơ Trần Vàng Sao (1941-2018) tên thật là Nguyễn Đính ở thôn Vỹ Dạ, Huế. Đầu những năm 1960, đi theo tiếng gọi đấu tranh của phong trào sinh viên học sinh Huế, ông tham gia phong trào với nhiệt huyết yêu nước nồng nàn, trong những năm tháng chiến tranh ác liệt.

Tập thơ Bài thơ của một người yêu nước mình (NXB Hội Nhà văn) tập hợp các bài thơ được ông sáng tác trong những năm tháng ấy. Tuy ít phổ biến thơ mình nhưng bài thơ có tên Bài thơ của một người yêu nước mình được ông sáng tác vào năm 1967, ký tên Trần Vàng Sao, đã được chọn là 100 bài thơ xuất sắc nhất Việt Nam thế kỷ 20. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định: “Thơ của Trần Vàng Sao chính là cuộc đời ông,… Trần Vàng Sao là một thi sĩ chân chính đến trầm luân, Trần Vàng Sao là một người yêu nước đến đau đớn”.

HẢI ÂU

;
;
.
.
.
.
.